“Cuộc đua” của sân khấu thành phố Hồ Chí Minh

15/02/2016 21:36

Theo dõi trên

Các đơn vị sân khấu ở TP Hồ Chí Minh trong năm vừa qua đã tham dự tích cực vào những cuộc thi, liên hoan sân khấu toàn quốc.

Với những cố gắng đầu tư cho vở diễn và đoạt nhiều giải thưởng, đã cho thấy nỗ lực rất lớn của các đơn vị. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng sân khấu thành phố đang thật sự có một “cuộc đua” lớn để thu hút khán giả trở lại với sân khấu.
 
 
Cảnh trong vở Nỏ thần của sân khấu kịch Phú Nhuận
 
Sân khấu phía nam đang gặp những thách thức mới do những thay đổi của điều kiện khách quan và chủ quan. Sân khấu cải lương là một thí dụ khi đã có quá nhiều khó khăn trong hoạt động, ít có vở mới, hay và hấp dẫn nên không đủ sức cuốn hút khán giả. Những khán giả sành điệu của cải lương không tìm thấy ở các vở diễn hiện nay sự hấp dẫn về ca và sự điêu luyện, cá tính trong diễn xuất như trước đây vẫn có ở các nghệ sĩ “ngôi sao”… - điều từng khiến họ say mê, trong khi khán giả trẻ hiện không còn mặn mà với cải lương khi có quá nhiều hình thức giải trí khác.
 
Kịch nói với mô hình sân khấu xã hội hóa một thời được đề cao, đã có những đóng góp rất lớn cho đời sống văn hóa của thành phố thì hiện nay, những điểm diễn từng là niềm tự hào của sân khấu thành phố đang rất vất vả để thu hút khán giả, không còn như thời kỳ trước đây. Tần suất đỏ đèn ở các điểm sân khấu đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, các sân khấu diễn đều trong những ngày từ thứ năm đến chủ nhật, thậm chí nếu có vở tốt, họ có thể diễn được cả tuần, còn hiện tại các sân khấu đều phải giảm suất diễn, đơn vị nào mạnh thì cũng chỉ có thể diễn được vào chiều thứ sáu và thứ bảy. Dù có diễn được thì các suất diễn đều giảm lượng vé bán, thậm chí nhiều sân khấu không bán đủ lượng vé tối thiểu để có thể mở màn biểu diễn. Không kể các sân khấu mới ra đời, chưa khẳng định được vị thế thì những sân khấu kỳ cựu, có “thương hiệu” như IDECAF, Sân khấu kịch Sài Gòn, Sân khấu kịch Hồng Vân cũng giảm khoảng 30% số lượng vé bán ra...
 
Dù đánh giá về hoạt động sân khấu trong năm có tích cực hay tiêu cực thì hiện tượng chững lại của sân khấu thành phố là sự thật được mọi nghệ sĩ, người hoạt động sân khấu đồng tình. Phân tích về tình hình này, ý kiến chung đều thừa nhận sự điều tiết tự nhiên của thị trường đã tác động không nhỏ tới hoạt động nghệ thuật nói chung, trong đó có sân khấu.
 
Đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho rằng, với những cách thức vận hành hiện nay thì sân khấu đã nảy sinh những bất ổn khi cứ đi mãi vào những đề tài như kịch ma, đồng tính, tình yêu có tính chất tâm linh… tưởng rằng sẽ ăn khách nhưng giờ cũng đã bị bão hòa. Cả đội ngũ nghệ sĩ đều cố gắng song vẫn loay hoay mãi trong hướng đi sao cho phù hợp. Nhà viết kịch Mỹ Dung thì lại nhận xét, có lẽ do sự “nở nồi” quá của các sân khấu mới, khiến khán giả bị chia ra quá nhiều. Nguyên trong năm 2015, chị đã thấy có tới bốn sân khấu mới khai trương như sân khấu Sen Việt, Minh Béo…, chưa kể các sân khấu kịch cà-phê… Các sân khấu mới ra đời, chưa tìm được hướng đi riêng, chưa có đội ngũ nghệ sĩ tinh hoa, phải tìm tới các diễn viên truyền hình để diễn kịch, giọng không được, diễn không xong. Sự bất ổn từ khâu kịch bản tới nghệ sĩ biểu diễn, rồi cơ sở vật chất khiến chất lượng nghệ thuật của các sân khấu này thấp, gần như dạng kịch truyền hình, không thu hút được khán giả thì chớ, lại còn gây mất niềm tin với công chúng yêu kịch.
 
Đồng tình với nhận xét này, nhà viết kịch Hoàng Song Việt phân tích thêm, khi sân khấu gặp bất ổn, thì từ người quản lý tới các bầu sô đều tỏ ra lúng túng, không có sự định hướng, đưa ra các dự án giúp giải quyết vấn đề. Trong khi đó, khán giả có quá nhiều lựa chọn từ các loại hình mới, nhất là mật độ phát sóng cải lương dày đặc từ truyền hình. Cái đáng buồn là rất nhiều ngôi sao hài, nghệ sĩ nổi tiếng của các sân khấu, là “thương hiệu” nghệ sĩ riêng của từng sân khấu cũng đang bị truyền hình lôi kéo. Như IDECAF ít dần những vở có mặt Lê Khánh, Đại Nghĩa…; kịch Phú Nhuận hiếm hoi các đêm diễn có Thái Hòa, Thanh Vân…; sân khấu Nụ Cười Mới thiếu vắng Hoài Linh, Trường Giang… khiến sân khấu càng khó kéo khán giả. Bên cạnh đó, công việc ngày càng áp lực do kinh tế khó khăn, ảnh hưởng tới việc phân phối thời gian của khán giả. Việc giảm sút lượng khán giả lại khiến sân khấu rơi vào vòng luẩn quẩn khi các sân khấu bị biến tướng, biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Sự đầu tư cho sân khấu vì vậy cũng không được chỉn chu. Là bầu sân khấu thì bài toán kinh doanh vẫn luôn phải đặt ra, có tâm lắm thì họ không làm bát nháo thôi, chứ vẫn phải làm sao để đủ vốn để tái sản xuất. Sân khấu tư nhân thì co hẹp đầu tư, giảm giá thành, đồng nghĩa với việc giảm chất lượng. Đơn vị nhà nước, nếu bị thất bát, cũng sẽ bị cắt bớt kinh phí, thay vì đầu tư đủ hai, ba vở, nay chỉ có thể dựng được một vở hoặc từ chi phí đủ dựng một vở mà chuyển thành dựng hai vở thì chất lượng cũng chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ. Những điều này đã quay ngược lại, đánh vào lượng khán giả vẫn còn trung thành với sân khấu. Chất lượng vở diễn giảm sút sẽ làm mất niềm tin của công chúng, khiến sân khấu dù có tác phẩm hay thì cũng không được công chúng tin tưởng, bỏ tiền ra mua vé vào rạp.
 
Đó là chưa nói tới việc quảng bá cho sân khấu vẫn còn rất yếu. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phát biểu: Phải có kế hoạch quảng bá những tác phẩm mang tính định hướng, có chất lượng nghệ thuật. Như những cuộc thi của cả nghìn nghệ sĩ, kéo dài hàng nửa tháng vậy mà vẫn không có được một chương trình truyền hình trực tiếp. Bên cạnh đó, theo ông, cũng rất cần đầu tư cho cơ sở vật chất để sân khấu thành phố có thể hoạt động thuận lợi và ổn định hơn. Như sân khấu 5B Võ Văn Tần phải đi bộ lên tới tận tầng năm mới có thể xem được. Hay như sân khấu Hoàng Thái Thanh, vốn rất vất vả để tạo dựng thương hiệu cho mình nhưng nay lại phải chuyển tới địa điểm khác, rất hẻo lánh. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, mà lại cứ bắt khán giả chạy theo nghệ sĩ, chạy theo tác phẩm để thưởng thức thì quả là khó chấp nhận… SÂN khấu năng động, nhưng thị trường là sự đào thải, nếu không phấn đấu hướng tới những giá trị, những sự đổi mới ở trình độ cao hơn thì sẽ bị giảm sút. Theo các nghệ sĩ đang hoạt động một cách đầy cố gắng, thì dù muộn, rất cần tới sự tiếp sức từ phía Nhà nước. Các nhà quản lý nên có những biện pháp quyết liệt hơn để cứu sân khấu thành phố. Đầu tư thích đáng cho những tác giả có tài, có tầm thật sự. Tập trung những thành phần tinh túy của các kịch chủng (cải lương, kịch, hát bội) để đưa ra một phương án khả thi nhất, từ đó bắt đầu làm lại từ đầu.
 
Cần có những sự tâm huyết, tìm tòi của cả hệ thống, không chỉ của riêng nghệ sĩ sân khấu mà còn của đại diện khán giả, người làm phê bình để tìm ra giải pháp thu hút khán giả. Trong đó, có thể học tập sân khấu nước ngoài. Sân khấu nước ngoài chủ yếu vẫn là sân khấu tư nhân, họ có cách nào đó để hút khách mà chúng ta vẫn chưa tiếp cận được.
 
Các nhà quản lý, người hoạt động sân khấu vẫn hy vọng vào một đội ngũ nghệ sĩ, nhà viết kịch dù hết sức khó khăn nhưng vẫn đầy tâm huyết với nghề để trụ lại. Họ đều mong muốn, qua những bàn thảo, sẽ có cách tháo gỡ để sân khấu đến với công chúng, lôi kéo công chúng tới với mình qua những tác phẩm hay, giàu tính chuyên nghiệp.
 
Theo Cao Ngọc (nhandan.com.vn)

Bạn đang đọc bài viết "“Cuộc đua” của sân khấu thành phố Hồ Chí Minh" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.