Đối mặt với… “ma cà rồng” - Kỳ 1: Nỗi ám ảnh!

19/10/2014 14:26

Theo dõi trên

Từ rất lâu nay, câu chuyện về “ma cà rồng” đã ăn sâu vào tâm tưởng của người dân vùng núi của huyện Tân Sơn của tỉnh Phú Thọ. “Ma cà rồng” cũng chính là loài ma đáng sợ nhất đối với họ, bởi với người dân nơi đây “ma cà rồng” hiện hữu ngay trong làng bản, chúng hại người và hút máu vật nuôi một cách man rợ…



Người dân tin rằng “ma cà rồng” thường xuất hiện vào ban đêm và vào rừng bắt ngóe để ăn

Từ một truyền thuyết…

“Những câu chuyện xưa bên bếp nhà sàn, hay những đống lửa bập bùng bên núi rừng, nương rẫy chúng tôi thường được các người cao tuổi kể cho nghe về câu chuyện “ma cà rồng”. Không rõ thực hư như thế nào, xong những câu chuyện thường gây cho lũ trẻ chúng tôi những thích thú bởi nó hồi hộp, rờn rợn nhưng đầy gay cấn…”, bà Đinh Thị Hoa, một người dân ở thị trấn Tân Sơn cho biết. 

Tuy nhiên, chính bà Hoa cũng chưa từng nhìn thấy “ma cà rồng” dù chỉ một lần. Đa phần bà Hoa cũng chỉ được người ta kể lại mặc dù bà là một người hay đi vào rừng hái cây thuốc, vào bản mua rễ cây vì bà là một người làm nghề thuốc nam.

Theo những câu chuyện cổ, “ma cà rồng” không phải là con vật mà nó ẩn dưới dạng hình hài một con người. Loài “ma cà rồng” cũng có nhiều đặc trưng, và đặc điểm nhận dạng khác nhau. Người ta vẫn truyền lại cho nhau những câu chuyện về “ma cà rồng” để giúp nhau tránh sự cố khi bất ngờ gặp chúng. 

“Theo như các ông bà cao niên thì “ma cà rồng” mắt lúc nào cũng rực đỏ như mắt người say rượu vậy. Không những thế “ma cà rồng” có đôi môi mọng nước và cái mũi phơn phớt màu cà chua. Sở dĩ là như vậy bởi “ma cà rồng” là loại hút máu để sống”, bà Hoa chia sẻ. 

Tuy nhiên, cũng có những lời đồn đại khác về loài “ma cà rồng” này. Người ta bảo, “ma cà rồng” thường là những chàng trai, cô gái xinh đẹp lạ thường, ban ngày họ vẫn là người bình thường, nhưng đêm đến họ lại biến thành “ma cà rồng” để đi lang thang hại người hay những con vật nuôi.

Ông Đinh Văn Thủy, một người dân thuộc xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn tâm sự: “Sống ở vùng núi này từ nhỏ, tôi đã từng nghe rất nhiều về câu chuyện “ma cà rồng”. Có nhiều những lời kể khác nhau, nhưng đều giống nhau ở điểm “ma cà rồng” chỉ xuất hiện vào ban đêm. Khu vực chúng xuất hiện là nơi hoang vắng và âm u với cái môi đỏ, mắt đỏ và đặc biệt là đôi răng nanh dài sắc nhọn với cái lưỡi dài toàn máu. Chính vì thế, khi đi rừng không ai dám đi một mình mà phải rủ thêm người để lỡ có chuyện gì thì có người giúp đỡ…”.

Nỗi ám ảnh về “ma cà rồng”

Tân Sơn mùa này thường xảy ra những cơn mưa sương mịt mùng, kéo theo cái lạnh thấu xương. Câu chuyện về loài “ma cà rồng” gớm giếc càng làm cho ai nghe thấy cũng phải sởn da gà, lạnh sống lưng. Theo những người già kể lại, “ma cà rồng” ban ngày không suất hiện được và người dân cũng không thể phát hiện ra chúng. Nhưng loài “ma cà rồng” rất cao vía, ai có dòng máu “ma cà rồng” thì hễ đi qua đứa trẻ nào mới sinh thì đứa trẻ đó có nguy cơ sẽ bị chết. Sau đứa trẻ bị chết, vạch lưng đứa bé xấu số sẽ nhìn thấy hai chiếc răng nanh của “ma cà rồng” in hằn. 

Điều đặc biệt là loài “ma cà rồng” rất sợ ớt. Chính vì vậy, ở vùng cao người dân rất hay sâu những chùm ớt treo khắp ngoài hiên nhà để xua đuổi “ma cà rồng”, ngăn chặn không cho chúng tới gần để làm hại những người thân trong gia đình. “Ma cà rồng” còn được cho là đối tượng xấu chuyên đi ăn trộm trâu, bò, gia súc của người dân vùng cao. Mỗi khi trời sáng, nếu bất kỳ con vật nào trong gia đình bị mất, hoặc bị chết là người ta lại nghi ngờ rằng đêm qua “ma cà rồng” đã xuất hiện ở khu vực ngôi nhà họ sinh sống.

“Rất nhiều người thường xuyên đi rừng tại xã Xuân Sơn còn khẳng định là họ đã từng nhìn thấy “ma cà rồng”. Nhóm này còn kể rằng đã đánh chết một con “ma cà rồng” và vứt xác của nó bên bờ suối. Tuy nhiên, buổi sáng hôm sau đã không còn thấy xác chết đó đâu nữa…”, một người dân kể lại.

Vị “thầy bùa” nổi tiếng Hà Ngọc Dành ở huyện Tân Sơn cũng cho biết có người từng thề sống, thề chết với ông là họ đã nhìn thấy “ma cà rồng”. Qua câu chuyện của người này kể thì “ma cà rồng” có cái lưỡi dài hàng mét và đỏ òng ọc trông rất khiếp sợ mỗi khi nó thè lè cái lưỡi gớm giếc ấy ra…

Bất kể người dân nào của huyện Tân Sơn khi được hỏi về “ma cà rồng” cũng đều trả lời là đã từng nghe câu chuyện về loài này tuy chưa một lần nhìn thấy chúng. Và từ người già tới trẻ con đều ghê sợ mỗi khi có một người nào có hình dáng giống giống với những gì họ đã được nghe kể lại.

Phổ biến nhất trong các câu chuyện về “ma cà rồng” được lưu truyền trong dân gian đó chính là loài “ma cà rồng” rất thích ăn thịt con ngóe, con nhãu. Mỗi khi đêm đến người vợ (hoặc người chồng) có dòng máu “ma cà rồng” lại lẻn ra ngoài đi bắt nhãu, ngóe để ăn. Chúng thường ăn cho tới phồng bụng vì không biết no và chỉ trở về mỗi khi trời gần sáng. Chính vì thế, ở khu vực có “ma cà rồng” người ta thường thấy ở hiên nhà bao giờ cũng có một chậu nước vo gạo để ở đó. Theo họ, chậu nước vo gạo này mỗi khi con “ma cà rồng” kia về uống vào thì sẽ nôn hết sạch lũ nhãu, ngóe đã ăn vào bụng thì mới trở lại làm người được.

Và nỗi sợ về loài “ma cà rồng” cũng đã tạo ra cho những con người ở nơi đây một sở thích đặc trưng, đó là sở thích ăn ớt trong mỗi bữa ăn của họ. Đây cũng là cách mà họ tin rằng sẽ tránh xa được loài “ma cà rồng” gớm giếc”. Ớt cũng được đúc trong một cái túi nhỏ dùng để đeo bên mình những em nhỏ mới chào đời như một lá bùa hộ mệnh giúp xua đuổi “ma cà rồng”.

Chúng tôi đã tìm về xã Xuân Đài của huyện Tân Sơn qua những lời đồn thổi rằng ở đây có cả bản mang dòng máu “ma cà rồng”, cả họ mang dòng máu “ma cà rồng” đáng sợ. Ở đây, chúng tôi đã được bà Hà Thị Đoán - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đài chia sẻ: “Đúng là có những câu chuyện về “ma cà rồng”. Người ta cũng đồn thổi rằng ở xã tôi có dòng họ mang dòng máu “ma cà rồng”. Tuy nhiên, sống ở đây đã từ rất lâu rồi, tất cả chúng tôi chưa một lần nào nhìn thấy mặt ngang mũi dọc cái được gọi là “ma cà rồng” lần nào cả”.

Bà Hà Thị Đoán cũng khẳng định, không có “ma cà rồng” ngoài đời thực. “Ma cà rồng” chỉ xuất hiện trong truyền thuyết xa xưa của các cụ để lại mà thôi. Thậm chí, những đồn thổi mang tính thêu dệt chỉ làm cho câu chuyện của người kể thêm ly kỳ chứ không hề có loài “ma cà rồng” nào cả. Cũng theo bà Đoán, có hộ bị nghi là “ma cà rồng” nhưng qua cuộc sống và sinh hoạt thường ngày ở xã, chính những người này lại là những tấm gương, là gia đình chính sách, con cháu học hành đàng hoàng. Hơn nữa, nếu thực sự có “ma cà rồng” thì cuộc sống của người dân nơi đây không thể bình yên như thế được…

Còn tiếp...

 
Đức Hạnh

Bạn đang đọc bài viết "Đối mặt với… “ma cà rồng” - Kỳ 1: Nỗi ám ảnh!" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.