Du lịch Nghệ An vượt khó

16/09/2016 15:16

Theo dõi trên

Là điểm đến hấp dẫn của cả nước, liên tục trong 10 năm qua, ngành Du lịch Nghệ An luôn đạt được mức tăng trưởng tốt (doanh thu tăng từ 20 - 25%/năm). Trong bối cảnh đó khó khăn của du lịch miền Trung, đã có nhiều biện pháp kích cầu được ngành Du lịch tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai, vượt khó…

Du lịch biển “vượt sóng”


Kéo lưới ở biển Cửa Lò

Mặc dù đã vào cuối mùa du lịch biển, nhưng trong kỳ nghỉ lễ đầu tháng 9, khách du lịch đến Cửa Lò vẫn khá đông. Chị Nguyễn Thị Thảo (du khách quê Thái Bình) cho biết: “Chúng tôi được biết, TX. Cửa Lò vẫn thường xuyên tiến hành quan trắc nước biển với chỉ số được công bố an toàn. Bởi thế, mặc dù cuối hè nhưng gia đình tôi vẫn quyết định vào đây du lịch, nghỉ dưỡng”.

Khác với cách đây chừng 3 tháng, sau khi có thông tin cá chết trên biển miền Trung, lượng khách đến Cửa Lò - “trọng điểm” du lịch của tỉnh, đã sụt giảm trầm trọng. 288 khách sạn, nhà nghỉ và hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn TX. Cửa Lò có khả năng đón nhận 19.000 khách lưu trú/ngày, đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện đón khách từ giữa tháng 4/2016. Tuy nhiên, nhiều khách hủy phòng, khách giảm sút khiến hoạt động kinh doanh của người dân đô thị du lịch biển thiệt hại trầm trọng.



Du lịch Sông Giăng vào vùng lõi rừng nguyên sinh Pù Mát. Ảnh: Sỹ Minh

Chủ nhà hàng văn minh Nhật Tuấn (đường Bình Minh - TX. Cửa Lò) cho biết: Trong mùa du lịch năm nay, ảnh hưởng thông tin bất lợi đến du lịch biển, lượng khách du lịch giảm hẳn. Chúng tôi vừa chú trọng chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm vừa khuyến mại để hút khách”. Du lịch là ngành kinh tế “nhạy cảm”, bởi vậy, mặc dù không nằm trong tầm ảnh hưởng trực tiếp của Fomorsa nhưng thông tin về môi trường biển đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý khách du lịch; khiến hoạt động dịch vụ du lịch của Cửa Lò giảm mạnh trong các tháng 5,6.

Du lịch của thị xã biển đã chịu ảnh hưởng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ vừa triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch, tuyên truyền, quảng bá; thông qua các sự kiện, hoạt động văn hóa sôi nổi, ấn tượng. Bắt đầu từ tháng 7/2016, hoạt động du khách Cửa Lò khởi sắc (khách du lịch ước đạt 720.000 lượt, doanh thu đạt 575 tỷ đồng).

Đẩy mạnh khai thác điểm đến mới

Trong khi hoạt động du lịch Cửa Lò gặp khó, vào đúng mùa cao điểm, để phần nào bù đắp thiệt hại cho du lịch biển, ngành Du lịch tỉnh đã kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kích cầu du lịch. Nhằm khai thác lợi thế, cảnh sắc thiên nhiên núi rừng của huyện miền núi Con Cuông, thu hút du khách du lịch, Sở VH - TT&DL đã phối hợp huyện tạo điều kiện để các đoàn famtrip, công ty du lịch khảo sát phát triển dịch vụ, tour tuyến trên địa bàn. Từ tháng 4/2015, Công ty Viettravel lựa chọn Con Cuông trở thành điểm đến trong tour tại Nghệ An.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam - Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông: Năm nay, ngành Du lịch tỉnh tăng cường phối hợp với huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm du lịch, gồm: biển chỉ dẫn, biển hiệu, biển báo, nhà vệ sinh... Riêng Vườn Quốc gia Pù Mát đầu tư xây dựng đường lên xuống thác khe Kèm, quán dịch vụ và bố trí nhân lực phục vụ, hướng dẫn khách tham quan.

Bên cạnh đó, huyện còn cử đoàn công tác tham dự các hội nghị liên kết phát triển du lịch của tỉnh và toàn quốc, nhằm quảng bá du lịch địa phương. Nhờ vậy, lượng khách đến với các điểm du lịch như: Khe Kèm (Pù Mát), du thuyền sông Giăng, đập Phà Lài, khe nước Mọc và du lịch cộng đồng (Con Cuông) trong 8 tháng đầu năm 2016, đạt khoảng 30.000 người (tăng gấp trên 10 lần so với cùng kỳ năm trước).



Nhiều khách sạn tại TX. Cửa Lò chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai chương trình khuyến mại hút khách mùa du lịch. Ảnh: Đ.N

Còn tại Khu di tích Lịch sử Truông Bồn, địa danh này đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước khi về với xứ Nghệ. Nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá, thông qua các sự kiện mang tầm quốc gia, các kênh thông tin đại chúng; 6 tháng đầu năm 2016, Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã đón tiếp 1.200 đoàn đại biểu của Trung ương; đoàn đại biểu các địa phương trong và ngoài tỉnh, với hơn 50.000 người. Còn số lượng khách là các cá nhân, gia đình trong, ngoài tỉnh về thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ lên tới gần 50.000 lượt (xấp xỉ bằng lượng khách của cả năm 2015).

Trao đổi về các giải pháp gỡ khó cho ngành Du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Ngành đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đồng thời tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác tốt hơn điểm đến mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, ngành còn tăng cường các hoạt động liên kết vùng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình nhằm “hút” khách về với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngành chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch kích cầu mùa thấp điểm bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, giữ nguyên giá dịch vụ…

Thống kê 8 tháng đầu năm 2016, khách lưu trú tại Nghệ An ước đạt gần 2,5 triệu lượt, đạt 86% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó khách quốc tế ước đạt 47.000 lượt bằng 101% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 3.132.000 triệu đồng, trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 1.791.000 triệu đồng, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhìn lại toàn cảnh du lịch ở Nghệ An, TX. Cửa Lò là trọng điểm du lịch của tỉnh, hàng năm đóng góp gần 50% doanh thu cho ngành Du lịch. Bởi vậy, để đẩy mạnh tăng trưởng du lịch tỉnh trong thời gian tới, ngành Du lịch cần tiếp tục tập trung vào giải pháp quảng bá, khai thác tiềm năng của đô thị du lịch biển đẹp bậc nhất cả nước này. Cụ thể, tiếp tục thực hiện quan trắc nguồn nước biển và tuyên truyền về một Cửa Lò an toàn, thân thiện, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Cùng với đó, ngành Du lịch cần phối hợp với các địa phương tập trung đầu tư, quảng bá, khai thác tốt tiềm năng du lịch miền Tây; đây được coi là giải pháp tiên quyết, để thúc đẩy tăng trưởng du lịch Nghệ An trong thời gian tới. Mặt khác, là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, bởi vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương, như vậy mới có thể tạo sức bật cho ngành Du lịch tỉnh thời kỳ hậu “khủng hoảng”.

(Theo Báo Nghệ An)

Đinh Nguyệt
Bạn đang đọc bài viết "Du lịch Nghệ An vượt khó " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.