Đặc sắc dân tộc Hmông ở Nghệ An

13/04/2016 18:09

Theo dõi trên

Đồng bào dân tộc Hmông hiện đang sinh sống rải rác trên địa bàn một số xã thuộc huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong của tỉnh Nghệ An. Địa bàn cư trú của họ ở sườn núi có độ cao trung bình từ 800 - 1500m so với mặt nước biển. Đây là vùng dọc biên giới Việt - Lào có nhiều đỉnh núi cao nhất ở miền Tây Nghệ An. Nhiệt độ trung bình trong năm là 15 - 20 độ C.

Dân số 29.412 người, chiếm 6,72% dân số các dân tộc thiểu số. Người Hmông ở Nghệ An gồm Hmông trắng và Hmông đen, sự phân biệt này được dựa trên một số đặc điểm khác nhau chủ yếu về sắc phục. Bao gồm các họ như: Họ Vừ, họ Sùng,… Đồng bào Hmông thường được các dân tộc khác gọi là người "Mẹo" là cách phát âm nặng của địa phương từ tiếng "Mèo" mà thành. Từ sau khi đổi tên Mèo thành Hmông đồng bào rất phấn khởi vì được gọi đúng tên của mình. 
 


Thiếu nữ dân tộc Hmông ở Kỳ Sơn - Ảnh: Sách Nguyễn

Nét văn hóa…

Gia đình người Hmông là gia đình phụ quyền khá bền vững và sống hòa thuận. Thường ít khi xảy ra hiện tượng ngoại tình hoặc ly dị. Tập quán của người Hmông rất khắt khe với những trường hợp gia đình bất hòa. Nếu người chồng có lỗi thì phải đền tiền tạ lỗi cho bố mẹ vợ. Nếu người vợ có lỗi thì người vợ không được trả về nhà cho mẹ đẻ mà phải đến ở nhờ nhà chức dịch cho đến khi tái giá. Trường hợp chồng chết người vợ phải lấy em trai chồng. Nếu không chịu tuân theo tập quán thì người vợ phải đền tiền dầu cho cha.

Mỗi thành viên trong dòng họ có ý thức phục thù cho dòng họ, mỗi khi dòng họ bị thua thiệt hoặc bị xúc phạm. Người Hmông có "cái lý" của người Hmông. "Cái lý" của người Hmông vừa biểu hiện yếu tố thẳng thắn, trung thực nhưng có lúc cũng thể hiện năng lực ngụy biện cực đoan khá rõ.

Mỗi dòng họ có một cách thờ cúng riêng thể hiện rõ nhất là trong ma chay, cách đặt bát cúng, bài cúng của thầy cúng, cách khiêng người chết, cách đặt mộ... Đặc điểm này đã để lại hậu quả rất đáng quan tâm trong đời sống xã hội hiện nay, về đặc điểm tâm lý người Hmông đậm nét duy lý.

Người con trai trong gia đình được dạy làm quen với lao động từ thuở nhỏ: Từ 10 tuổi trở đi các em đã thạo việc bắn nỏ, sản xuất; 15 tuổi các chàng trai bắt đầu biết các bài cúng tổ tiên và khá thành thạo các nghề cổ truyền. Từ đó các chàng trai được đổi tên theo một nghi thức như lễ thành đinh của người Dao. Từ sau nghi thức này chàng trai có thể "cướp vợ" theo tập quán của dân tộc mình. Trước đây tục cướp vợ phổ biến trong thanh niên dân tộc Hmông. Trong trường hợp cô gái đồng ý thì việc "cướp" chỉ xảy ra như một nghi thức. Trường hợp cô con gái phản đối thì "cướp" để buộc cô con gái phải lấy (thường xảy ra ở những chàng trai nhà giàu) và nhà trai phải trả tiền đền danh dự cho nhà gái. Có trường hợp trai gái đồng tình lấy nhau nhưng cha mẹ cô gái không gả thì họ tổ chức cướp nhiều lần buộc cha mẹ cô gái phải đồng ý.

Hình thái hôn nhân một vợ một chồng còn nặng tàn dư mẫu hệ. Hôn nhân con cô con cậu, con gì con già vẫn còn phổ biến. Ông cậu có vai trò quan trọng trong việc gả cháu gái của mình. Ông ta có vai trò như là người cha thứ hai của cô con gái. Bà cô có vai trò quan trọng trong việc dạy bảo các cháu trai và hướng dẫn tập quán cổ truyền của tổ tiên.

Người Hmông quan niệm có rất nhiều loại ma: Ma trâu (nhiu dáng), ma nhà (xủa cá), ma cửa (xìa mình), ma lơn (bùa dáng), ma bếp (hú sinh), ma lò (khơ trù)... Đồng bào quan niệm mọi vật đều có hồn (pli). Người chết hồn lìa khỏi xác và biến thành ma. Người ta có 3 hồn: 1 hồn ở đỉnh đầu, 2 hồn ở tay. Vì thế người ta kiêng xoa đầu trẻ em và kiêng trẻ em vỗ tay vì sợ hồn đi mất.

Đồng bào Hmông có kho tàng truyện cổ dân gian rất phong phú thể hiện thái độ và tình cảm của mình đối với thiên nhiên, đất nước, con người, về cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, ca ngợi nền giáo dục truyền thống...

Đồng bào quan niệm về vũ trụ tuy còn rất đơn giản nhưng không kém phần độc đáo. Kho tàng dân ca rất phong phú bao gồm nhiều loại: Loại kể chuyện cổ tích, loại kể chuyện tình yêu trai gái, loại giáo dục chàng rể cô dâu mới, loại dùng để cũng ma... Đồng bào có thể kể chuyện bằng văn vần hoặc hát (khúa kê) hoặc thể hiện bằng nhạc cụ dân tộc như khèn, kèn lá, đàn môi, hoặc sáo. Nam nữ thanh niên Hmông yêu đời lạc quan. Dù đi trên những đường dốc đá gập gềnh, chàng trai đi trước múa, thổi kèn, cô gái đi sau múa ô. Ở bản làng của họ đêm đêm tiếng khèn, tiếng đàn môi, kèn lá vang động cả núi rừng. Trai gái Hmông tìm hiểu nhau qua những tiết tấu, nhịp điệu của nhạc cụ ấy. Truyện dài dân gian "Tiếng hát làm dâu" của đồng bào thể hiện chất trữ tình mang tính chất giáo dục, tính nhân đạo sâu sắc... Nhiều sinh hoạt cộng đồng mang sắc thái tộc người rõ nét: Múa khèn của nam và múa ô của nữ trong dịp lễ hội "Gầu Tào", trong đám ma tiến đưa người chết về với tổ tiên. Những trò chơi dân gian cổ truyền, những câu đố vui lưu lại trong lứa tuổi nhi đồng... Những làn điệu hát "Cự Xìa", "Lù tô", "Vàng Hủa" đến thi hát giữa các cặp trai gái thổ lộ tâm tình của những đêm trăng… 

Trong màu sắc của các dân tộc thiểu số ở Nghệ An đa dạng về ngôn ngữ, phong phú về tính cách đặc trưng người Hmông rực rỡ trong trang phục cổ truyền độc đáo càng làm cho bức tranh văn hóa cư dân các dân tộc Nghệ An thêm sinh động và hấp dẫn. Du khách nếu đã một lần đặt chân đến cổng trời, "thung lũng vang" Mường Lống hay Na Ngoi, Huội Giảng... Hẳn không bao giờ quên những ấn tượng đẹp đẽ của thiên nhiên kỳ thú và lòng mến khách của đồng bào Hmông nơi đây.

Tập tục canh tác…

Nền kinh tế “Săn bắt - hái lượm” vẫn còn đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống của đồng bào nhất là ở những cư dân còn trong tình trạng du canh du cư, một bộ phận khá lớn đồng bào Hmông. 

Họ sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nương rẫy. Vì khu vực này có khí hậu ẩm thấp nên xưa nơi đây là những thủ phủ của sản xuất cây thuốc phiện, sau khi được UBND tỉnh Nghệ An hướng dẫn chỉ đạo họ đã chuyển đổi trồng ngô và hoa màu và cây táo mèo.

Trước đây rừng rậm còn nhiều, đất canh tác màu mỡ, nương du canh trồng lúa thường làm từ 5 đến 6 vụ rồi mới bỏ hóa. Sau hàng chục năm phá rừng, hiện nay rừng rậm không còn, tầng đất canh tác mỏng, chu kỳ sản xuất chỉ còn 2 đến 3 vụ. 

Về công cụ lao động đáng chú ý là công cụ bằng sắt đều do đồng bào tự chế. Đồng bào Hmông ở Nghệ An đều ăn cơm gạo tẻ, khác với những người đồng tộc của họ ở Tây Bắc phổ biến chế biến các món ăn từ ngô, điều đó chủ yếu là do điều kiện canh tác ở miền núi Nghệ An có điều kiện thuận lợi hơn ở Tây Bắc.

Chăn nuôi ở đồng bào Hmông khá phát triển. Nhiều gia đình có đàn lợn hàng chục con. Nghề chăn nuôi ngựa và bò phổ biến ở đồng bào này. Việc thu lượm nông thổ sản của núi rừng được coi là một nguồn thu nhập đáng kể trong đời sống của đồng bào. Nhiều sản vật quý có ý nghĩa kinh tế cao như đẳng sâm, cánh kiến đỏ, hà thủ ô, măng, nấm… Săn bắn trở thành một nghề phụ phổ biến đối với hầu hết nam giới từ tuổi trưởng thành.

Việc trao đổi sản vật chỉ là quan hệ đổi chác giữa các cá nhân với nhau chứ chưa trở thành nền kinh tế hàng hóa. Cả một vùng rộng lớn từ Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong sang tận Noọng Hét (Lào)... Ngày nay, vùng này đã có chợ, đồng bào nhanh chóng thích nghi bởi 1 thời hội lễ, mua bán... đã xảy ra xung quanh chợ vùng cao tạo nên nét đặc trưng cho đồng bào Hmông.
 
Thế Thắng 

Bạn đang đọc bài viết "Đặc sắc dân tộc Hmông ở Nghệ An" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.