Từ khi Chàng trai năm ấy còn chưa bấm máy nó đã trở thành tâm điểm của truyền thông và người hâm mộ.
Trong buổi công bố dự án, ê-kíp thực hiện Chàng trai năm ấy đã chia sẻ đây là bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện thật của chàng ca sĩ Wanbi.
Chính vì thế sự kỳ vọng của người hâm mộ càng trở nên khắt khe hơn với bộ phim Chàng trai năm ấy.
Nhiều người hi vọng họ sẽ tìm lại được chàng ca sĩ đáng yêu ngày nào trên phim.
Tuy nhiên, nếu vẫn giữ ý định đó khi tìm đến rạp, tôi e rằng bạn sẽ phải thất vọng.
Đình Phong (vai diễn của Sơn Tùng) không phải là Wanbi. Điều này đã được chính quản lý của Wanbi khẳng định sau khi bộ phim công chiếu trong buổi họp báo ở thành phố Hồ Chí Minh.
Thậm chí, nhà báo Lý Minh Tùng còn bức xúc đến nỗi muốn ê-kíp làm phim nói lời xin lỗi đối với Wanbi và gia đình của anh.
Và nếu bạn chưa tin, những cảnh quay đầu tiên sẽ khẳng định điều đó.
Những ai yêu quý Wanbi đều hiểu phần nào về cách sống của chàng ca sĩ trẻ. Trong 6 năm làm nghệ thuật, anh chưa bao giờ phát ngôn ra những câu đầy tự mãn hay thái độ với đồng nghiệp như Đình Phong khi ở trong cánh gà.
Chuyện khẳng định bản thân bằng câu hát cửa miệng “Không phải dạng vừa đâu” cũng chẳng bao giờ có.
Thế nên, nếu có điều gì đó giống nhau giữa Đình Phong và Wanbi thì đó chính là khối u ở tuyến yên.
Đây là lý do khiến nam ca sĩ Đôi mắt ra đi ở tuổi 27 khi vẫn còn nhiều dự định tốt đẹp ở phía trước và vai diễn của Sơn Tùng lấy đi không ít nước mắt của khán giả.
Vì thế, nếu xác định đến rạp để thưởng thức Chàng trai năm ấy thì bạn đừng hi vọng tìm thấy hình bóng Wanbi.
Hãy khóc cùng Sơn Tùng!
Xem Chàng trai năm ấy, công chúng nhận ra một tài năng khác của Sơn Tùng, đó chính là diễn xuất.
Nếu ở đầu phim, người xem còn bắt gặp sự tếu táo đúng kiểu Sơn Tùng, cái hất tóc điệu nghệ đã được gắn mác thì sau đó, họ được tiếp xúc với một Đình Phong thật sự.
20 tuổi, lại là vai diễn đầu tay nhưng nam ca sĩ được đặt một niềm tin rất lớn. Anh có nhiều đất diễn, nhiều trường đoạn để thể hiện cảm xúc.
Đó là gánh nặng nhưng cũng là động lực để chàng ca sĩ trẻ chứng tỏ mình.
Càng về sau, Sơn Tùng càng nhập vai. Sự bế tắc, đau khổ thể hiện rõ ràng trên gương mặt, những giọt nước mắt lăn xuống đúng thời điểm đẩy phim lên đến cao trào.
Tôi đã nghe thấy nhiều tiếng nức nở, nhìn thấy không ít người xung quanh lấy tay gạt vội dòng nước mắt.
Họ cảm nhận được nhân vật, cảm nhận thấy những nỗ lực giành giật sự sống của Đình Phong. Dù bề ngoài anh ta cố gắng tỏ ra bình thản nhưng bên trong lại chất chứa nhiều nỗi niềm và sự tiếc nuối về một cuộc sống tốt đẹp.
Nhưng nói như vậy không đồng nghĩa với việc Sơn Tùng đã làm quá tốt. Cách anh thể hiện cảm xúc vẫn còn bị một màu.
Từ sự run rẩy trên khóe miệng cho đến ánh mắt công khai kìm nén cảm xúc... tất cả đều dễ dàng tìm thấy ở những cảnh quay lấy nước mắt khán giả.
Thế nên, đối với những người thích nghi nhanh với dòng cảm xúc của phim, họ không dễ dàng bật khóc như trước nữa.
Lời khen tiếp theo có lẽ nên dành cho đạo diễn Nguyễn Quang Huy về sự dừng lại đúng lúc.
Anh chọn kết thúc sự đau khổ ở những lời chia sẻ đầy nước mắt của nhân vật chính, sự gục ngã của quản lý và tiếng khóc nấc nghẹn của người mẹ chứ không làm sâu hơn về những khoảnh khắc cuối đời của chàng ca sĩ trẻ.
Đó là một quyết định thông minh, nhờ đó mà Chàng trai năm ấy vẫn giữ nguyên tinh thần chứ không bị biến thành một tấn bi kịch.
Một thành công khác đáng ghi nhận nữa của phim chính là âm nhạc.
Nếu như ở rất nhiều bộ phim trước đó, tôi nghe nhiều về việc khán giả chê âm nhạc không phù hợp, lúc cần thế này thì lại thế kia nhưng với Chàng trai năm ấy, bạn sẽ không có gì phải phàn nàn.
Chỉ với một ca khúc chủ đạo Chắc ai đó sẽ về, nhạc sĩ Nguyễn Hà đã làm cả bộ phim trở nên sinh động và hợp lý. Còn hợp lý như thế nào là điều mọi người có thể cảm nhận rõ khi xem phim.
Tất nhiên sản phẩm mới của Quang Huy cũng có sạn, bộ phim nào mà chẳng có sạn nhưng may mắn là những hạt sạn lần này chưa đủ lớn để công chúng có thể "mẻ răng".
Họ chỉ có thể thốt lên: "Làm quá" với đoạn cô Băng (Phạm Quỳnh Anh) ăn mặc diêm dúa, cưỡi xe máy của hãng tài trợ, phóng vài chục giây qua màn hình với vẻ mặt rất ư là hạnh phúc.
Hay một chút ngán ngẩm vì bội thực thương hiệu của một hãng điện thoại trong phim. Tuy nhiên, những điều này ít nhiều vẫn có thể thông cảm.
Chàng trai năm ấy là một bộ phim đáng để bỏ tiền. Tuy nhiên, đừng đến đó để tìm Wanbi vì bạn sẽ không thấy anh ấy ở đó.
Hãy khóc với Sơn Tùng thôi, như thế là đủ.
Cẩm Giang
Theo soha.vn/TTT