Các nghệ nhân, tài tử Bình Dương vẫn đang từng ngày lưu truyền và quảng bá ĐCTT. (Ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á)
Những thành tựu đáng tự hào
Nhớ lại một thời vàng son đầy tự hào của ĐCTT Bình Dương, NNƯT Phạm Ngọc Phú kể: Bình Dương là tỉnh tổ chức hội thi, liên hoan ĐCTT sớm nhất, là nơi đưa ra sáng kiến tổ chức Liên hoan ĐCTT toàn quốc lần thứ I (năm 2000) và xuất sắc đoạt giải nhất toàn đoàn. Ngoài ra, Bình Dương cũng là địa phương sớm có chủ trương đưa lễ hội giỗ Tổ vào chương trình hoạt động hàng năm tại các trung tâm văn hóa huyện, thị xã, thành phố, nhanh chóng nhân rộng điển hình ra diện rộng toàn tỉnh. Theo số liệu thống kê của nhóm nghiên cứu Đề tài Bảo tồn và phát triển bền vững nghệ thuật ĐCTT ở Bình Dương năm 2016, toàn tỉnh có hơn 60 CLB với hơn 800 nghệ nhân, tài tử đang sinh hoạt tại các CLB từ tỉnh đến các khu phố.
Ngoài những CLB ĐCTT huyện, thị xã, thành phố, còn một số CLB cấp xã, phường, thị trấn hoạt động sôi nổi và đều đặn. Điều đáng trân trọng của những nơi này là họ “tự thân hoạt động”. Các CLB tiêu biểu ở Bình Dương không chỉ thu hút nghệ nhân, nghệ sĩ trong tỉnh mà còn là những điểm đến của nhiều anh chị em đồng điệu từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, xa hơn là một vài nghệ nhân đến từ Bình Thuận và Phú Yên. Bạn bè gần xa đến để trao đổi chuyên môn, để cùng hòa điệu, gắn kết nghĩa tình tri âm, tri kỷ.
Qua những lần dự liên hoan, hội thi ĐCTT cấp khu vực và toàn quốc, Bình Dương luôn đoạt giải thưởng cao. Liên hoan ĐCTT toàn tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố duy trì đều đặn, thường xuyên, một số nghệ nhân Bình Dương được mời tham gia làm giám khảo tại các cuộc liên hoan ngoài tỉnh. Trong đợt xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước lần đầu tiên năm 2015, Bình Dương có 12 nghệ nhân được vinh danh, trong đó có 8 nghệ nhân ĐCTT. Trong xu thế phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, Bình Dương vẫn là tỉnh luôn được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân về quan điểm, ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nên vẫn giữ được danh tiếng địa phương có phong trào ĐCTT mạnh trong khu vực Đông Nam bộ.
Nhằm phát huy hơn nữa những mặt tích cực của phong trào ĐCTT địa phương, đồng thời góp phần làm sáng hơn chất ngọc của nghệ thuật ĐCTT ở Bình Dương, tháng 7-2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật ĐCTT ở Bình Dương, giai đoạn 2016-2020”. Sau phần đánh giá, nhìn nhận những mặt
tích cực, ưu điểm và hạn chế, Đề án này đã nêu ra những mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí và giải pháp thực hiện cụ thể. Căn cứ sự chỉ đạo và nội dung Đề án của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án. Mỗi nơi đều thành lập Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức Festival ĐCTT Quốc gia lần II tại Bình Dương vào tháng 4 tới, các ngành, các cấp trong tỉnh đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu khoa học chuyên về ĐCTT ở Nam bộ. Qua đó, nhiều người cũng đã bày tỏ lòng nhiệt huyết, sẵn sàng chung tay với Bình Dương để đưa ĐCTT ngày càng phát triển theo hướng tích cực. Trong đó có nhiều ý kiến cho rằng, nên tạo điều kiện để các nghệ nhân ưu tú trong tỉnh cống hiến nhiều hơn thông qua các lớp truyền dạy ĐCTT tại các trường học, các CLB hay trong các chương trình âm nhạc cổ truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên sóng phát thanh, các chương trình văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương… Việc tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ về ĐCTT của Bình Dương nhân sự kiện festival lần này sẽ góp phần khơi dậy tình yêu của đông đảo công chúng đối với loại hình nghệ thuật di sản này.
Với những quyết tâm của lãnh đạo từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, cùng sự chung tay góp sức của các đơn vị liên quan, các nghệ nhân, tài tử trong và ngoài tỉnh, hy vọng trong tương lai gần phong trào ĐCTT ở Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển.