“Tôi đã từng nghĩ Đông Âu là nơi tôi dừng lại, vì nơi đây tôi đã thành công với thương hiệu điện tử mang tên riêng của mình ở xứ người. Tôi có cả danh tiếng và vị thế cao trong cộng đồng người Việt, đặc biệt là giới doanh nhân ở Châu Âu lúc bấy giờ. Công việc của tôi đã đi vào nề nếp, hệ thống công ty vận hành tốt ngay cả khi tôi không có mặt. Tôi có nhiều thời gian cho sở thích của bản thân hơn, đi đây đi đó nhiều hơn, tôi nhận thấy cuộc sống tốt đẹp của người dân ở nhiều nước châu Âu, từ đó tôi mới thực sự hiểu được mong muốn sâu thẳm trong tôi đó là trở về Việt Nam. Quê hương, đất nước tôi còn nhiều khó khăn, người nông dân còn nghèo, nơi đây mới là nơi cần tôi và tôi cảm thấy hạnh phúc khi góp phần nhỏ vào sự phát triển của đất nước!”, Doanh nhân Đông Âu - Trương Quang Toàn chia sẻ.

Hành trình trở về của doanh nhân Đông Âu
Sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống hiếu học tại tỉnh Ninh Bình và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, khi còn nhỏ anh thường được ba mẹ đưa về Ninh Bình thăm ông bà, dòng tộc, nhất là vào dịp lễ tết, ngày giỗ họ. Được tham gia các buổi lễ lớn ở nhà thờ họ, được nghe lời răn dạy con cháu của trưởng họ, các cụ già, người có học vấn, đức độ trong họ là niềm vui lớn nhất khi về quê. “Tôi còn nhớ như in hình ảnh ba tôi, một cựu chiến binh chân tay vụng về lại cẩn thận sắp từng món lễ vật dâng lên ban thờ dòng họ. Ba nói với tôi “Dù ở ngoài kia con có là ai, có uy quyền ra sao, có thành công như thế nào thì khi về nhà thờ họ, con vẫn phải giữ đúng bổn phận của con cháu Trương tộc. Người trong họ phải thương yêu, hỗ trợ nhau cùng phát triển dòng tộc lớn mạnh…Con cũng vậy, hãy cố gắng học hành chăm chỉ, khi con có kiến thức, con thành công mới có thể kế thừa và hoàn thành trách nhiệm với gia đình, dòng tộc.” - Doanh nhân Trương Quang Toàn bộc bạch.
Sau thời gian dài học tập và làm việc tại Đông Âu, doanh nhân Trương Quang Toàn đã xây dựng thành công thương hiệu điện tử mang tên của mình “TOAN”. Thương hiệu phát triển rất tốt, doanh thu cao, đồng thời anh hoàn thiện bộ máy điều hành một cách chuyên nghiệp. Khi doanh nghiệp vận hành trơn chu trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, anh không cần có mặt giải quyết công việc trực tiếp nữa. Lúc này anh có nhiều thời gian hơn cho sở thích của cá nhân, với bản tính chịu khó tìm hiểu, học hỏi, anh đi khắp các nước Đông Âu tìm các cơ hội kinh doanh mới, được gặp gỡ nhiều, tiếp xúc và thấy được cuộc sống nông thôn tốt đẹp với người dân bản địa. Anh lại càng nhớ quê hương da diết, nhớ lời cha dặn qua câu ca dao “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn” cứ văng vẳng trong đầu thúc giục anh trở về. Trở về cuội nguồn để giúp nông dân quê hương mình cũng có cuộc sống tốt đẹp như nơi đây. “Tôi tự hỏi tại sao mình lại ở đây? Tại sao tôi vẫn chưa trở về? Mục đích khi rời quê hương chính là học hỏi kiến thức kinh doanh, khoa học kỹ thuật để trở về xây dựng, phát triển đất nước. Đã đến lúc tôi trở về vì tôi có kinh nghiệm, có chút thành tựu cũng như có nguồn vốn để phát triển các dự án kinh doanh trong nước. Tôi tự thuyết phục bản thân là cơ hội trong ngành đã tốt thì dù tôi đầu tư ở Đông Âu hay ở Việt Nam cũng chỉ khác nhau ở địa điểm. Mà các cụ ta thường dạy là “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” nên tôi trở về Việt Nam để kiểm chứng lời dạy của cha ông để lại (cười)” - Doanh nhân Đông Âu Trương Quang Toàn chia sẻ lý do anh quyết định đầu tư về Việt Nam.

Thành công trên mảnh đất quê hương
Khi về Việt Nam tìm hiểu thị trường, doanh nhân Trương Quang Toàn nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng, có rất nhiều cơ hội kinh doanh tốt hơn cả ở Đông Âu. Lúc đầu anh nghĩ chỉ đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao thôi. Khi thực sự bước chân vào đầu tư kinh doanh ở nước mình, anh mới nhận thấy mặc dù đất nước thuộc diện đang phát triển, lực lượng lao động chuyên môn thấp, nhưng ưu thế lại có nguồn lao động dồi dào, con người chịu khó học hỏi. Một đất nước nông nghiệp điển hình nên quỹ đất canh tác lớn, nông dân có kinh nghiệm nhiều đời, thiên nhiên ưu ái, khí hậu phù hợp, thiên thời, địa lợi đều có chỉ cần nhân hòa (áp dụng khoa học kỹ thuật) nữa là sẽ thành công tạo ra thu nhập cao cho nông dân. Sau một thời gian tận tâm đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, anh có chút thành tựu và khi nông nghiệp phát triển, nhu cầu sử dụng phân bón cũng khác, anh tiếp tục đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, và đã thành công hỗ trợ nông dân tăng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Sau thời gian cả nước nỗ lực đồng lòng chung tay phát triển, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, cuộc sống, thu nhập của người Việt đã tăng cao đáng kể. Anh chia sẻ: “Tôi mở rộng đầu tư phát triển sản phẩm điện tử phục vụ người Việt, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, ở mảng này thì tôi rất nhanh thành công vì vốn tôi vẫn đang có thương hiệu điện tử hoạt động ở Châu Âu. Tôi lấn sân đầu tư vào dịch vụ nhà hàng, khách sạn… (cười) đến giờ thì tất cả các dự án tôi đầu tư đều sinh lời tốt. Đặc biệt, tôi thấy rất vui khi thành công trên chính quê hương mình, điều làm tôi hạnh phúc nhất có lẽ là tiếng cười giòn tan, ánh mắt mừng rỡ của nông dân khi thu hoạch vụ mùa bội thu, đời sống sinh hoạt nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Họ gọi tôi thân thiết là ông “doanh nhân Đông Âu” (cười)!.