Tiếng vọng thuở hồng hoang
Tích kể, xưa đây là một thung lũng đẹp, đắc địa nên dân làng quây quần sinh sống rất đông. Con sông Rào Cái vươn dòng thành 5 nhánh, hệt như 5 con rồng kiêu hãnh uốn quanh bản làng, đưa nước mát về phục vụ muôn dân.
Năm ấy mưa thuận gió hoà, chúa đất Khăm Ta tổ chức lễ cưới Đăm Khơi (lễ cưới rể) cho con gái trong bản. Nàng J Leeng hăm hở búi tóc, sửa sang áo đẹp ra bờ sông đón chồng. Đằng nhà trai ở bên kia bờ cũng rộn ràng mâm lễ, chuẩn bị xuống bè qua rước dâu. Chàng rể Thông Ma đóng khố đỏ như hoa chuối rừng, ngẩng đầu trông sang phía J Leeng trìu mến. Chiếc bè đang chống đột nhiên lắc lư, nghiêng ngả khiến chàng mất đà ngã dúi. J Leeng thoáng thấy hốt hoảng lao xuống cứu chồng nhưng gặp dòng nước dữ. Thông Ma lặn lội suốt ba ngày không tìm được người yêu, thẫn thờ như mất hồn.
Già làng Pa Loóc thương đôi trẻ mới an ủi: “Sông Rào Cái có con thuồng luồng to lắm, con trâu con bò nó còn nuốt được huống chi người. Mày đừng tìm nữa, con J Leeng bị thuồng luồng bắt rồi, không về được nữa đâu...” Thông Ma nghe thế buồn lắm, ôm hận trong lòng ngày đêm trách mình. Cuối cùng chàng quyết chí diệt cho được con quái vật độc ác. Nhưng tìm mãi không thấy, Thông Ma bèn nghĩ kế lấp cửa hang nơi thuồng luồng đang ẩn nấp. Chàng vào rừng đẵn cây gỗ to nhất làm đòn gánh, rồi chọn 2 hòn đá núi khổng lồ đủ sức bít cửa hang. Trên đường về bất ngờ đòn gánh gãy đôi. Hai tảng đá nặng quá rơi xuống, cụng đầu nhau tạc thành mái vòm. Thông Ma kiệt sức, buồn rầu nhiều ngày rồi chết. Cái tên Cổng Trời ra đời từ đó, để tưởng nhớ chàng trai có sức vóc khoẻ như trời, chung thuỷ như đất ấy.
Nay, đứng dưới vòm hang Cổng Trời, bạn sẽ thấy mình vô cùng nhỏ bé. Thử dùng hai tay bắc loa gọi, bạn sẽ nghe tiếng mình dội vào vách đá rồi ngân đi rất xa. Như thể tiếng ngàn xưa vọng về.
Thăm thẳm đường lên
Từ khu vực Cộn (Đồng Hới), tôi theo đường mòn Hồ Chí Minh ngược ra Bắc. Chạy xe miết mải chừng 170km thì lên tới Cổng Trời. Một con đường khác bạn có thể đi là chạy dọc Quốc lộ 1A từ thành phố Đồng Hới ra thị xã Ba Đồn (huyện Quảng Trạch), rồi từ đó theo Quốc lộ 12A lên huyện Minh Hoá. Hành trình nào cũng dài và xa, nhưng bù lại cảnh vật rất nên thơ, tuyệt sắc. Hai bên núi non cao vợi, điệp trùng. Chuối rừng xanh ngút mắt. Những cây đoác trơ thân trắng loá cả một mảng rừng lớn.
Ai đó nói cung đường 12A đoạn lên Cổng Trời là vị trí đẹp nhất để thu toàn cảnh Giăng Màn - dãy núi cao nhất Quảng Bình vào tầm mắt thật không sai. Trưa đứng bóng nhưng sương mù còn bao phủ, y hệt tấm màn buông. Mây đùn lớp lớp, lượn lờ quanh núi như sóng. Dãy Giăng Màn còn gọi là dãy Pou - Ác, với đỉnh Phi - Cô - Phi được xem là “trấn sơn” (núi chủ) có độ cao 2017m. Đường sống núi quanh co, khúc khuỷu nép bên vực sâu hun hút. Sườn dốc cheo leo 30 - 40 độ.
Nơi biên giới Việt - Lào này, Cổng Trời nằm ở Km 36 - Km 37,5 trên trục đường 12. Đây là điểm di tích lịch sử - văn hoá thuộc hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại. Cửa vòm cao đủ lọt một chiếc Zin ba cầu. Bên trái là vực thẳm, bên phải là vách núi hiểm trở. Cổng Trời sừng sững chính giữa, không ai biết nó đã bao nhiêu tuổi mà dáng vẻ hiên ngang, bất khuất đến thế.
Những năm chống Mỹ, với khẩu hiệu “Tim còn đập, đường không tắc”, hàng ngàn thanh niên xung phong trên đất thép Quảng Bình đã ngày đêm bạt núi xẻ đồi cho xe tăng, thiết giáp xông lên. Họ không quản khó khăn băng rừng, đội mưa mở tuyến cho pháo binh chuyển tiếp, mặc bom đạn gầm thét ầm ĩ trên đầu. Máu đã chảy, xương đã rơi nhưng anh em vẫn kiên cường chiến đấu. Nơi miền Tây Trường Sơn heo hút này, quân ta đã đánh cho kẻ địch tan tác, hồn xiêu phách lạc. Trăm xác máy bay vỡ tan. Lũ giặc lái tự nộp mình còn run thon thót. Cổng Trời đã chứng kiến tất cả: những trận giao tranh đẫm máu, lòng trung thành với đất nước, trái tim nhiệt huyết không ngại sống chết của bao thế hệ thanh niên xung phong bấy giờ. Bởi nó là cụm trọng điểm bị không quân Mỹ bắn phá ác liệt từ 1965 - 1973, ghi dấu trận địa pháo phòng không nổi tiếng của tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân anh hùng.
Cùng với đèo Mụ Giạ, Bãi Dinh, La Trọng, đồi 37... Cổng Trời là điểm đến không thể bỏ qua nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử đường Hồ Chí Minh. Từ đây chạy thẳng 3km nữa sẽ tới cửa khẩu quốc tế Cha Lo, nối đất Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào.
Khám phá Cổng Trời - Cha Lo, bạn đừng quên thăm các bản làng của người dân tộc Mã Liềng, Sách, Khùa, Mày sinh sống dưới chân núi Giăng Màn. Hãy ghé những nếp nhà đơn sơ lúp xúp chen vai dưới núi và tìm hiểu đời sống, phong tục độc đáo như tục giỗ sống của người Nguồn, lễ cột hồn (buộc chỉ tay) đầu năm mới linh thiêng của người Khùa... để hiểu hơn vì sao cõi đất thiêng này được đồng bào muôn đời tôn kính.