Đối mặt với… “ma cà rồng” - Kỳ 2: Nước mắt… “ma cà rồng”!

20/10/2014 17:51

Theo dõi trên

Ở xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nơi vẫn thường được đồn thổi rằng có “ma cà rồng” sinh sống. Xóm Dụ được nhắc tới như một xóm “ma cà rồng”, người ta đồn đại đây là nơi ở của một dòng họ mang dòng máu ghê rợn ấy, những người trong dòng họ này bấy lâu nay chỉ kết thân với một dòng họ lân cận cũng mang dòng máu giống mình… Để tìm hiểu rõ thực hư, chúng tôi đã tìm tới xóm Dụ để đối mặt với… “ma cà rồng”.



Anh Xa Đức Chính, người bị đồn đại là mang dòng máu “ma cà rồng” buồn bã kể lại

Bỗng dưng biến thành… “ma cà rồng”

Anh Hà Văn Tuyệt, cán bộ văn hóa xã Xuân Đài dẫn chúng tôi vào xóm Dụ. Vượt qua hơn 3 km đường vòng vèo từ UBND xã vào xóm. Ngôi nhà của anh Xa Đức Chính (SN 1975), hiện ra trước mắt. 

Ngôi nhà nhộn nhịp người ra vào. Anh Tiệp ghé tai chúng tôi bảo: “Nhà này hôm nay có việc. Họ lo đám cưới cho một cô gái trong họ”. Nói đoạn, anh Tuyệt bảo: “Gia đình này bị đồn đại là mang dòng máu “ma cà rồng”. Họ đang bức xúc lắm…”.

Đúng như lời của vị cán bộ văn hóa xã Xuân Đài, ngôi nhà của anh Chính hôm nay đầy đủ cả những người trong họ để tổ chức lễ cưới cho một cô gái trong họ mình. Lúc này, tiệc tùng đã xong, người ta đang dọn dẹp bàn ghế và ngồi tán gẫu. Thấy chúng tôi bước vào, anh Xa Đức Chính đi pha ấm trà đặc mời khách. Nhấp vài ngụm trà nóng chát, anh Chính tâm sự: “Quả thật chúng tôi không biết nguồn cơn từ đâu mà người ta lại nói chúng tôi là “ma cà rồng”. Ông cụ thân sinh ra tôi là thương binh hạng 2/4. Gia đình tôi là gia đình chính sách hẳn hoi cơ mà”.

Anh Chính cho biết, gốc gác của dòng họ anh bắt nguồn từ một dòng họ của dân tộc Mường tại Sơn La di cư về đây sinh sống. Cho đến nay, đã bao nhiêu đời rồi, chẳng ai nhớ rõ là từ bao giờ. Họ đã sinh sống ở xóm Dụ và làm ăn tại đây như bao nhiêu người dân tộc khác. 

Nhưng một ngày nọ, khi con trai anh đi học về tâm sự với bố: “Bố ơi, các bạn bảo con là con cháu nhà “ma cà rồng”, mang dòng máu “ma cà rồng”…”. Cũng kể từ đó, con trai anh trầm tính hơn, ít giao tiếp với các bạn bè hơn.

Không chỉ có gia đình nhà anh chính, những người của dòng họ Xa cũng bị người ta đồn đoán là dòng họ “ma cà rồng”. Xóm nhỏ nơi dòng họ này sinh sống trước đây ấm cúng, vui vẻ bao nhiêu thì bỗng dưng lại lạnh lẽo và cô lập bởi những lời đồn thổi không có căn cứ.

“Chúng tôi sống ở đây, chứng kiến bao sự biến chuyển. Nhưng cũng chưa bao giờ nghe nhà anh Chính là “ma cà rồng”. Chúng tôi cũng không biết những lời đồn thổi đó còn có mục đích xấu gì khác hay không. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận những thông tin như vậy”, anh Tuyệt chia sẻ.

Có mặt tại nhà anh Xa Đức Chính, những người trong họ của anh đều tỏ ra buồn bã khi bị người ta bỗng dưng đồn thổi mình là “ma cà rồng” gây ra bao nhiêu phiền toái.

“Mặc dù chúng tôi bỏ ngoài tai những lời dị nghị ấy, cố gắng sống tốt, làm việc tốt. Nhưng càng cố gắng bao nhiêu, người ta cũng vẫn nghi ngờ, xa lánh đâm ra chán nản, bực dọc chẳng làm được gì. Nay thanh niên trong họ đều phải đi xa làm ăn thì mới mong nên người…

Nước mắt… 

Anh Xa Đức Chính chia sẻ: “Nhà tôi làm ruộng, có biết gì tới “ma cà rồng”, từ xa xưa cũng chỉ nghe qua những câu chuyện. Nhưng nay bỗng dưng bị gán ghép như vậy khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chẳng dấu gì, tôi trước có cái nghề buôn trâu bò là chính để lấy thu nhập nuôi gia đình và các con ăn học. Tuy nhiên, kể từ khi có thông tin người ta đưa lên ti vi mối trâu bò của tôi bị mất, nghề của tôi cũng mất luôn. Bây giờ chả biết làm gì…”.

Ông Xa Văn Hưng (SN 1969) là chú họ của anh Chính cũng bức xúc: “Từ xưa tới nay, gia đình tôi sống hòa nhã với xóm giềng, bạn bè anh em đông đúc lắm. Làm gì có điều tiếng gì xấu. Nay có thông tin như vậy, đi ăn cỗ người ta cũng nhìn với con mắt khác. Lúc ở đó thì không ai nói gì đâu, nhưng đằng sau, những ánh mắt dò xét, nghi hoặc khiến chúng tôi rất khó chịu”.

Điều đặc biệt, con trai anh Chính là Xa Văn Dung (SN 2000), năm nay đang học lớp 8 cũng bị ảnh hưởng về tâm lý khiến kết quả học tập của em đi xuống trầm trọng. Anh Chính tâm sự: “Hôm con tôi đi học về, nó nói với tôi là bố ơi, các bạn nói con là con cháu “ma cà rồng”. Tôi chẳng biết nói với con như thế nào. Tội nghiệp nó, từ trước tới giờ năm nào đi học nó cũng được là học sinh tiên tiến, có giấy khen. Từ dạo đó nó học xa xút hẳn”.

Qua câu chuyện của anh Chính, được biết hiện gia đình anh cũng đang phải sống trong sự “dò xét” của cả những người hàng xóm thân thiết trước đó. Nhưng gia đình anh Chính và họ của anh không biết giải thích như thế nào cho mọi người hiểu. Thanh niên trong họ đến tuổi dựng vợ, gả chồng cũng khó khăn vì có thông tin như vậy thì ai người ta dám lấy. Muốn lấy vợ lấy chồng thì chỉ có lấy ở nơi khác… Anh Chính cũng chia sẻ mong muốn tha thiết của mình: “Chúng tôi thật sự rất mong muốn được minh oan, chúng tôi là những người dân như bao người dân khác, không phải là “ma cà rồng”.

Ông Trần Duy Thái - Trưởng Phòng văn hóa huyện Tân Sơn khẳng định: “Không có chuyện có “ma cà rồng”. Đó chỉ là truyền thuyết, những câu chuyện dân gian mà thôi. Thực tế, chúng tôi cũng đã làm những cuộc điều tra, đi thực nghiệm xuống cơ sở để thăm nắm tình hình cùng với cả các sinh viên các trường đại học nghiên cứu về xã hội, nhưng hoàn toàn không có “ma cà rồng” gì hết”.

Anh Tuyệt nói: “Những thông tin đồn thổi là nhà anh Chính là “ma cà rồng” gây xáo trộn cuộc sống, khiến gia đình anh Chính gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong các phương tiện truyền thông đại chúng tuyên truyền một cách rõ ràng để người dân hiểu được rằng “ma cà rồng” chỉ là những câu truyện trong truyền thuyết xa xưa mà thôi. Không có chuyện có “ma cà rồng” trong cuộc sống thực”.

Bà Hà Thị Đoán - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đài nói: “Dòng họ bị những tin đồn thất thiệt vây hãm gặp rất nhiều bất lợi trong cuộc sống. Kể cả việc dựng vợ gả chồng. Nhưng trên thực tế họ đã di cư đến vùng đất này từ rất lâu đời rồi. Trong cuộc sống hàng ngày họ rất hòa đồng và không hề có chuyện gì xảy ra cả. Không có ai là “ma cà rồng”…”.
 
Đức Hạnh

Bạn đang đọc bài viết "Đối mặt với… “ma cà rồng” - Kỳ 2: Nước mắt… “ma cà rồng”!" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.