Giải pháp phát triển làng nghề gắn với du lịch biển Cửa Lò

27/08/2021 14:28

Theo dõi trên

Thị xã Cửa Lò, không chỉ có bãi tắm đẹp nhất Việt Nam mà còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống và các làng nghề với những sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo. Phát triển làng nghề gắn với du lịch không chỉ thu hút du khách đến với Cửa Lò, đem lại lợi ích kinh tế to lớn, mà còn khơi dậy tiềm năng và bảo tồn những đặc trưng văn hóa, truyền thống của mỗi làng nghề.

47c28a5d4e00b85ee111-1630049064.jpg
Một góc biển Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Diệu

Vai trò của làng nghề gắn với phát triển du lịch biển

Du lịch làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, đã và đang trở thành xu hướng mới của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Du lịch làng nghề phát triển sẽ giúp các làng nghề khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa dân gian, tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, đồng thời giúp cải thiện tốt hơn các cơ sở hạ tầng đi kèm với việc bảo vệ môi trường tại làng nghề. 

Gắn chặt du lịch ven biển với du lịch làng nghề ven biển là một hướng phát triển đúng đắn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá văn hóa độc đáo ở địa phương. Làng nghề ven biển là một trong những nét đặc thù của cộng đồng cư dân biển. Làng nghề hình thành cùng với sự phát triển văn hóa xã hội và sản xuất, là một nét đẹp truyền thống của các cư dân bản địa. Trong những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở nước ta càng thu hút du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi vùng.

Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đúng đắn, phù hợp trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch hiện nay. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận về kinh tế, giúp người dân giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn là cách thức để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Làng nghề không đơn thuần chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm thủ công mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ phong tục tập quán, bản sắc và tinh hoa nghệ thuật của từng nhóm cộng đồng. Với giá trị này, khách du lịch trong và ngoài nước không chỉ đến làng nghề để mua sắm sản phẩm đặc trưng của làng mà còn đến để cảm nhận và trải nghiệm lối sinh hoạt cộng đồng, sự bền bỉ, sáng tạo và tài hoa của bao thế hệ được hun đúc trong lao động sản xuất với bàn tay và khối óc.

Tiềm năng phát triển làng nghề ở Cửa Lò

Cửa Lò là địa phương có lợi thế là một bãi biển đẹp để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để du lịch làng nghề phát triển. Trong những năm qua, du lịch làng nghề đã góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thị xã.

Du khách đến Cửa Lò ngoài lý do bãi biển sạch, đẹp còn vì các loại hải sản ở đây tươi ngon, giá hợp lý và những đặc sản từ các làng nghề truyền thống, đã góp phần làm cho Cửa Lò thu hút du khách ngày càng đông…

Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 214 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó 50 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại tà tàu thuyền đánh bắt gần bờ và trong lộng. Năm 2020, sản lượng đánh bắt đạt 15 nghìn tấn, dự kiến năm 2021 đánh bắt khoảng trên 16 nghìn tấn, tạo việc làm cho trên 2 nghìn lao động địa phương.

Gắn với làng nghề là chợ cá đêm nằm ngay trên lạch nước sâu nối với cửa sông Cấm, là bến trở về của hàng trăm chiếc tàu đánh bắt hải sản trong vùng. Hàng ngày, cứ khoảng hơn 3 giờ sáng, lần lượt các con tàu lớn, thuyền nhỏ trở về từ biển khơi sau một đêm vật lộn với sóng nước, cũng là lúc diễn ra cảnh mua bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Đi chợ đêm, không chỉ cư dân trong vùng mà còn các tiểu thương xa gần và cả khách du lịch đến đây để trải nghiệm không gian văn hoá của “làng chài”.

Cùng với chợ cá phường Nghi Thuỷ, chợ cá Cửa Hội cũng không kém phần sôi động. Trong lúc mặt trời bắt đầu mọc thì phiên chợ cá diễn ra. Lúc này, Cửa Hội như khoác một tấm áo hoàn toàn mới và tràn đầy sức sống. Hình ảnh những người dân tấp nập chờ tàu cá từ khơi xa về rồi mang cá vào trung tâm để bán. Đến đây, du khách được ngắm bình minh trên biển và được tham gia vào hoạt động mua bán, là kỷ niệm đẹp cho mỗi chuyến du lịch, nghỉ dưỡng.

Đến nay, Cửa Lò có 4 làng nghề, trong đó có 3 làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể là: Làng nghề Chế biến nước mắm Hải Giang 1 ở phường Nghi Hải; Làng nghề Bảo quản, chế biến hải sản ở phường Nghi Tân; Làng nghề Đánh bắt và chế biến hải sản ở phường Nghi Thủy. Năm 2017, Hiệp hội Cá thu nướng Cửa Lò ra đời và cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đặc sản này là thương hiệu tập thể của Cửa Lò. Du khách đến Cửa Lò không chỉ mua cá thu nướng đem về, mà khách hàng khắp mọi miền đất nước chỉ cần gọi điện thoại là các cửa hàng gửi cá đến tận tay trong vòng một vài ngày.

Trên địa bàn phường Nghi Hải, ngoài làng nghề nước mắm Hải Giang 1 còn có 3 công ty chế biến nước mắm, hàng chục cơ sở chế biến cá thu nướng, chả mực, tôm nõn. Đặc biệt, phường đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 01 sản phẩm đạt 4 sao và 02 sản phẩm đạt 3 sao, gồm: nước mắm Tân Hội (Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và Dịch vụ Cửa Hội); nước mắm Hải Giang 1 (Hợp tác xã làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1); nước mắm Ngư Hải (Hợp tác xã dịch vụ Sông Lam). Dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng thêm 5 sản phẩm gắn sao OCOP và nâng sao cho các sản phẩm đã đạt. 

clo-25666-1630049141.gif
clo-252343-1630049159.gif
Các làng nghề đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Ảnh: Nguyễn Diệu

Với địa thế sát biển, có thể dễ dàng nhận ra rằng, làng nghề ở Cửa Lò đa số đều gắn với chế biến hải sản.Các làng nghề này có nguồn gốc từ hàng trăm năm, xuất phát từ những hộ gia đình ngư dân ở các làng chài ven biển. Trước đây, họ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho gia đình và địa phương là chủ yếu. Trải qua thời gian và đặc biệt cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch thị xã, làng nghề ngày càng lớn mạnh, dần xây dựng và định hình thương hiệu của mình. Từ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ và sản phẩm đơn điệu không nhãn mác, các hộ gia đình đã biết liên kết với nhau, sản phẩm ngày càng đa dạng về mẫu mã và có chỗ đứng về chất lượng trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình trong làng nghề Nghi Thủy đã tìm tòi, học hỏi và chế biến nhiều sản phẩm ngon từ nguyên liệu hải sản của làng như cá cơm rang vừng lạc, cá bống chiên giòn, mực rim me, mực xé chiên giòn… Các sản phẩm này đều được đóng hộp, đăng ký nhãn mác, cấp giấy phép an toàn thực phẩm.

Khi đời sống ngày càng phát triển thì nhu cầu tìm đến với các điểm du lịch làng nghề truyền thống của du khách ngày càng cao. Họ đến ngoài việc nghỉ dưỡng, tắm biển, ẩm thực, mua sản phẩm của làng mang về làm quà mà còn có nhu cầu được sống và trải nghiệm trong một không gian văn hóa địa phương khác, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống, giá trị nét đẹp của con người và mảnh đất làm nghề. Ngoài ra họ còn muốn được tham gia học kỹ năng làm nghề và tự tay làm ra sản phẩm.

Trong những năm qua các cấp chính quyền của thị xã Cửa Lò cũng đã dành sự quan tâm thỏa đáng, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển như chính sách hỗ trợ vay vốn cho các hộ dân, tập huấn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức cho các hộ dân làm nghề đi tham quan học hỏi các mô hình làng nghề điển hình ở một số địa phương trên cả nước… Nhờ vậy, các sản phẩm của làng nghề ngày càng phong phú và đa dạng về mẫu mã, gây nhiều ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tiềm năng và lợi thế còn nhiều, Thị xã Cửa Lò vẫn chưa khai thác hiệu quả để phát triển du lịch làng ghề gắn với du lịch biển.

nmam-clo-646-1630051248.gif

Những hạn chế của du lịch làng nghề Cửa Lò

Nếu so sánh du lịch làng nghề của Thị xã Cửa Lò với các địa phương trong và ngoài tỉnh thì Cửa Lò có nhiềulợi thế hơn hẳn. Đó là làng nghề của Thị xã đã được biết đến trong các tour farmtrip, tour du lịch của một số công ty lữ hành như làng nghề nước mắm Hải Giang 1, làng nghề Nghi Thủy. Khách du lịch tìm đến tham quan và mua sản phẩm của làng ngày càng đông… Tuy nhiên, du lịch làng nghề phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các làng nghề còn mang tính tự phát, chỉ dừng lại ở việc bày bán các sản phẩm hiện có cho du khách, một số hộ gia đình trong làng nghề còn chưa dán nhãn mác sản phẩm, chưa thật sự quan tâm đến nhu cầu sau cùng của khách du lịch, việc tiếp thị vùng miền còn thiếu tính sáng tạo…

Việc sản xuất hàng hóa du lịch ở Cửa Lò vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Mặc dù du lịch biển là thế mạnh của Cửa Lò, nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng trong việc kết hợp với phát triển làng nghề. Do Cửa Lò chỉ có vài làng nghề nhỏ lẻ, chưa tập trung đầu tư, cải tiến. Bên cạnh đó, tác phong làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm lưu niệm chủ yếu là vỏ sò, vỏ ốc, ngọc trai, san hô… nhập từ nơi khác về nên không thể hiện nét đặc trưng riêng về Cửa Lò nói riêng, xứ Nghệ nói chung.

Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề bị đứt gãy khá nhiều, đặc biệt là những khu vực sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cao. Phần lớn các làng nghề lại chưa được tiếp xúc và phát triển theo hướng kết hợp với du lịch. Hoạt động du lịch ở các làng nghề chủ yếu mang tính tự phát, chưa có đầu tư, khai thác theo hướng cộng đồng tham gia làm du lịch, nhận thức về du lịch còn hạn chế, chỉ tập trung các hoạt động sản xuất, thương mại. 

Mặc dù Thị xã Cửa Lò cũng đã đầu tư xây dựng chợ đêm, chợ ẩm thực tại khối 8, phường Nghi Thủy gồm 74 gian hàng, trên diện tích 5.000m². Mục đích hoạt động về đêm để thu hút khách du lịch nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động, chợ không có người mua, kẻ bán. Hiện nay chợ chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ mỗi buổi sáng cho số ít cư dân trong vùng. Nguyên nhân chính là do chợ cách xa trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng; chính sách kích cầu chưa đủ mạnh để thu hút sự tham gia đông đảo và đa dạng của các tiểu thương; công tác quảng bá chưa triển khai hiệu quả để gây sự tò mò, khám phá và ấn tượng cho du khách.

Giải pháp đẩy mạnh phát triển làng nghề gắn với du lịch

Để phát triển làng nghề gắn với du lịch ở Cửa Lò, rất cần sự đột phá và đặc biệt phải có những giải pháp cụ thể, dài hơi. 

Đó là cần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong việc giới thiệu, tổ chức, quản lý hoạt động du lịch khi mô hình được triển khai trong thực tế. Thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm; tìm hiểu nhu cầu của khách du lịch khi tham gia du lịch làng nghề. Tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí, cơ sở vật chất cho việc xây dựng điển hình thí điểm tại làng nghề phù hợp. 

Triển khai sản phẩm du lịch không thể tách rời không gian du lịch, cho nên trong quy hoạch xây dựng, tổ chức không gian làng, xã, cần tích hợp cả không gian du lịch. Đồng thời, cần chú ý tới việc kết nối các sản phẩm du lịch của làng nghề truyền thống với các điểm đến trong hành trình tour- tuyến của tỉnh, vùng để có lượng du khách thường xuyên, ổn định. 

Chính quyền cần nỗ lực nâng cao nhận thức và tạo động lực về nguồn vốn ban đầu cho người dân để họ có đủ năng lực trở thành chủ thể trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và hợp lý để có thể gắn kết chặt chẽ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp với người dân trong quá trình triển khai chuỗi sản phẩm vào thực tế.

Cần quan tâm đến những chính sách phát triển làng nghề ở địa phương như quy hoạch, chính sách hỗ trợ, những điều kiện chung cho phát triển của làng nghề như cơ sở hạ tầng, chương trình xây dựng nông thôn mới, quá trình đô thị hoá, mật độ dân cư, quỹ đất, không gian phát triển. 

Muốn phát triển làng nghề, thị xã Cửa Lò cần phải chú trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương. Tích cực tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường làng nghề ven biển cho các cán bộ các cấp, bên cạnh đó mở các khóa đào tạo, tập huấn về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường cho các tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề ven biển. 

Để các nghề và làng nghề truyền thống phát triển cần có các chính sách hỗ trợ trong việc quy hoạch, phát triển, đăng ký thương hiệu sản phẩm. Các làng nghề cần phải cải tiến, đổi mới mẫu mã, tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để tìm kiếm và mở rộng thị trường. Các làng nghề truyền thống cũng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách đến tham quan. Lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường và sản phẩm mang đặc trưng của đất và người Cửa Lò tiến hành xúc tiến, quảng bá, giới thiệu - trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch.  Những người làm du lịch ở Cửa Lò có thể kết nối để du khách tham quan và cùng với người dân trải nghiệm hoạt động nướng cá, làm các sản phẩm hải sản khô chế biển sẵn ở làng nghề, tham quan bến cá, tham quan làng chài truyền thống… 

Đến Cửa Lò, du khách không những được đắm mình vào cát trắng, biển xanh, tham quan các điểm di tích mà còn được khám phá và trải nghiệm ở các làng nghề truyền thống. Hy vọng trong tương lai không xa, loại hình du lịch làng nghề thị xã Cửa Lò sẽ được đầu tư nhiều hơn, trở thành một trong những kênh quảng bá hữu hiệu nhất hình ảnh con người Cửa Lò thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa nhưng không ngừng đổi mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.

TS. Đinh Văn Tới
Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp phát triển làng nghề gắn với du lịch biển Cửa Lò" tại chuyên mục Kinh tế. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.