Giữ gìn và phát huy di sản nghề Dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi

10/01/2017 15:14

Theo dõi trên

Với những giá trị độc đáo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa công nhận nghề dệt zèng (thổ cẩm) của đồng bào Tà Ôi ở tỉnh Thừa Thiên - Huế là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.



(Ảnh: huefestival.com)

Nghệ dệt zèng của người Tà Ôi hình thành từ sớm trong các ngành nghề truyền thống của các đồng bào ở huyện miền núi A Lưới được bảo tồn, lưu truyền cho đến nay. Những tấm zèng (hoặc dèng) là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới.

Theo quan niệm của người Tà Ôi, những cô gái nào dệt càng được nhiều zèng, dệt đẹp, sẽ dễ dàng được các chàng trai, các gia đình chung quanh để ý, và ngược lại, những thiếu nữ không khéo tay, không dệt được nhiều zèng sẽ không được các chàng trai đánh giá cao… Vì vậy, dù cuộc sống hôm nay có nhiều đổi khác thì văn hóa dệt zèng của người Tà Ôi vẫn được tiếp nối một cách có ý thức và ngày càng phát triển.

Ngày nay, không chỉ người dân tộc vùng lân cận biết tới và mua zèng của người Tà Ôi mà khách du lịch cũng đã biết đến và tìm mua thông qua Hợp tác xã dệt zèng. Vì vậy, các sản phẩm zèng trở thành hàng hóa với việc trao đổi bằng tiền mặt chứ không còn dùng các đồ vật ngang giá như trước nữa. Cho nên nhiều người phụ nữ ở đây đã bắt đầu coi dệt zèng là công việc chính của mình bởi nó đã tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Và để sản phẩm zèng gần hơn với thị hiếu của khách hàng, đã có thêm rất nhiều mẫu mã mới như túi xách, ví, thắt lưng, túi đựng điện thoại, mũ… và các hoa văn có sự biến đổi như thêm vào các dòng chữ “Chúc mừng năm mới”, “Làm ăn như ý”, hoặc hình các con chim, thú, các điệu múa của nam nữ,… Còn giá cả thì cũng không đắt so với công sức để tạo ra một sản phẩm đẹp.

Mỗi sản phẩm dệt zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có và hơn thế nữa, nó là những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi.

Ngày nay, nghệ dệt zèng tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong lúc nhàn rỗi; đồng thời có thể khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng thông qua phục vụ các tour tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề, tham gia trình diễn, mua sắm các sản phẩm từ dệt zèng, tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần giúp cho đồng bào dân tộc ở A Lưới thoát nghèo và vươn lên làm giàu./.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Giữ gìn và phát huy di sản nghề Dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.