Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử

15/05/2017 10:37

Theo dõi trên

Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (5-12-2013). Đây là loại hình mang giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm qua.



Tiết mục tham dự Festival ĐCTT quốc gia lần thứ II tại Bình Dương.

ĐCTT tại Bến Tre

Ở Bến Tre, từ thập niên 80 của thế kỷ XX, bên cạnh các hoạt động sưu tầm, bảo tồn và phát huy các hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian như: hò, lý, hát ru, hát sắc bùa… thì phong trào ĐCTT cũng dần được quan tâm phát triển thông qua việc xây dựng các mô hình đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB). Từ năm 1986, Bến Tre đã thành lập CLB ĐCTT cấp tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long và được xem là mô hình mẫu cho các địa phương khác. Đây cũng là tiền đề cho quá trình phát triển phong trào ĐCTT tại tỉnh.

Theo kết quả kiểm kê hiện trạng ĐCTT của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013, toàn tỉnh có 1.948 người tham gia sinh hoạt ĐCTT; 230 đội, nhóm, CLB ĐCTT ở khắp 164/164 xã, phường, thị trấn. Hệ thống CLB các trung tâm văn hóa từ tỉnh đến xã hoạt động tương đối ổn định, có ban chủ nhiệm, quy chế, điều lệ, thu hội phí và tổ chức sinh hoạt định kỳ. Bên cạnh đó, Hội Di sản Văn hóa Bến Tre cũng đã thành lập được 5 CLB trực thuộc với gần 100 thành viên, cùng các hoạt động giao lưu định kỳ.

Ông Lư Văn Hội - Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết, qua các buổi sinh hoạt, giao lưu trao đổi, kỹ năng của các tài tử từng bước được nâng cao, một số người sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu ĐCTT ở các địa phương, đồng thời tích cực góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt ĐCTT của các CLB. Các CLB trực thuộc Hội Di sản Văn hóa tỉnh sinh hoạt định kỳ vào đêm 30 dương lịch hàng tháng tại Nhà Dừa - Bảo tàng tỉnh, theo từng chủ đề của tháng như: Bác Hồ là niềm tin tất thắng, Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam… Ngoài việc tham gia sinh hoạt tại Nhà Dừa và địa phương, đơn vị, nhiều hội viên còn tích cực hoạt động phục vụ du khách tại điểm, tuyến du lịch của tỉnh và tỉnh Tiền Giang, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động giao lưu ngoài tỉnh do Hội và các chi hội tổ chức.

Có thể nói, Bến Tre là một trong những tỉnh có phong trào ĐCTT phát triển khá mạnh mẽ với một lực lượng tham gia sinh hoạt (có kỹ năng đàn, hát) ĐCTT tương đối đông đảo. Bên cạnh sự phát triển đáng mừng ấy thì phong trào ĐCTT Bến Tre vẫn còn một số mặt hạn chế nhất định, đặc biệt là hoạt động truyền dạy, sáng tác lời mới cho ĐCTT chưa nhiều. Những năm qua, toàn tỉnh có rất ít lớp tập huấn chuyên môn, đờn và ca tài tử mà chủ yếu thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề mang tính chất định hướng thẩm mỹ, truyền nghề trong gia đình hoặc thông qua các buổi sinh hoạt. Việc sinh hoạt đờn, ca ở các CLB hiện nay chủ yếu dựa vào nền tảng là các trích đoạn cải lương hoặc một số bài bản nhỏ, bài vọng cổ hoặc thiên về sân khấu cải lương; các bài bản tổ thường không được thực hành một cách trọn vẹn nên chỉ đáp ứng yếu tố giải trí, chưa chú trọng đến chất lượng nghệ thuật và phát triển chuyên môn. Mặt khác, hiện vẫn chưa có nhiều nhân tố mạnh dạn trong sáng tạo bài bản mới để phát huy tính đặc sắc của loại hình này. Các bài bản này được sử dụng có lời ca đa số là tác phẩm sưu tầm, rất ít bài bản được sáng tác lời mới…

“Chắp cánh” cho phong trào ĐCTT

Đề án “Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bến Tre giai đoạn 2017 - 2020” của UBND tỉnh ra đời có mục tiêu rất cụ thể là nhằm nâng cao chất lượng và phát triển phong trào ĐCTT, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, trở thành nét sinh hoạt văn hóa phổ biến, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những công việc chính theo đề án sẽ được triển khai là xây dựng, kiện toàn và duy trì hoạt động hiệu quả các CLB tại mỗi xã, phường, thị trấn và tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn bao gồm: truyền dạy, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trình diễn, hướng dẫn phương pháp hoạt động CLB, xây dựng mô hình không gian ĐCTT mẫu phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, tổ chức định kỳ các liên hoan, hội thi ĐCTT cấp xã cho đến cấp tỉnh, tham gia đầy đủ các hoạt động hội diễn, liên hoan cấp khu vực và toàn quốc để phát hiện và bồi dưỡng hạt nhân, phát triển phong trào. Đồng thời, sẽ tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới đáp ứng yêu cầu phát triển quê hương…

Ngoài việc các đơn vị kịp thời tham mưu tỉnh ban hành chính sách động viên, khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tác lời mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị thì các đơn vị, tổ chức cần quan tâm thực hiện công tác xã hội hóa về hoạt động phổ biến, truyền dạy ĐCTT tại khu dân cư, nhóm đối tượng, nhóm sở thích, dòng họ và gia đình. Khuyến khích các hội nghề nghiệp, các địa phương, các tổ chức xã hội, các trường trung cấp, cao đẳng và phổ thông đưa loại hình ĐCTT vào chương trình ngoại khóa theo định kỳ. Đưa nghệ thuật ĐCTT tham gia ngày càng sâu rộng vào hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội, hội nghị, sinh hoạt gia đình…

Có thể nói, bản thân nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ có sức sống mãnh liệt, vì xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt của quần chúng nhân dân, phù hợp với mọi đối tượng, tạo được sự gắn kết trong cộng đồng, bồi đắp tâm hồn và điều chỉnh lẫn nhau về đạo đức, văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó, chắp cánh thêm sức mạnh cho ĐCTT phát triển là chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được hoàn thiện; từ đó, hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm nhiều hơn, cụ thể và thiết thực hơn đối với nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, có nhiều hoạt động tạo điều kiện cho loại hình ĐCTT được lan tỏa và phát triển mạnh mẽ. Đề án nêu trên không chỉ là tỉnh Bến Tre cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống mà còn là thể hiện sự quyết tâm cụ thể trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT - nghệ thuật truyền thống của dân tộc, quê hương.

Xin mượn lời chia sẻ của Nghệ nhân ưu tú Minh Lời để kết thúc bài viết: “Sống với nghệ thuật ĐCTT nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung sẽ góp phần nuôi dưỡng cho tâm hồn mình thêm yêu quê hương, đất nước, cuộc sống thêm niềm tin, lạc quan và tươi trẻ hơn. Mình gửi gắm tâm tình của mình qua tiếng đờn và chính tiếng đờn cũng đã nuôi dưỡng tâm hồn mình đến những điều tốt đẹp”.

Thực hiện quyết tâm gìn giữ là phát huy nghệ thuật ĐCTT, ngày 3-3-2017, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bến Tre giai đoạn 2017 - 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ thuật ĐCTT tiếp tục phát triển và lan tỏa rộng trong cộng đồng dân cư, thấm sâu vào đời sống tinh thần của xã hội.


Ánh Nguyệt

Nguồn: Báo Đồng Khởi
Bạn đang đọc bài viết "Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.