Dân tộc: Lễ Ma nhét - đầy tháng - của dân tộc Tày

16/07/2016 16:33

Theo dõi trên

Lễ đầy tháng trong tiếng Tày còn gọi là Ma nhét, còn có ý nghĩa là xấu xí. Bởi trong ngày Lễ quan trọng này, đứa trẻ sẽ được ông bà pựt, tức là thầy cúng, hoặc một người có uy tín trong gia đình đặt tên. Thông thường, người ta chọn những cái tên xấu để đặt cho đứa bé, với quan niệm tên xấu thì dễ nuôi, không bị các thần ghen tị hay quở trách.



Lễ Ma nhét thường được tiến hành gồm 2 phần: Lễ Khay tuổn, tức phần cúng bà mụ, và Lễ Khai bươn, tức các nghi thức để đứa trẻ được công nhận là thành viên mới. Sau khi gia chủ đã chuẩn bị đủ lễ cúng, thầy pựt bắt đầu làm lễ cúng.

Nghi lễ cúng bà mụ của thầy pựt gồm nhiều chương mục khác nhau. Thời gian cúng lễ kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ; không gian diễn xướng trong nhà, ngay bên dưới bàn thờ tổ tiên của gia đình. Trong các chương đoạn, chương quan trọng nhất là vào cửa mụ, vun cây hoa và nộp lễ cửa mụ. Đây chính là mục đích chính của Lễ Khay tuổn do thầy pựt đảm nhiệm.

Theo quan niệm của người Tày, “cửa mụ” là nơi trú ngụ của các bà mụ, người ban con cái cho các cặp vợ chồng ở trần gian. Khi vào đến cửa mụ, thầy pựt phải dâng lễ vật của gia đình, tiến cúng lên các bà mụ để tạ ơn các bà đã cho gia chủ con cái và xin bà mụ đặt tên cho đứa bé. Sau khi làm Lễ đặt tên cho đứa bé xong, thầy pựt làm Lễ Khai bươn.

Trong nghi Lễ này, ngoài việc địu cháu bé đi bán dại, mua may còn có các nghi thức nhỏ như mắc võng để họ hàng nội, ngoại hát ru cháu bé. Cháu bé khi đã được đặt tên và đặt lên chiếc võng là chính thức trở thành một thành viên mới của gia đình và dòng họ.

Bà ngoại lấy chiếc địu thổ cẩm tặng cháu và địu cháu lên lưng. Bà mang theo một túi bánh coóc mò ra ngoài để làm khai eng, tức là bán cái bé để mua cái lớn. Gặp ai bà cũng bán cho 1 hoặc 2 cái bánh, người nào nhận bánh sẽ phải trả tiền. Lúc này, đứa bé đã được công nhận là một thành viên chính thức của cả bản. Nghi Lễ Khai bươn kết thúc, họ hàng quây quần bên mâm cơm để chúc mừng gia đình.

Lễ đầy tháng là một phong tục đẹp, thể hiện sự đùm bọc cũng như cộng đồng trách nhiệm của hai bên gia đình, họ hàng trong việc chăm sóc người mẹ và trẻ nhỏ. Đây cũng là dịp để hai bên gia đình nội ngoại gặp gỡ, tăng thêm tình thông gia thân thiết. Qua việc tổ chức Lễ đầy tháng hiện vẫn được người Tày duy trì cho thấy, sự ảnh hưởng của mẫu hệ vẫn còn khá sâu đậm trong văn hóa truyền thống của người Tày thông qua tục thờ mẫu và thờ bà mụ.

(Theo Báo Dân tộc)

SÔNG LAM
Bạn đang đọc bài viết " Dân tộc: Lễ Ma nhét - đầy tháng - của dân tộc Tày" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.