Cúng chữa bệnh – tri thức dân gian của người La Ha

26/09/2016 08:53

Theo dõi trên

Khác với các tộc người khác, đồng bào La Ha chọn phương cách chữa bệnh là những nghi lễ cúng bái.

Tập tục này đã xuất hiện từ lâu đời, khi mà khoa học, y tế còn chưa phát tiển và nó vẫn được kéo dài tới ngày nay. Người thầy cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống cộng đồng của người dân La Ha.

Quan niệm của người dân La Ha về cúng chữa bệnh

Muốn có sức khỏe, thể trạng tốt thì trên cơ thể luôn phải đầy đủ và không bị mất hồn (ky sảm). Người La Ha quan niệm các loài ma hay đi bắt hồn ''ky sảm'' người, vì vậy để có thể trở lên mạnh khoẻ họ phải làm lễ cúng mời ăn, xin hồn ''ky sảm''... trở lại cho con người. Chính vì điều này mà trong dân gian bắt đầu xuất hiện những người có thể gọi được ma, hiểu ma, xuất hồn ''ky sảm'' sang thế giới loài ma, xin chuộc hồn ''ky sảm'' hay còn có thể đánh được ma... người đó chính là thầy cúng. Để làm được tất cả các điều trên người thầy cúng phải học tập nhiều năm cùng với các đồ dùng, dụng cụ hỗ trợ hành nghề.

Người La Ha chia ra làm ba lĩnh vực cụ thể khi làm lễ liên quan, đó là: Thầy cúng (pạu mang), thầy kèn, thầy bói. Cả ba hình thức này đều có liên quan đến việc hành lễ chữa bệnh. Trước khi biết được con ma ''ky dạ'' nào đã làm cho người bị ốm, vật nó đòi ăn gồm những gì? ở đâu? thầy cúng là ai? thì thầy bói có công việc đảm nhiệm cúng hỏi. Sau khi biết được ma và lễ vật người cúng khỏi được chỉ định là ai thì gia chủ tiếp tục mời thầy cúng với lực lượng âm binh phù trợ trải qua những chặng đường đầy gian nan vất vả để xin hồn (chuộc hồn). Theo nội dung bài cúng, thầy kèn rúc lên từng hồi lảnh lót lúc trầm, lúc bổng, lúc xa xăm theo từng bước chân của thầy cúng.



Người La Ha Chuẩn bị lễ vật cúng ma.

Đồng bào dân tộc La Ha tâm niệm ai cũng có linh hồn, khi hồn có đầy đủ ở trên cơ thể thì con người được khỏe mạnh. Ngược lại, nếu thiếu hồn thì thể trạng mỗi người không bình thường như: đau đầu, ốm đau, nói lảm nhảm... Khi đó có nghĩa là ma ''tam ky dạ'' đã bắt hồn của họ. Những đấng siêu nhiên có mặt trong nhà như ma nhà ''ky dạ khôm'' gắn liền với tổ tiên ''pẩu pú''. Ngoài ra còn có ma cộng đồng là ma bản ''ky dạ phán'', ma rừng ''ky dạ trơn'', ma nước ''ky dạ ủng'', ma do người chết vì sinh đẻ ''ky dạ li lăn''... Trong mỗi lĩnh vực cuộc sống như sinh hoạt, làm ăn, đi lại trong và ngoài nhà... Mỗi loài ma ''tam ky dạ'' đều giữ một vai trò nhất định của mình, họ phù hộ, giúp đỡ chúng sinh để có được cái ăn, cái mặc, gặp nhiều may mắn. Họ tôn trọng các vị thần linh, thành kính dâng lên các vị thần sau những vụ mùa. Ngược lại trong các ngày thường nếu không may ai đó phạm tới các ma, làm cho ma đói thì ma sẽ bắt hồn để người nhà phải cúng cho ma ăn, và phải xin chuộc hồn trở về…

Trong tâm thức người La Ha thì ai cũng có hồn ''ky sảm''. Mỗi con người gồm 5 hồn chính: hồn đầu ''sảm kháy''(là hồn gốc); hồn mắt ''sảm tá''; hồn mũi ''sảm nhẹt''; hồn miệng ''sảm món''; hồn chân tay ''sảm khậu ma''. Nếu ai thiếu một trong 5 hồn đó sẽ phải cần tới sự trợ giúp của người hành nghề tôn giáo. Khi thể trạng có dấu hiệu bất thường gia chủ phải mời thầy bói về bói hỏi xem bị ma nào làm hại. Trước hết phải chuẩn bị một con gà cùng với một số đồ lễ khác liên quan tới mâm cúng: gà, trứng, áo của người ốm và một số dụng cụ hành nghề khác của nhà thầy.

Nghi thức cúng chữa bệnh

Với các bệnh thường gặp, người bói phải thức hồn người dậy rồi hỏi bói, đầu tiên là ma nhà ''ky dạ khôm'' hoặc ma tổ tiên ''hoóng''. Đây là ma quan trọng nhất trong tâm thức của người La Ha. Sau ma tổ tiên là một số loại ma khác. Những loại ma này hay bắt người đi làm hay đi chơi để đòi ăn. Sau khi biết được chính xác tên loài ma bắt hồn người thì gia đình của người bị bệnh cho người đi đón thầy cúng tới nhà. Đối với “ma nhà” và “ma người chết vì đẻ” họ thường cúng gà, lợn. Ma sông suối hay còn được gọi là ma nước thì vật cúng sẽ là vịt còn ma rừng vật dâng cúng lại là chó hoặc dê. Trong số các loại ma trên có ma sông suối (ma nước) ''ky dạ ụng'' có thể cúng ngay tại nơi có hồ, ao, dòng chảy.

Tương tự như lễ vật dùng để cúng tế cho từng loại ma, thì đồ dùng hành nghề cũng như vậy. Trong mâm cúng chữa bệnh bao giờ họ cũng cúng mời ma cần cúng trước là về ăn tại thời điểm chưa mổ lễ vật dâng cúng. Sau khi chế biến và chuẩn bị xong thì mới thực hiện bài cúng chính thức được đi kèm với thầy kèn. Phần kết thúc sẽ là cúng bảo vệ con nuôi, phần cúng này còn phải tùy theo loại ma trong nhà hay ma ngoài nhà.



Nghi thức cúng ma.

Sau lễ cúng chủ nhà bày mâm tiệc rượu mời thầy cúng, anh em, mọi người xóm làng đã đến giúp đỡ, tiếp sức cho người bệnh. Mâm cơm được bày chính giữa gian khách. Trong bữa ăn người ta nâng chén chúc mừng thầy cúng, gia chủ, người bệnh nhanh khỏi. Tiếp đó thì người mẹ hay gia chủ mang những sợi chỉ mầu đen, đỏ hoặc dây vải đưa cho mỗi người một chiếc. Sau chén rượu, lần lượt từng người đem dây đó buộc vào cổ tay hoặc cổ chân kèm theo chút tiền là lời chúc cho người bệnh nhanh chóng được khỏe mạnh... Khi kết thúc bữa ăn, mọi người xin phép ra về, chủ nhà cho người cầm ''tà leo'' và một cọc nhỏ, đầu buộc sợi dây màu đỏ đem cắm tại hai lối lên cầu thang của ngôi nhà và kèm theo một nắm cành lá xanh để ngăn cấm không cho ma xấu, không cho người lạ có vía độc vào nhà làm tổn thương tới linh hồn của người bệnh. Thời gian cấm trong bao lâu là phụ thuộc vào cách bói, cách chữa trị của thầy cúng.


Thầy cúng giả làm khỉ cúng chữa bệnh.

Tín ngưỡng liên quan đến chữa bệnh của người La Ha bao hàm nhiều yếu tố nghệ thuật biểu diễn, các bài diễn, trò diễn, phản ánh trong lễ cúng như giả làm con khỉ vồ hoa chuối, giả làm người ăn xin, giả làm con nai cọ vào cây móc, giả làm con cáo vồ gà, giả làm trâu kéo cày… gắn liền với thực tế cuộc sống của người dân, những tri thức dân gian này phản ánh nguồn gốc tạo nên những sắc thái văn hoá đặc sắc của tộc người La Ha.

(Theo Làng Việt Online)

Đỗ Hoàng
Bạn đang đọc bài viết "Cúng chữa bệnh – tri thức dân gian của người La Ha" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.