Đền Sóc - ảnh tư liệu
Địa danh Phù Linh hẳn là bạn không xa lạ bởi gắn với bài thơ Núi Đôi rất nổi tiếng của nhà thơ Vũ Cao ( “Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo / Em còn trẻ lắm nhất làng trong...”). Khiêm nhường lại còn ở quy mô và những dịch vụ liên quan. Nơi đây không có những khách sạn, nhà nghỉ cao cấp, không có những thứ giải trí thu phí cao mà chỉ là một quần thể di tích với cảnh quan đẹp, thiên nhiên thơ mộng bởi có núi và hồ nước quanh năm ngày tháng điều hòa dưỡng khí. Người ta chỉ đến đây với tính chất đi pic-nic, tham quan trong phạm vi vài giờ đến một ngày, chứ không ở qua đêm như nhiều điểm du lịch khác. Khiêm nhường là như vậy.Nhưng lại rất đỗi hấp dẫn bởi bối cảnh thiên nhiên, kiến trúc các đền, chùa và đặc biệt là gắn với một truyền thuyết rất nổi tiếng đã trở thành huyền thoại của dân tộc ta là Thánh Gióng.
Từ Hà Nội, ngược theo đường quốc lộ số 3 ( cũ ), hướng lên Thái Nguyên, qua thị trấn Sóc Sơn vài cây số rồi rẽ trái 3km, bạn sẽ đến đền Sóc – một danh thắng rất nổi tiếng. Người tứ xứ nếu chưa có dịp đặt chân cũng từng có nhiều dịp nghe nói.
Đền Sóc thờ Thánh Gióng là một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Thánh Gióng là nhân vật thần thoại đã quá quen biết đối với bất cứ người dân nào của đất Việt, là biểu tượng của sức mạnh phi thường, vẻ kiêu hùng và lãng mạn của dân tộc ta. Từ lâu trong dân gian đã lưu truyền hai câu thơ:
Sóc Sơn là ngọn núi nào
Hằng năm cứ vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch là diễn ra hội Đền Sóc.Nhưng du khách vẫn đến đây quanh năm. Nơi đây không lúc nào vắng khách bởi họ đến không chỉ để cúng, lễ mà còn để thỏa mãn nhu cầu du lịch bởi cảnh quan hữu tình, thiên nhiên kỳ thú với bầu không khí rất trong lành do có cây cối bạt ngàn và hồ nước xanh mát. Ai mà yêu thích kiến trúc thì có thể thấy ở nơi đây có 4 đền với kiến trúc đẹp, độc đáo. Đó là các đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi và đền Thượng. Tất cả những đền, chùa này đều núp dưới tán lá của những cây cổ thụ lớn. Đặt chân đến đây, không thể không chiêm ngưỡng chùa Đại Bi. Tên như vậy nhưng chùa không to mà chỉ nhỏ, hẹp, song lại rất hút mắt du khách do có lối kiến trúc độc đáo với mái chùa được uốn cong hai đầu và những cánh cửa luôn tươi màu son đỏ. Những hoành phi, câu đối ở bên trong được thể hiện rất công phu, cầu kỳ càng tôn thêm vẻ uy nghiêm của ngôi chùa.
Du khách cũng lại được chiêm ngưỡng đền Mẫu là đền thờ người mẹ của Thánh Gióng, ngự đối diện với chùa Đại Bi.Vào đền Mẫu, ta sẽ thấy lòng mình thanh tịnh với hương khói luôn nghi ngút vì lúc nào cũng có người lui tới.Cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi đã ngày đêm rủ bóng che cho mái đền quanh năm ngày tháng càng tôn thêm vẻ yên tĩnh, tịch mịch. Muốn biết kiểu kiến trúc cổ rất độc đáo của nhà Phật, du khách có thể ngắm kỹ đền Thượng. Đền này được bố trí, sắp xếp rất hợp lý, tạo cảm giác trang nghiêm, lộng lẫy bởi là đền chính thờ đức Thánh Gióng. Đôi ngựa gỗ ở đền tượng trưng cho ngựa sắt năm xưa Thánh Gióng từng cưỡi để phi lên đường dẹp giặc Ân.
Đến đền Sóc, ta không thể không lên núi Vệ Linh. Bởi ở đây có nhà bia được xây dựng bằng đá phiến với hình chóp gợi cho ta hình dung tới chiếc mũ sắt của Thánh Gióng năm xưa đã đội để cưỡi trên ngựa sắt đi đánh giặc Ân. Nhà bia này đã có cách đây hàng trăm năm. Theo thời gian, năm tháng, trải bao dãi dầu mưa nắng, vẫn không bị bào mòn cùng tuế nguyệt.
Đền Sóc là một quần thể di tích tự nhiên luôn khiến du khách thích thú thưởng ngoạn mỗi khi đến đây và khi rời chân đã lưu giữ được nhiều ấn tượng đặc biệt, khó phai mờ. Ngoài sự thú vị vì được đắm mình trong cảnh đẹp thiên nhiên hữu tình, được thỏa nhu cầu tâm linh, người đến đây – nhất là học sinh, sinh viên – còn được trang bị nhiều kiến thức về lịch sử dân tộc để biết ơn, thấy tự hào về truyền thống của ông cha, thêm trân trọng, yêu quý những gì mình đang được thụ hưởng.
Hiện nay, đền Sóc được các cơ quan chức năng luôn quan tâm giữ gìn, tu bổ để phục vụ du khách bốn phương tới tham quan, du lịch.Đường dẫn lên tượng đài Thánh Gióng ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo chữ chi nhưng giờ đây được trải nhựa bóng loáng rất đẹp.Hai bên đường là những cánh rừng gây cho ta cảm giác như lên Tam Đảo.Từ chân tượng đài Thánh Gióng, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, nhìn thấy cả một vùng non xanh nước biếc với rất nhiều làng mạc, ruộng đồng mướt mắt. Sát gần đền Sóc là nơi tọa lạc của Học viện Phật Giáo Việt Nam được kiến trúc rất hài hòa càng tôn thêm vẻ uy nghiêm, trang trọng của cả quần thể. Sẽ rất thiệt thòi nếu bạn không ít nhất một lần tới nơi đây.Cũng sẽ rất khiếm khuyết nếu các trường học chưa tổ chức đưa các em học sinh tới nơi này. Đền Sóc không chỉ là chốn linh thiêng mà còn là nơi bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho tất cả mọi công dân Việt Nam, đặc biệt là những thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Theo Mai Hoa (Báo Du Lịch)