Đưa tuồng đến gần hơn với khán giả

20/09/2016 09:22

Theo dõi trên

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa đang có ý tưởng làm mới chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố. Nhân dịp này, phóng viên đã trao đổi với ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh về những điểm mới trong việc xây dựng chương trình.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về chương trình nghệ thuật đường phố sau hơn 3 năm thực hiện?

Ông Vũ Tiến Thêm: Tuy vẫn còn những hạn chế, nhưng nhìn chung chương trình nghệ thuật đường phố của nhà hát ở 46 Trần Phú, Nha Trang đã giúp người xem hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống, đưa nghệ thuật tuồng và dân ca kịch đến gần hơn với khán giả. Với hơn 80 đêm diễn/năm, chương trình này đã trở thành điểm hẹn văn hóa cuối tuần cho người dân và du khách. Việc biểu diễn hóa trang nghệ thuật tuồng, diễn các trích đoạn tuồng (Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Đào Tam Xuân, Ông già cõng vợ đi xem hội, Huê thần nữ dâng ngũ linh kỳ) đã giúp khán giả nhận diện được những đặc trưng cơ bản của tuồng.

 

 Trích đoạn tuồng Phàn Lê Huê do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn ở 46 Trần Phú, Nha Trang

Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình nghệ thuật đường phố, chúng tôi nhận thấy khán giả đến với nghệ thuật truyền thống ngày một đông hơn.  Ban đầu, khán giả dừng chân vài phút vì tò mò, nhưng nay đã có những khán giả đến để xem tuồng. Diễn tuồng và dân ca kịch ở sân khấu ngoài trời, chúng tôi đã cố gắng để cho khán giả biết thế nào là tuồng, nhân vật, hóa trang trong tuồng chứ không thể khoe được hết tinh hoa, đỉnh cao như khi diễn trong nhà hát. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn làm hết sức mình để đưa tuồng đến gần hơn với công chúng, góp phần xây dựng lớp khán giả mới cho tuồng.

Phóng viên: Ông có thể cho biết những điểm mới mà nhà hát dự định thực hiện trong chương trình sân khấu đường phố năm 2017?

Ông Vũ Tiến Thêm: Chương trình nghệ thuật đường phố tới đây vẫn được xây dựng theo cách kết hợp biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, giới thiệu về nghệ thuật tuồng và nghệ thuật hóa trang của tuồng, trích đoạn nghệ thuật tuồng. Tuy nhiên, hiện nay nhà hát đang nghiên cứu để xây dựng các tiết mục vừa có thể biểu diễn được đường phố vừa có thể đem vào trong các trường học để biểu diễn cho học sinh, ví dụ trích đoạn Trần Quốc Toản ra trận; Ông già cõng vợ đi xem hội… Sau giai đoạn đầu mang tính thử nghiệm, trong chương trình sắp tới, chúng tôi dự định sẽ diễn những trích đoạn dài hơi hơn để phục vụ những khán giả yêu thích nghệ thuật truyền thống, nhất là các tuồng về nhân vật lịch sử. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường giao lưu giữa nghệ sĩ với khán giả, hướng dẫn khán giả vẽ mặt tuồng để giúp khán giả hiểu thêm về nghệ thuật tuồng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

(Theo Báo Khánh Hòa)

X.T (Thực hiện)
Bạn đang đọc bài viết "Đưa tuồng đến gần hơn với khán giả" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.