Một buổi sinh hoạt tại CLB ĐCTT Hương Quê (huyện Phong Điền)
Quê hương của nhiều tài hoa nghệ thuật cải lương
Về Cần Thơ mà không xem ĐCTT thì coi như uổng phí chuyến đi. Vì thế, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Ánh Lê, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ để nhờ hướng dẫn. Bà Ánh Lê cho biết Cần Thơ hiện có khoảng 250 nhóm, CLB ĐCTT với 1.200 nghệ nhân sinh hoạt tại 9 quận, huyện. Trong đó, huyện Phong Điền có khoảng 100 CLB ĐCTT, phân bố đều ở các ấp, nơi đây còn nổi danh với ban ĐCTT đầu tiên của Cần Thơ, quê hương của nhiều tài hoa nghệ thuật cải lương như: NSND Tám Danh, soạn giả Điêu Huyền, nhạc sư Sáu Hóa... Ngoài huyện Phong Điền, thì huyện Thới Lai cũng có khoảng 60 CLB, các quận, huyện khác có khoảng vài ba chục CLB.
Cũng theo bà Ánh Lê, hầu như 85/85 xã, phường, thị trấn đều có vài CLB ĐCTT. Đặc biệt có những xã như: Trường Thành, Định Môn, Đông Bình (huyện Thới Lai), ấp nào cũng có CLB và hoạt động đều đặn. Hầu hết các CLB đều có sức sống bền lâu, ngày càng phát triển. Điển hình như CLB ĐCTT Trường Thạnh A, xã Trường Thành, huyện Thới Lai. Chỉ với cây ghi-ta phím lõm, cây sến và cây ghi-ta điện nhưng CLB đã hoạt động đều đặn cả chục năm nay. Những người tham gia CLB này hầu hết là nông dân trong ấp. CLB sinh hoạt định kỳ vào tối thứ 7 hàng tuần; mỗi lần sinh hoạt, rất đông bà con trong ấp đến thưởng thức giọng ca của những “nghệ sĩ miệt vườn”.
Sở dĩ phong trào ĐCTT ở TP.Cần Thơ phát triển như vậy là nhờ có những nghệ nhân tâm huyết “gìn vàng, giữ ngọc”. Đó là soạn giả Trương Huy Hoàng, người có duyên viết lời mới cho bài bản tài tử, sáng tác vọng cổ, chập cải lương và đoạt nhiều giải thưởng. Hay là ông Năm Chi - trụ cột của CLB ĐCTT Thới An B, xã Giai Xuân, luôn sẵn lòng hướng dẫn, chỉ dạy, tìm đường để các thành viên trong CLB có thêm thu nhập từ nghề ca hát.
Bảo tồn và phát huy
Tuy Cần Thơ có nhiều CLB ĐCTT, nhưng đối tượng thưởng thức loại hình nghệ thuật này chưa nhiều, chủ yếu là người lớn tuổi và rất ít thanh niên. Bà Nguyễn Thị Ánh Lê cho biết thêm: “Cái khó cho phong trào ĐCTT ở địa phương là thiếu nghệ nhân đờn; nhiều nghệ nhân ca cũng chưa thật bài bản. Để giữ “lửa” phong trào và phát hiện nhân tố mới, trong những năm qua Cần Thơ đã nỗ lực triển khai nhiều cách làm và bước đầu có hiệu quả”.
Hiện tại, Liên hoan ĐCTT cấp thành phố được tổ chức 2 năm một lần với sự tham gia của 9 quận, huyện. Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ bên cạnh thành lập và duy trì các CLB ĐCTT còn quan tâm đến việc đào tạo... Thời gian qua, một số địa phương như: Phong Điền, Bình Thủy, Thới Lai… khá quan tâm đến chăm bồi tài năng trẻ cho ĐCTT. Tiêu biểu nhất là bé Quách Phú Thành, Quán quân Thử tài siêu nhí 2016, trưởng thành từ phong trào ĐCTT của phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. Cũng với tâm huyết bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phong Điền, cho biết bên cạnh Liên hoan ĐCTT huyện Phong Điền tổ chức 2 năm 1 lần để phát hiện nhân tố mới, trung tâm sẽ kết hợp với các trường THPT trên địa bàn để thành lập CLB ĐCTT trong trường học, huy động học sinh đam mê đờn ca tham gia. Còn riêng các nghệ nhân cũng đã tổ chức các lò luyện đờn, luyện ca. Nhiều năm qua, nghệ nhân ĐCTT Minh Thơ (quận Ô Môn) đã cất công mở nhiều lớp dạy ca, viết lời mới cho các điệu thức, bài bản. Đến nay, ông đã có hàng trăm học trò là học sinh, sinh viên, người cao tuổi, công nhân viên chức
Hướng về Festival ĐCTT Quốc gia lần 2 tổ chức tại Bình Dương vào tháng 4 tới, với tinh thần hân hoan phấn khởi, Cần Thơ đang ráo riết dàn dựng chương trình tham gia Liên hoan Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, một trong những hoạt động chính hấp dẫn nhất Festival. Tiêu chí của Cần Thơ khi tham gia Festival lần này là mang những tiết mục đặc sắc với những nghệ nhân có tên tuổi đang hoạt động trong thành phố giới thiệu với các tỉnh, thành phố bạn. Ngoài ra, Cần Thơ cũng đang cân nhắc các thiết kế để trang trí cho Không gian ĐCTT tại Festival sao cho thể hiện được nét đặc trưng trong sinh hoạt đờn ca tại thành phố Tây Đô”. Bà Nguyễn Thị Ánh Lê, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ.