Cụ thể, số liệu từ UBND tỉnh cho biết, từ năm 2014 - 2018, các đơn vị, địa phương đã triển khai, thực hiện hơn 1.000 lượt tuyên truyền, thu hút 50.000 lượt người tham dự; phát hơn 1.500 tờ rơi, ấn phẩm phục vụ công tác nghiên cứu và tìm hiểu về Nghệ thuật Đờn ca tài tử; tổ chức các lớp thí điểm ca tài tử trong lực lượng học sinh một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Bạc Liêu; duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Hiện nay trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có hơn 150 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử với gần 2.000 thành viên.
Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử
13/11/2018 17:32
Qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử, tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Biên phòng
Cụ thể, số liệu từ UBND tỉnh cho biết, từ năm 2014 - 2018, các đơn vị, địa phương đã triển khai, thực hiện hơn 1.000 lượt tuyên truyền, thu hút 50.000 lượt người tham dự; phát hơn 1.500 tờ rơi, ấn phẩm phục vụ công tác nghiên cứu và tìm hiểu về Nghệ thuật Đờn ca tài tử; tổ chức các lớp thí điểm ca tài tử trong lực lượng học sinh một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Bạc Liêu; duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Hiện nay trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có hơn 150 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử với gần 2.000 thành viên.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị Đờn ca tài tử Nam Bộ luôn được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực như: xây dựng pano, băng rôn tuyên truyền; phối hợp với các cơ quan báo, đài trong và ngoài tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền quảng bá, giới thiệu Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, góp phần từng bước nâng cao chất lượng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào Đờn ca tài tử ở địa phương; phục vụ nhu cầu khách tham quan du lịch.
Được biết, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2014-2020 được ban hành theo Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 16/12/2014. Chỉ tiêu của Đề án là xây dựng và duy trì mỗi ấp, khóm, mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung học phổ thông có ít nhất một Câu lạc bộ Đờn ca tài tử hoạt động có hiệu quả. 100% các huyện, thành phố có cụm panô tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử. Hàng năm mỗi huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn tổ chức các lớp dạy đờn ca tài tử tại các thiết chế Văn hóa; các trường trung học phổ thông, Trung học cơ sở, cao đẳng, đại học và Trung cấp chuyên nghiệp đều có đưa nội dung đờn ca tài tử vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, hàng năm tổ chức giao lưu, biểu diễn nghệ thuật và đờn ca tài tử cấp xã, huyện; duy trì Liên hoan đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau và tham gia Liên hoan đờn ca tài tử khu vực Nam Bộ và toàn quốc; Định kỳ xét đề nghị khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tại địa phương; Đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho các nghệ nhân, nhà quản lý, nhà nghiên cứu có nhiều thành tích đóng góp đặc biệt cho phong trào bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.