Đờn ca tài tử khó “truyền lửa”

11/03/2019 13:43

Theo dõi trên

Đờn ca tài tử là môn nghệ thuật có sức sống mãnh liệt. Qua bao đời, đờn ca tài tử vẫn âm thầm lan tỏa, đặc biệt là ở vùng nông thôn có rất nhiều người yêu thích môn nghệ thuật này.

Người dân Chơn Thành rất mê đờn ca tài tử, nhưng đa số là những người lớn tuổi nên việc truyền dạy môn nghệ thuật này đang gặp khó khăn.

Anh Liên Hoàng Quân - người “giữ lửa” phong trào đờn ca tài tử ở Chơn Thành chia sẻ: “Hiện nhà tôi lưu giữ gần 20 cây đàn thuộc 7 loại nhạc cụ khác nhau để phục vụ Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Chơn Thành. Cuộc đời tôi gắn bó với cây đàn tranh đến nay đã hơn 30 năm”. Cũng ngần ấy thời gian anh nhiệt tình truyền nghề cho rất nhiều người yêu môn nghệ thuật này.

Đa số những người ở Chơn Thành yêu đờn ca tài tử đều lớn tuổi. Trong đó, người trẻ cũng ngoài 30, người lớn tuổi nhất như ông Nguyễn Nam Hương, Chủ nhiệm câu lạc bộ nay 70 tuổi.  

 


Anh Liên Hoàng Quân, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Chơn Thành mong có nhiều bạn trẻ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ

Nghệ thuật tài tử chứa đựng khá nhiều cung bậc âm thanh giữa người đờn và người ca. Người ca thấp một chút, chậm nửa nhịp cũng khiến cả bài trở nên vô nghĩa. Ca đủ giọng, đủ hơi cộng với đờn đúng nhịp, đúng câu sẽ trở thành tiết mục hoàn mỹ làm mê hoặc lòng người. Người đờn trong dàn nhạc của đờn ca tài tử không chỉ đờn cho người khác nghe mà còn đờn cho mình nghe, vừa đờn vừa lắng nghe người khác đờn, hòa nhịp cùng mọi người. Chính vì thế, trong từng bài của đờn ca tài tử đều mang đậm chất cộng đồng. Cái hay, cái đẹp của đờn ca tài tử trước hết phải am tường điệu thức. Để hiểu được điệu thức không còn cách nào khác là phải học, phải luyện tập công phu. Chính vì thế, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Chơn Thành thường xuyên duy trì tập luyện. Tuy nhiên, hiện các tay đờn trong dàn nhạc của đờn ca tài tử thật khó tìm được học trò để truyền nghề. Ngay cả người ca cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Nam Hương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử huyện Chơn Thành chia sẻ: Về phương diện nghệ thuật chuyên môn thì anh Liên Hoàng Quân là người biết nhiều và có thể sáng tác bài bản đờn ca tài tử. Anh đã đóng góp rất nhiều trong những hoạt động truyền dạy môn nghệ thuật này. Hơn 30 năm gắn bó với đờn ca tài tử, anh Quân đã tiếp lửa đam mê bộ môn nghệ thuật này cho biết bao thế hệ ở Chơn Thành. Một mong ước rất đơn giản của anh là làm sao cho càng nhiều người biết và hiểu giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn của đờn ca tài tử, một bản sắc văn hóa của phương Nam. Anh đã tạo sự lan tỏa của đờn ca tài tử ngày càng sâu rộng và phát triển trên địa bàn huyện. Mong muốn của anh là có nhiều bạn trẻ đến với Câu lạc bộ Đờn ca tài tử để môn nghệ thuật này mãi được lưu truyền và ngày càng phát huy.

 
Tiến Công
Theo Báo Bình Phước

Bạn đang đọc bài viết "Đờn ca tài tử khó “truyền lửa”" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.