Gần 900 nghệ sĩ, diễn viên tranh tài sân khấu chèo toàn quốc

27/09/2016 07:56

Theo dõi trên

Gần 900 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trên toàn quốc, với tổng số gồm 27 vở diễn đã và đang tham gia tranh tài tại cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 Chương trình diễn ra từ ngày 24/9 đến 8/10, tại tỉnh Ninh Bình. Cuộc thi là cơ hội để nghệ sĩ chèo toàn quốc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.

NSND Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 tại Ninh Bình là dịp để các nghệ sĩ thể hiện tài năng đối với môn nghệ thuật truyền thống; chuyển tải những giá trị văn hóa sâu sắc của nghệ thuật chèo tới khán giả, góp phần trong việc lưu giữ và phát triển một trong những dòng nghệ thuật truyền thống của dân tộc đồng thời là dịp để tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tác, sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời cũng là dịp để các nghệ sĩ gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, từng bước nâng cao chất lượng nghệ thuật chèo, đưa dòng nghệ thuật truyền thống đi vào đời sống sinh hoạt văn hóa cơ sở. Đây cũng là cơ hội để Ninh Bình quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội, văn hóa lịch sử và du lịch đến bạn bè khắp mọi miền đất nước. “Nghệ thuật chèo là một loại hình sân khấu chuyên nghiệp ở trình độ cao, chiếm vị trí quan trọng trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, nghệ thuật chèo cũng như một số loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống khác, đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn đòi hỏi mỗi nhà sáng tác, quản lý nghệ thuật và mỗi nghệ sỹ chèo đều phải dốc sức dốc lòng, thổ tận can tràng, tìm ra những hướng đi mới, phản ánh được những vấn đề của cuộc sống đương đại hiện nay, đồng thời vẫn phải giữ được tinh hoa, đặc sắc của nghệ thuật chèo cổ, lưu truyền đến lớp thế hệ trẻ và cho mai sau” – Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định.


 
Ban tổ chức tặng hoa các đơn vị tham gia Cuộc thi trong đêm khai mạc

Tại Lễ khai mạc diễn ra vào ngày 24/9 vừa qua, ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình tự hào là cái nôi sản sinh, phát triển một số loại hình văn hóa dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng cố đô ngàn năm như hát xẩm, hát văn, hát rằng tường, đặc biệt là hát chèo gắn liền với tên tuổi của bà Phạm Thị Trân – một vũ ca tài ba trong hoàng cung của nhà Đinh ở thế kỷ X, người sau này được tôn vinh là bà tổ của nghệ thuật chèo truyền thống. Trải qua hàng nghìn năm, nghệ thuật chèo luôn được lưu truyền và không ngừng phát triển, đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc trưng, quen thuộc của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Với những giá trị văn hóa độc đáo, nghệ thuật chèo đã và đang góp phần tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Xác định, các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nguồn tài nguyên vô giá để phục vụ, quảng bá du lịch. Vì vậy, tại Ninh Bình, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó có nghệ thuật chèo truyền thống, đang được các cấp, ngành quan tâm. Cùng với việc phát triển nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, ở các địa phương của tỉnh Ninh Bình đã thành lập hàng trăm câu lạc bộ chèo, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa quần chúng ở mỗi vùng quê.


 
Vở "Cánh chim trắng trong đêm" biểu diễn khai mạc Cuộc thi

Ngay trong đêm khai mạc, vở “Cánh chim trắng trong đêm” (tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang) – một trong ba vở diễn tham gia Cuộc thi của Nhà hát Chèo Hà Nội đã dành được nhiều lời khen ngợi, tiếng vỗ tay và đánh giá cao của giới chuyên môn. Đó chính là sự động viên của khán giả dành cho các nghệ sĩ, diễn viên bởi sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật truyền thống. Vở diễn đã giành 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc cá nhân cùng giải “Vở diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất năm 2014. Nội dung vở diễn xoay quanh ca nương Mỹ Duyên, một cô gái xinh đẹp, duyên dáng và tài năng quyết thủy chung với mối tình đầu cùng chàng trai Hà Nội - một chiến sĩ cách mạng tên Quang. Ngay cả khi rơi vào tay giặc, được viên sĩ quan Pháp hết lòng yêu thương, chiều chuộng nhưng cô vẫn một lòng son sắt với người yêu. Có thể nói, một câu chuyện liên quan đến thời điểm lịch sử trọng đại của Thủ đô, được khai thác dưới góc độ nhân văn không có khói lửa chết chóc mà vẫn lột tả được sự khốc liệt của chiến tranh và lấp lánh tình yêu của con người với con người. của tình người, tình yêu và tình đồng chí trong vở diễn “Cánh chim trắng trong đêm” đã tạo nên sự thành công.

“Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc” được tổ chức theo chu kỳ ba năm một lần. Trước đó, năm 2013, cuộc thi được tổ chức tại Hải Phòng, với 17 trên tổng số 18 đoàn trên cả nước đăng ký tham dự qua 23 tác phẩm dự thi. nhằm tổng kết, đánh giá chất lượng nghệ thuật, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chèo chuyên nghiệp trên cả nước. Đây là dịp để các đơn vị tập trung xây dựng vở diễn mới phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân; tôn vinh các đơn vị, nghệ sĩ có những đóng góp tích cực cho sân khấu Chèo nước nhà; đồng thời, cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật Chèo, các nghệ sĩ giao lưu, học tập, trao đổi, phát hiện những sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật. Qua đó, có thêm nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ nhân dân trong thời kỳ mới.

(Theo Dân Sinh)

Hiền Nguyễn
Bạn đang đọc bài viết "Gần 900 nghệ sĩ, diễn viên tranh tài sân khấu chèo toàn quốc " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.