Để phát huy hiệu quả lễ hội truyền thống của đồng bào Ê đê

22/09/2016 14:21

Theo dõi trên

Lễ hội truyền thống của đồng bào Ê đê có giá trị rất lớn trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, gắn kết cộng đồng xã hội buôn làng, bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa - nghệ thuật, trong đó có cồng chiêng và sử thi - những di sản văn hóa quý giá của Tây Nguyên, góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.



Lễ hội cồng chiêng- ảnh tư liệu

Một cái nhìn về thực trạng       

Trung ương và tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản, chính sách để bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cũng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể về bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có bảo tồn một số lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc bản địa, bảo tồn một số buôn làng truyền thống, thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, tạo điều kiện cho dân tộc thiểu số tham gia, khai thác các giá trị văn hóa dân tộc, sáng tạo các giá trị văn hóa mới.

 Công tác quản lý nhà nước đối với lễ hội truyền thống nói chung và lễ hội truyền thống của đồng bào Ê đê nói riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân; hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm thường xuyên, đảm bảo lễ hội hoạt động đúng theo quy định; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo không có tình huống xấu xảy ra...

Bên cạnh kết quả đạt được như trên thì vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, như: Một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện phổ biến, quán triệt sâu rộng, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ và của Bộ VHTTDL về công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn; sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống chưa thật sự nhịp nhàng và còn nhiều bất cập cần kịp thời chấn chỉnh những tồn tại diễn ra trong lễ hội như: công tác vệ sinh môi trường (chưa xây dựng được công trình vệ sinh công cộng hợp chuẩn và chưa thu gom, xử lý rác thải kịp thời); các đề tài nghiên cứu khoa học, công tác phục dựng và bảo tồn về lễ hội truyền thống được thực hiện nhiều nhưng kết quả các công trình nghiên cứu này mới dừng lại ở mức sưu tầm tài liệu, cất giữ hoặc phục dựng một lần rồi giao lại việc tổ chức lễ hội truyền thống cho địa phương nên hiệu quả chưa cao…

Cách nào phát huy lễ hội một cách hiệu quả?

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trên là do nhận thức của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý văn hóa và xã hội về tính chất, đặc điểm, vai trò và vị trí của lễ hội truyền thống chưa toàn diện, chưa đầy đủ và thấu đáo nên có quan điểm và thái độ ứng xử chưa đúng đắn với lễ hội; việc chậm ban hành và điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật cũng như thực thi các văn bản của nhà nước về tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội truyền thống chưa nghiêm…

Để khắc phục các hạn chế, bất cập trên, theo chúng tôi,công tác quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống của đồng bào Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần phải xây dựng kế hoạch, chiến lược về lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh; tham mưu các văn bản, chính sách về quản lý văn hóa ở địa phương đảm bảo hiệu lực và hiệu quả, có tác động tích cực đến việc phát triển văn hóa bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và phát triển lễ hội truyền thống nói riêng.

Thứ hai, phấn đấu xây dựng đội ngũ nhân lực văn hóa đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt đối với vấn đề bảo tồn và phát triển các lễ hội của người Ê đê tại tỉnh Đắk Lắk, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có vị trí vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho họ là điều cần thiết.

Thứ ba, cần tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về lễ hội, nắm vững chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách đại đoàn kết dân tộc, tự do tín ngưỡng về tôn giáo dân tộc. Trên cơ sở đó giúp mọi người nâng cao nhận thức vễ lễ hội, xây dựng ý thức trách nhiệm tham gia lễ hội, chống mê tín dị đoan, bảo đảm hoạt động lễ hội thực sự văn hoá, văn minh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, hoạt động an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ tư, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết trong đó có nhiệm vụ tăng cường các nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hoá, lễ hội.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm huy động, quản lý, sử dụng mọi nguồn lực xã hội trong việc đóng góp xây dựng các hoạt động văn hóa và phát triển đời sống văn hóa.

Thứ sáu, Tăng cường nghiên cứu khoa học, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống của đồng bào Ê đê trên địa bàn tỉnh, đặc biệt lựa chọn một số lễ hội truyền thống tiêu biểu để phát triển thành sản phẩm du lịch - văn hóa đặc thù của tỉnh Đắk Lắk.

Thứ bảy, chỉ đạo bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong lễ hội, có phương án xử lý những trường hợp gây mất trật tự, an toàn, những hiện tượng gây rối, trộm cắp, chen lấn, xô đẩy, đánh nhau trong lễ hội. Đồng thời, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội truyền thống của đồng bào Ê đê trên địa bàn tỉnh.

(Theo Báo Du Lịch) 

Hồng Hân
Bạn đang đọc bài viết "Để phát huy hiệu quả lễ hội truyền thống của đồng bào Ê đê" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.