Độc đáo lễ “ăn lúa mới” của người Xê Đăng

28/03/2016 09:10

Theo dõi trên

Tùy theo phong tục của từng làng mà lễ hội được tổ chức theo quy mô và hình thức khác nhau nhưng vẫn chung một ước nguyện cầu mong cho dân làng không thiếu lúa để ăn, cuộc sống luôn no đủ, sung túc.

Đó là ý nghĩa của lễ “ăn lúa mới” - một trong những lễ hội lớn của người Xê Đăng, nhánh Xơ Teng, ở huyện Tu Mơ Rông. Tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam chiều ngày 27/3, lễ “ăn lúa mới” của đồng bào Xê Đăng do các nghệ nhân làng Mô Bành I - xã Đak Na - huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum thực hiện là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động với chủ đề “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn” tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Thông thường, lễ hội “ăn lúa mới” của người Xê Đăng, nhánh Xơ Teng chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là ăn lúa mới tại mỗi gia đình (Kapaneo) và giai đoạn hai là uống rượu mừng lúa mới tại nhà cộng đồng của làng.

Ăn lúa mới tại mỗi gia đình

Trước khi bước vào ngày lễ, chủ hộ khấn ông Trời (Giàng), xin Thần lúa (Noa Sai) cho họ rước hồn lúa về với dân làng, với ước nguyện dân làng không thiếu lúa để ăn, cuộc sống luôn no đủ, sung túc.




Chủ hộ cầu xin Giàng, Thần lúa rước hồn lúa về với dân làng.

Khi cây lúa bắt đầu chín rộ, chủ hộ đưa các thành viên trong gia đình đến rẫy lúa của mình, dùng cây ie tươi có lá đánh dấu các vị trí chuẩn bị tuốt lúa. Khi đến chỗ lúa chín nhất, chủ hộ đọc lời khấn: “Ơ Thần lúa, hôm nay tôi xin phép được thay mặt mọi người trong gia đình, xin được lấy nắm lúa đầu tiên này, xin được rước hồn lúa về với gia đình chúng tôi cho chúng tôi được no đủ”.

Chủ hộ sẽ là người tuốt nắm lúa đầu tiên để làm phép trước rồi cả gia đình bắt đầu công việc tuốt lúa. Khi tuốt lúa xong, họ đưa lúa về kho (gần rẫy lúa) để cất trữ, mỗi gia đình chỉ mang một gùi lúa lớn về nhà để cúng lúa mới, trên đường mang lúa về nhà, khi gặp ngã ba, ngã tư, đường rẽ, họ sẽ bẻ một cành cây chắn ngang các lối đi phụ, chỉ để lại một lối đi chính từ kho lúa về nhà mình với suy nghĩ không để cho hồn lúa lạc lối khác.




Những cô gái cùng nhau giã gạo chuẩn bị cho lễ "ăn lúa mới".

Khi đã mang lúa chín về đến nhà, các gia đình lấy lúa rang cho khô và giã, lấy gạo nấu một nồi cơm lớn để ăn với thức ăn chuẩn bị trước đó gồm: thịt rừng, cá suối, rượu ghè. Chủ hộ cắt tiết một con gà, lấy tiết gà bôi lên trán tất cả mọi người trong nhà với ý nghĩa mong cho mọi người được khỏe mạnh, có sức khỏe để làm nương rẫy. Mọi người bày đủ cơm mới và thức ăn, rượu ghè ra giữa nhà, chủ hộ sẽ đọc lời khấn ngụ ý hồn lúa đã về với gia đình, mọi người hãy ăn uống, đánh chiêng để mừng cho gia đình được no đủ.

Khi đã cầu khấn xong, chủ hộ nắm vắt cơm đầu tiên để ăn, uống rượu rồi sau đó mọi người trong gia đình cùng ăn, uống rượu, múa hát đánh chiêng vui vẻ cho đến tận đêm khuya…

Uống rượu mừng lúa mới tại cộng đồng làng

Khi tất cả các gia đình trong làng đã ăn mừng lúa mới tại từng gia đình xong, già làng tập trung các chủ hộ để làm lễ tại khu vực phía trước nhà Rông. Từ sáng sớm ngày đầu tiên của lễ hội, tất cả các gia đình trong làng đều phải đóng kín cửa, không ai được phép ra vào, cơm và các thức ăn được nấu sẵn và để lên giàn bếp, rượu ghè cũng được các gia đình chuẩn bị đầy đủ.

Đồ để cúng lễ sẽ được già làng thông báo để các gia đình chuẩn bị bao gồm: thịt rừng, chim, cá suối, rau măng, rượu ghè… Và một công việc không thể thiếu trong lễ hội uống rượu mừng lúa mới đó là phong tục dựng cây nêu, việc này sẽ do nam giới thực hiện. Khi công việc chuẩn bị đã xong, lễ hội “ăn lúa mới” được bắt đầu.




Già làng làm lễ trước nhà Rông.

Già làng là người đầu tiên được phép mở cửa và đi một mình đến nhà Rông, đánh một hồi chuông báo hiệu cho tất cả nam giới trong làng mang lễ vật như: heo, gà, cá suối, rượu ghè tập trung về nhà Rông. Già làng bắt đầu khấn: “Ơ Giàng, ơ Thần lúa, hôm nay hồn lúa về với làng chúng tôi, chúng tôi cầu mong thần lúa cho chúng tôi sang năm mới và mãi mãi đừng thiếu lúa để ăn, dân làng không phải đói, xin hồn lúa hãy ở với chúng tôi, cho chúng tôi được no đủ”.

Sau lời khấn, già làng ăn cơm mới và uống rượu làm phép, các thành viên trong làng lần lượt uống rượu và ăn cơm mới tại nhà Rông. Từ nhà Rông, già làng sẽ đưa tất cả mọi người lần lượt đến từng gia đình trong làng để mỗi nhà mang cơm rượu, thức ăn ra tiếp đón. Khi đã đi đến tất cả các gia đình trong làng, đoàn sẽ quay lại nhà Rông để cộng đồng cùng uống rượu, múa hát, đánh cồng chiêng và tổ chức các trò chơi dân gian đến tận khuya. Chỉ khi nào lửa đã tàn, rượu đã nhạt thì lễ hội chính “ăn lúa mới” của người Xê Đăng, nhánh Xơ Teng mới xem như kết thúc. Những ngày sau họ chỉ uống rượu vui vẻ và vui chơi mà thôi.




Già làng chia cơm, rượu cho mọi người trong làng cùng nhau ăn uống tưng bừng.

Tái hiện tại không gian nhà Xê Đăng thuộc Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lễ “ăn lúa mới” của người Xê Đăng thu hút đông đảo du khách với nhiều cảm nhận khác nhau. Và với đồng bào Xê Đăng, nhánh Xơ Teng, được tái hiện những lễ hội, phong tục độc đáo của dân tộc mình giới thiệu tới nhân dân Thủ đô và du khách, không chỉ là niềm vui, niềm tự hào, mà hơn thế còn là để được cầu mong cho năm mới, mùa lúa mới bội thu, cho đời sống người Xê Đăng nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung được no ấm.

(Theo Làng Việt Online)

PHẠM HƯỜNG
Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo lễ “ăn lúa mới” của người Xê Đăng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.