Để Quảng Nam bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững

23/09/2015 15:07

Theo dõi trên

Ngày 24/9, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch là một hoạt động cần thiết, nhằm thảo luận những vấn đề cấp thiết giúp Quảng Nam bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch một cách bền vững.



Di sản Mỹ Sơn

Mặc dù Quảng Nam kinh tế còn khó khăn, nhưng được  sự quan tâm sâu sắc của các Bộ, Ban, Ngành và UNESCO, nên di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm được biết đến rộng rãi và nhận được  sự quan tâm của các nước như: Nhật Bản, Italia, Đan Mạch, Luxembourg, Hoa Kỳ, Hà Lan, Canada, Đức…Từ năm 1997 đến 2014, ngoài những hỗ trợ quý giá về mặt kỹ thuật thông qua đội ngũ chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm, hai di sản văn hóa đã nhận được khoảng 79,5 tỷ đồng tài trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Khu di tích Mỹ Sơn nhận được tổng giá trị tài trợ khoảng 75 tỷ đồng của các tổ chức: UNESCO, JICA (Nhật Bản), Lerici Foundation (Ý), America Exress (Hoa Kỳ), … qua các dự án quan trọng như: chương trình thông tin địa lý (GIS) cho khu di sản Mỹ Sơn, khai quật khơi thông dòng suối khe Thẻ nhằm chống sạt lở nhóm tháp A, nhà trưng bày Mỹ Sơn, trùng tu các nhóm tháp G. đô thị cổ Hội An nhận được tổng giá trị tài trợ gần 4,4 tỷ đồng của các tổ chức: JICA, Taisei (Nhật Bản); Đại sứ quán Canada; Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ; Quỹ công chúa Hà Lan để tu bổ các di tích như: Các nhà số 14, 103, 113, 115, 117 Nguyễn Thái Học; 6 Nguyễn Thị Minh Khai; 48 Trần Phú; Nhà thờ tộc Trương; Khổng Tử Miếu; Miếu Hy Hòa; mộ Taji-Yajirobei.



Phố cổ Hội An

Trong 5 năm gần đây, 2009-2014, Quảng Nam tiếp tục nhận được nhiều dự án hỗ trợ phát triển du lịch, dựa vào khai thác văn hóa địa phương để phát triển du lịch bền vững, qua đó cải thiện sinh kế cho cư dân khu vực nông thôn, miền núi. Đó là những trợ giúp về xây dựng chiến lược, phát triển loại hình du lịch cộng đồng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Tiêu biểu là các dự án tài trợ thông qua các tổ chức UNESCO, ILO, FIDR như: “Xây dựng chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam”, “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam”, “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu”… Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Quảng Nam tăng hơn 10 lần trong giai đoạn 1999-2014, từ hơn 300.000 lượt khách năm 1999 lên hơn 3.680.000 lượt khách năm 2014.


 
Cù Lao Chàm

Quảng Nam có khoảng 350 di tích, hai di sản văn hóa thế giới vốn nhạy cảm với biến đổi khí hậu như Mỹ Sơn và Hội An, công tác bảo tồn văn hóa trong những năm tới còn rất nhiều thách thức. Đồng thời, các dự án hỗ trợ về phát triển du lịch bước đầu đã mang lại một số kết quả tích cực, nhưng chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm và định hướng phát huy hiệu quả trong những năm tới. Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch, thương hiệu, sản phẩm, nhân lực… của ngành du lịch Quảng Nam còn yếu, nên phần nào đó vai trò của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vẫn cần thiết với công tác bảo tồn di sản văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững của du lịch Quảng Nam trong tương lai. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch là một hoạt động cần thiết, nhằm thảo luận những vấn đề cấp thiết giúp Quảng Nam bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch một cách bền vững, đó là:

- Trình bày kết quả đã đạt được của các dự án hợp tác quốc tế về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch tại Quảng Nam trong giai đoạn 1999-2014; định hướng tiếp tục phát huy những kết quả đó, tạo sự kết nối giữa các dự án với nhau.

- Ý kiến của các công ty lữ hành về chất lượng sản phẩm, dịch vụ hiện có tại các điểm du lịch nông thôn, miền núi; khả năng kết nối quảng bá và khai thác các điểm đến này.

- Ý kiến của một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế về đánh giá kết quả các dự án đã hoàn thành tại Quảng Nam và giới thiệu mục tiêu tài trợ tại Việt Nam.

UBND tỉnh Quảng Nam hy vọng hội thảo là một diễn đàn mở để các đối tác liên quan trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng về công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch tại Quảng Nam, nhờ đó tỉnh tiếp cận nguồn thông tin đa chiều cho những quyết sách của địa phương. Đồng thời, hội thảo sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để Quảng Nam tiếp tục nhận được sự trợ giúp của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trong sự nghiệp bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch, vì mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Thu Hiền (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Để Quảng Nam bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.