Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội lớn ở thị trường bên ngoài

03/02/2023 10:12

Theo dõi trên

Bất chấp những khó khăn về địa chính trị và tài chính, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đã phục hồi tích cực trên phạm vi toàn cầu trong 9 tháng năm 2022. Hàng loạt thương vụ M&A với người mua là các doanh nghiệp (DN) Việt. Hợp đồng thâu tóm các DN nước ngoài giúp DN Việt gia tăng vị thế thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước.

575-1675393833.jpg
Vinamilk chủ động tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường quốc tế. Ảnh: P.V

Bức tranh giao dịch M&A tại Việt Nam

Theo EY, thị trường ghi nhận 2.274 thương vụ M&A, với tổng giá trị 2,02 nghìn tỷ USD, giảm 18% về thương vụ và 27% về giá trị và so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước, hoạt động này vẫn đang đi lên với mức tăng 13% về thương vụ và 35% về giá trị.

Đáng chú ý, nếu tính theo ngành, lĩnh vực công nghệ đã dẫn dắt hoạt động M&A toàn cầu trong 9 tháng năm 2022. Hoạt động M&A trong lĩnh vực này dù giảm 20% so với mức kỷ lục năm 2021 (789 tỷ USD), nhưng vẫn chiếm gần một phần ba (31%) tổng giá trị M&A trên toàn cầu. Các thương vụ tập trung vào các công ty công nghệ hiện đang ở mức gấp đôi so với các giai đoạn trước (tăng 95% so với mức trung bình 322 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2019).

Trong khi đó, hoạt động M&A trong lĩnh vực khoa học đời sống tiếp tục ít sôi động, bất chấp cuộc khủng hoảng y tế gần đây. Lĩnh vực này đã ghi nhận 111 tỷ USD giá trị các giao dịch M&A trong 9 tháng năm 2022, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 48% so với mức trung bình giai đoạn 2015 - 2019. Còn ở lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ, vốn là lĩnh vực có hoạt động M&A khá sôi động, cũng chứng kiến sự sụt giảm 27% so với nửa đầu năm 2021, xuống còn 91 tỷ USD giá trị.

Theo phân tích của EY, bản chất các thương vụ M&A xuyên biên giới đang thay đổi nhằm phản ánh mức độ căng thẳng địa chính trị trên toàn thế giới. Trong khi số lượng giao dịch M&A xuyên biên giới sụt giảm xuống 24% trong nửa đầu năm 2022 so với 30% giai đoạn 2015 - 2019, số thương vụ xuyên biên giới giữa các quốc gia liên thuộc lại chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể lên 51% năm 2022 so với tỷ lệ trung bình 42% trong giai đoạn 2015 - 2019.

a3675478678990-1675393900.jpg
VinFast xuất khẩu lô xe điện đầu tiên ra thế giới, chuyến tàu khởi động với 999 xe. Ảnh: P.V

Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội M&A ở nước ngoài

Mới đây, NutiFood, một hãng sữa lớn của Việt Nam, đã chính thức nắm quyền chi phối Cawells, DN thực phẩm bổ sung ở Thụy Điển. Phía NutiFood đầu tư tỉ lệ mua lại là 51% cổ phần ở Cawells. 

Theo nhiều DN, khi đã chiếm thị phần đủ lớn trong nước, thị trường nước ngoài là một bước đi quan trọng để duy trì tăng trưởng, xây dựng hình ảnh ngày càng chuyên nghiệp hơn, uy tín hơn trên toàn cầu.

Tận dụng cơ chế ưu đãi của nước sở tại ở thời điểm khó khăn này cũng sẽ giúp DN Việt Nam đầu tư thuận lợi, nhất là trong bối cảnh một số ngành nghề trong nước có thể đã bão hòa. Đặc biệt, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do, DN Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi để mang vốn đầu tư ra nhiều quốc gia nhằm tận dụng các chính sách ưu đãi tại đó. Việc đầu tư ra nước ngoài có trọng điểm và đúng hướng đã đem lại lợi ích to lớn cho DN Việt. 

Áp lực mở cửa trước các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là động lực để DN Việt mạnh dạn bước ra khỏi sân nhà, mở rộng đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. Với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668,5 tỷ USD, Việt Nam trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Luật Ðầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 cũng tạo cơ hội thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 398,3 triệu USD, bằng 69,6% cùng kỳ năm 2021. Thị trường dẫn đầu nhận vốn đầu tư từ Việt Nam là Lào với 4 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký đạt 66,42 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 2 là Singapore với gần 41,5 triệu USD, chiếm gần 10,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Mỹ, Đức, Hà Lan...

M&A ra nước ngoài là xu hướng tất yếu của những công ty có chiến lược vươn tầm thế giới. Nhưng đây không phải là câu chuyện dễ dàng. Gần 10 năm trước, Viettel từng tham gia đấu thầu với hy vọng đặt chân vào thị trường viễn thông Myanmar. Tuy nhiên, Myanmar đã chọn Telenor (Na Uy) và Ooredoo (Qatar). Viettel đành tìm con đường khác. Sau hơn 1 năm chờ đợi, hy vọng đến với Viettel khi công ty cung cấp internet Yatanarpon Teleport (YTP) xin được giấy phép thứ 4.

Rủi ro pháp lý là vấn đề các công ty phải cân nhắc khi M&A ra nước ngoài. Bên cạnh đó, báo cáo của Baker & McKenzie từng nêu lên vấn đề văn hóa DN quyết định lớn nhất đến thành bại trong các thương vụ M&A xuyên quốc gia. Đặc biệt lưu ý đến tính phức tạp của những thương vụ M&A các DN Việt Nam cần tiến hành bài bản các bước đánh giá cơ hội cũng như quản trị rủi ro trước khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, để duy trì lợi thế cạnh tranh, các nhà giao dịch thương vụ nên đề phòng những yếu tố tiềm ẩn trong giao dịch như sự biến động của thị trường tài chính và nền kinh tế vĩ mô.

Ths. Trần Trọng Triết
Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội lớn ở thị trường bên ngoài" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.