Nhà ông Mách Ly, Phó Bí thư Đảng ủy ấp Búng Lớn xã Nhơn Hội (An Phú - An Giang) khá rộng. Khách bỏ dép lên sàn, ngồi ngay ban công nhìn ra búng Bình Thiên mênh mông, nước xanh màu ngọc thạch. “Vui nhất là vào mùa nước nổi bởi có lễ hội đặc trưng sông nước miền Tây. Khách quốc tế và ngoài Bắc, ngoài Trung cũng thích đến đây vào thời điểm này…”, ông Mách Ly kể. Mỗi khách chỉ phải đóng 100.000 đồng là có bữa cơm “mùa nước nổi” miên man rau đồng, cá lóc nướng, cá rô kho tộ, bánh xèo nhân cá linh, gỏi bông súng trộn tép… 3 cô con gái của chủ nhà liên tục được khách chụp hình. Ngày trước, con gái dân tộc Chăm không được vậy vì phải vô nhà bằng cửa riêng, khăn che chỉ chừa đôi mắt. Ông Mách Ly làm du lịch mới đây, tuần nào cũng đón 1 - 2 đoàn khách. Ông trang hoàng lại nhà, mua sắm thêm dụng cụ nhà bếp, hướng dẫn con cái cách giao tiếp, phục vụ khách sao cho chu đáo, thân thiện… Du lịch văn hóa Chăm đang tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Riêng làng Chăm Châu Phong từ đầu năm đến nay đã đón trên 9.000 lượt khách quốc tế.
Nét đẹp búng Bình Thiên. Ảnh: THỐNG NHẤT
Mô hình du lịch nông nghiệp An Giang được triển khai từ năm 2011, thuộc một dự án do tổ chức nông dân Agriterra - Hà Lan tài trợ nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ cho nông dân địa phương. Hiện dự án có 75 hộ ở 14 xã tham gia với 10 tuyến, điểm du lịch khá độc đáo tại TP Long Xuyên, thị xã Châu Đốc, Khu di tích Ba Chúc, làng Chăm Châu Phong, làng dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer Văn Giáo… giúp tăng thu nhập bình quân 5 triệu đồng/hộ/tháng. “Quan trọng là mình thay đổi được suy nghĩ, biết cách kinh doanh, mở mang tri thức. Bà con tương trợ nhau hơn; cảnh quan trong nhà ngoài phố đều được người dân và chính quyền quan tâm, chú ý hơn rất nhiều”, nông dân Trần Văn Đính (xã Mỹ Hòa Hưng - TP Long Xuyên) tham gia du lịch Homestay tâm sự. Khi vô “mùa” (từ tháng 9 đến trước Tết Nguyên đán) có ngày gia đình ông tiếp 2 - 3 đoàn, thu nhập cả chục triệu đồng/tháng.
Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại - Du lịch huyện Phong Điền (Cần Thơ), nơi có loại hình du lịch nhà vườn phát triển cũng đồng quan điểm: Cảnh quan xóm ấp thay đổi nhiều lẫn việc giáo dục con cái, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, tình hình an ninh trật tự… Ở Phong Điền có nhiều tuyến đường đẹp trồng hoa ven đường, mát dịu bóng tre thu hút nhiều khách du lịch. Ý thức bảo tồn thiên nhiên, môi trường, hạ tầng cơ sở được cải thiện, làm sống dậy nhiều làng nghề truyền thống, tăng cường giao lưu văn hóa… là những điều mà nông dân làm du lịch đã rút ra được.
Làm giàu trên lũ
“Để mùa lũ dân không rên rỉ nữa, hãy vui lên, yêu đời hơn”, ông Nguyễn Văn Nhị (Bảy Nhị) nguyên Chủ tịch tỉnh UBND An Giang, người khởi xướng Đề án 31 (Phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong mùa nước nổi) nói về sự đổi thay cuộc sống từ chính những hộ nghèo mang sinh lực mới cho vùng đất này. Và ngay trong năm 2003, đề án đã được thử nghiệm thành công. Giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 288 tỷ đồng so năm 2002, trong đó trồng trọt chiếm 45,4%, thủy sản chiếm 54,6%. Hiệu quả xã hội thể hiện ở chỗ, tâm lý người dân không còn e ngại khi mùa lũ đến, coi đó là quy luật tự nhiên để chủ động khai thác, làm ăn; từ đó tỉnh có hướng giải quyết lao động nông nhàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo vốn là vấn đề gây bức xúc từ lâu.
Hàng chục mô hình sản xuất mùa nước nổi hiệu quả kinh tế cao xuất hiện, lan khắp đồng bằng đưa tổng thu nhập lên đến vài ngàn tỷ đồng. Và còn kéo theo rất nhiều dịch vụ khác, đặc biệt là các hoạt động du lịch mùa nước nổi. Kích cỡ đồng bằng mùa này như lớn hơn không chỉ do con nước tràn bờ mà còn hiển hiện ý chí vươn lên vượt khó, năng động, biết khai thác những đặc trưng dù “ngặt nghèo” nhất thành lợi thế cho mình. Điển hình như Vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp). Thực hiện đề án sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước có sự tham gia của cộng đồng giai đoạn 2012 - 2020, từ năm 2012, Vườn quốc gia Tràm Chim cho phép người dân nghèo trên địa bàn huyện Tam Nông được vào vườn khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Mùa lũ năm nay, 51 hộ nghèo được xét hỗ trợ ngư cụ vào đánh bắt, khai thác. “So với những hộ giăng câu, lưới bên ngoài vườn thì thu nhập của chúng tôi có khá hơn, mỗi ngày tôi khai thác được khoảng 2kg cá, thu nhập gần 150.000 đồng. Số tiền này đã giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống trong mùa nước nổi”, nông dân Nguyễn Văn Niễu (ấp K8, xã Phú Đức) phấn khởi.
Và chính những phẩm chất đó, nhiều nông dân nơi đây đã áp dụng vào phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân sáng tạo… Chính những nông dân đồng bằng đã tạo ra cảnh quan mới, tư duy mới vô cùng sống động trên châu thổ Cửu Long.
VŨ THỐNG NHẤT
Theo sggp.orrg.vn