Gian nan gìn giữ nghề dệt thổ cẩm Bình Phước

20/07/2019 16:19

Theo dõi trên

Duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ nhằm lưu giữ nét đẹp truyền thống mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình. Song, những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm ở Bình Phước không khỏi trăn trở khi nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một.



Hiện nay, phần lớn phụ nữ S’Tiêng không còn biết dệt thổ cẩm như trước đây. Ảnh: binhphuoc.gov.vn

Theo Địa chí Bình Phước, thổ cẩm là một loại hàng vải dệt thủ công, có nhiều họa tiết được bố trí xen kẽ, nổi lên trên bề mặt vải giống như thêu. Những hoa văn này đem lại cho tấm vải sự tương phản về đường nét, màu sắc. Ở Bình Phước, ngoài các dân tộc tại chỗ như: S’Tiêng, Mnông, Khmer, còn có một số dân tộc khác như: Tày, Nùng, Mường, Thái... khi di cư đến, họ cũng mang theo nghề dệt thổ cẩm với những nét độc đáo riêng.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Bình Phước. Bằng đôi tay khéo léo, óc sáng tạo và những vật liệu sẵn có ở rừng, người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã dệt nên nhiều tấm thổ cẩm tinh xảo, hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ, vừa mang tính dân gian pha lẫn tính hiện đại của cuộc sống.

Hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm của người S’Tiêng chủ yếu là các hình tượng truyền thống như các hình khối, người, chim thú, cây cối, hoa lá và nhiều hoa văn họa tiết khác được thể hiện trong từng ô vuông nhỏ, cân đối. Hoa văn tỉ mỉ và cách phối màu tạo nét hoang sơ, huyền bí. Ngày nay, hoa văn trên vải thổ cẩm cũng được bổ sung cho phù hợp với cuộc sống hiện đại và thị hiếu của người tiêu dùng.

Đặc biệt, người con gái S’tiêng khi đến tuổi trưởng thành nếu biết dệt thổ cẩm thì được tôn trọng, đánh giá cao và là tiêu chí để các chàng trai chọn vợ. Tuy nhiên, hiện nay, người dệt thổ cẩm đã ít, người trẻ dệt thổ cẩm lại càng khan hiếm.

Ngoài lợi ích về kinh tế, nghề dệt thổ cẩm ở Bình Phước còn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng. Thế nhưng nghề dệt thổ cẩm đang đứng trước nguy cơ bị mai một, đầu ra gặp nhiều khó khăn.

Đứng trước tình trạng này thì việc Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc S’Tiêng là một việc làm cần thiết, không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập cho người thợ thủ công trong những lúc nông nhàn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, mà còn góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa, nét độc đáo riêng của đồng bào dân tộc S’Tiêng. Đây cũng là trăn trở, mong ước của các nhà quản lý, các nghệ nhân - những người muốn bảo lưu một nghề truyền thống đang dần bị mai một.

 
P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Gian nan gìn giữ nghề dệt thổ cẩm Bình Phước" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.