Theo các nghệ nhân ĐCTT lớn tuổi, thời gian đầu ở Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có một vài “thầy đờn” gốc miền Tây truyền dạy ĐCTT cho những người yêu thích. Sau đó, phong trào lan rộng, số người tìm thầy để học đờn, học ca ngày càng đông. Dưới trăng thanh, gió mát, họ quây quần bên nhau, kẻ đờn, người ca để kết tình bè bạn. Ngày nay, hỏi những người đam mê ĐCTT, họ không quên nhắc đến các “lò” dạy ĐCTT của thầy giáo Tấn ở huyện Long Điền (đã mất), ông Bảy Phụng ở TP.Bà Rịa…
Ông Nguyễn Hồng Sanh (80 tuổi, ngụ tại 42 Trương Công Định, TP.Vũng Tàu) là người có công lớn trong việc sưu tầm, lưu giữ và phổ biến các ấn phẩm về ĐCTT, cải lương, nhạc cụ cổ cho bạn đọc yêu văn nghệ thông qua hiệu sách cũ “Nhân đạo thư quán” của mình. Ông Sanh cho biết, ông rất mê ĐCTT. Ông từng tham gia vào ban đờn với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn và sáng tác được hàng trăm bài ca tài tử và cải lương.
Một lớp học ĐCTT do Sở VH-TT&DL Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức
Mặc dù sự phát triển của nhiều loại hình âm nhạc hiện đại có làm cho nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có ĐCTT gặp không ít khó khăn như: Thiếu sân chơi, kén khán giả, thiếu đội ngũ kế thừa nhưng ĐCTT vẫn còn là một dòng chảy văn hóa xuyên suốt trong đời sống tinh thần người dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Đại đức Thích Huệ Nhẫn (thường gọi là thầy Huệ Nhẫn), Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) ĐCTT huyện Tân Thành kiêm Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là người có công gầy dựng, duy trì và phát triển phong trào ĐCTT của huyện Tân Thành và cả tỉnh nói chung. Thầy Nhẫn cho biết, do yêu thích, đam mê ca cổ nên năm 2002, từ một nhóm ĐCTT nhỏ lẻ, thầy đã thành lập CLB ĐCTT huyện Tân Thành với 13 thành viên. Đến nay, CLB đã có 63 thành viên, độ tuổi từ 16 - 35. Đây là tín hiệu đáng mừng cho phong trào ĐCTT ở địa phương. Ngoài sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần để mở rộng giao lưu với các bạn yêu đờn ca ở các xã, thị trấn trong huyện, CLB còn tổ chức sinh hoạt riêng vào tối thứ 3,5,7 hàng tuần tại quán cà phê Tre Xanh (xã Tân Hòa) để các thành viên luyện ngón đờn, giọng ca.
Nỗ lực phát huy giá trị di sản
Nhiều CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoạt động hiệu quả, nỗ lực duy trì sân chơi cho người đam mê. Ngoài việc tổ chức sinh hoạt mang tính nội bộ, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân vào các dịp lễ, hội, một số CLB đã tổ chức biểu diễn ĐCTT định kỳ hàng tháng, góp phần thúc đẩy phong trào ĐCTT trong tỉnh phát triển. Các CLB ĐCTT tiêu biểu như: CLB ĐCTT thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) với chương trình “Đêm biển gọi”; CLB ĐCTT phường Phước Nguyên (TP.Bà Rịa) với “Đêm trăng rằm”… Ngoài ra, CLB ĐCTT tỉnh còn tham gia giao lưu tại các tỉnh như: Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương… hoặc mời CLB ĐCTT huyện Chợ Lách (Bến Tre) đến Trung tâm Văn hóa tỉnh (TP.Bà Rịa) giao lưu, hát cho nhau nghe. Qua những buổi giao lưu đó, những bài, bản ĐCTT nổi tiếng như: Kiếp cầm ca, Tấm ảnh không hồn, Vọng Kim Lang… cứ thế lan tỏa trên sân khấu, ngọt ngào đi vào lòng người.
Nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng ca hát cho những người yêu thích ĐCTT, năm 2015, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Bà Rịa - Vũng Tàu mở lớp dạy ĐCTT. Sở đã mời các nghệ nhân đến từ TP.Hồ Chí Minh như: Nghệ nhân dân gian Hoàng Tấn, nghệ nhân dân gian Út Tỵ, nghệ sĩ ưu tú Ba Tu truyền giảng những nội dung cơ bản và hay nhất của 20 bài, bản tổ ĐCTT.
Ông Trịnh Đình Thân, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong những năm qua, phong trào ĐCTT đã từng bước được nâng cao chất lượng, khẳng định là một sân chơi văn hóa, văn nghệ lớn thông qua việc tổ chức được 8 cuộc liên hoan ĐCTT cấp tỉnh. Các kỳ liên hoan đã thu hút 78 lượt đội với hơn 900 tài tử cùng hơn 500 tiết mục ĐCTT được trình diễn. Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam đã tham gia Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ 1, năm 2014 tại tỉnh Bạc Liêu và tiếp tục tham gia Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ 2 - Bình Dương 2017.
Bộ môn nghệ thuật truyền thống ĐCTT có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Minh chứng là toàn tỉnh có 59 CLB và nhóm ĐCTT hoạt động với hơn 800 người tham gia, duy trì sinh hoạt thường xuyên tại các đơn vị văn hóa cơ sở và ở các thôn, ấp, phường.