“Điểm mặt” những phế tích ở TP Huế

04/08/2017 15:08

Theo dõi trên

Nằm trên đường Phan Đình Phùng thuộc TP Huế, từ lâu được xem là con đường phủ đệ, với hàng chục phủ đệ lớn nhỏ khác nhau. Nhưng hiện nay các phủ đệ này chỉ còn là phế tích không còn ai nhớ tới.



Lạc Tịnh Viên thành chợ tự phát

Một thời hoàng kim

Đường Phan Đình Phùng nối dài từ chợ An Cựu đến chợ Bến Ngự chưa đầy 2 km nhưng có đến hàng chục phủ đệ, nhà vườn của ông hoàng, bà chúa thời Nguyễn. Phủ đệ, tên gọi chốn ấy, là nơi ở của các vương tôn, hoàng tử và công chúa thời Nguyễn. Phủ là nơi ở của các hoàng thân, hoàng tử sau khi lập gia đình, từ đó mới phát sinh danh xưng phủ thiếp để gọi người vợ của hoàng tử, tức là con dâu của nhà vua. Tùy theo tôn tước của chủ nhân được triều đình tập phong là tước công hay tước vương mà phủ ấy được gọi là công phủ hay vương phủ.

Đệ là lối gọi tắt của từ đệ trạch, là nơi ở của công chúa sau khi hạ giá, tức là công chúa đã được gả chồng. Về sau, người ta thường dùng chữ phủ đệ để gọi chung cho nơi ở của các ông hoàng, bà chúa đã thành thân.

Khi những ông hoàng, bà chúa ấy trở thành người thiên cổ, tòa chính đường trong phủ, nơi trú tất của các ông hoàng, bà chúa lúc sinh thời, trở thành nơi thờ tự vong linh của chính họ. Ấy cũng là lúc con cháu của họ thay biển ngạch đề danh trước cổng, đổi chữ phủ (hay chữ đệ) thành chữ từ hay từ đường, mà dân gian vẫn quen gọi là phủ từ.
 
Lạc Tịnh Viên thành chợ

Lạc Tịnh Viên tọa lạc ở địa chỉ 65 đường Phan Đình Phùng, TP Huế, được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 2235/QĐ-UBND ngày 28/9/2007. Đây là một trong những di tích “tư nhân” được bảo tồn tốt nhất ở Huế, đồng thời, cũng là nơi bảo lưu và trao truyền hữu hiệu nhất nét tinh tế, sự lịch lãm, tính hiếu thuận và lòng nhân từ của tính cách Huế. 

Nhưng hiện nay cánh cổng Lạc tịnh Viên đã khép lại, không tiếp khách và cũng từ đó mà các chợ tự phát của người dân sinh ra. Lạc tịnh viên không giống ngày xưa nữa. 

Trao đổi với phóng viên Phương Nam Plus bà Hồ Thị Nga cho biết: “Dì thấy đây không có ai vào ghé thăm nữa, nên dì và mấy người kia làm chỗ bán mớ rau, mớ cá để trang trải cuộc sống cho gia đình”.
 


Phủ Kiên Thái Vương thành nơi sản xuất vật liệu xây dựng



Phủ An Thường Công Chúa xuống cấp trầm trọng

Phế tích Phủ Kiên Thái Vương

Tọa lạc số 179 Phan Đình Phùng, TP. Huế. Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai là thân phụ của ba vị hoàng đế: Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Phủ này gắn với câu thơ nổi tiếng thời đó: “Một nhà sinh đặng ba vua/Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài”.

Trong ba vị vua, hoàng đế Đồng Khánh tại vị ở ngai vàng được ba năm thì mất và được thờ ở Thế Miếu. Kiến Phúc làm vua được tám tháng. Vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương chống Pháp nhưng không thành công. Chính vì vậy Phủ Kiên Thái Vương còn được gọi bằng một cái tên khác nữa.

Phủ kiên thái vương giờ đây thành nơi sản xuất vật liệu xây dựng, cánh cổng tam quan luôn khép kín, phủ đầy rêu phong. Chỉ có một lối đi nhỏ vào bên trong phủ, những tấm biển bằng đá ngày xưa giờ đây không còn ở vị trí cũ nữa mà nằm dưới đất đá thành vật vô tri vô giác không còn ai nhớ tới.
 


Nhiều Phủ đệ trở thành nơi buôn bán của người dân



Phủ Tùng Thiện Vương luôn khóa chặt cánh cổng

Không còn như xưa

Khi những cánh cửa hàng trăm năm tuổi của phủ đệ mở ra, cuộc sống quyền quý của các thành viên hoàng gia trong chốn cung cấm theo đó cũng dần dần được hé lộ. Dẫu sau đó, nó được khép lại như để giữ một thế giới trầm lắng, bí ẩn, một thời của các ông hoàng, bà chúa.

Dù vẫn hiện hữu nhưng phủ đệ của Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Nhiều phủ đệ đã không còn, một số không nhỏ khác bị chia năm xẻ bảy, bị thay đổi cấu trúc. Ngay bên trong phủ, nhà ống cũng đã xuất hiện, vườn phủ biến thành quán nhậu, quán cà phê. Một số phủ còn lại khá nguyên vẹn cũng đang đứng trước những thử thách rất lớn trước cơn lốc kinh tế thị trường. Hệ thống kiến trúc thượng lưu cuối cùng và duy nhất của Việt Nam thời quân chủ đang đứng trước nguy cơ sống còn. Chỉ có người Việt Nam, nhất là người Huế mới quyết định được sự còn mất của phủ đệ. 
 
Ngô Sinh

Bạn đang đọc bài viết "“Điểm mặt” những phế tích ở TP Huế" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.