Có hay không việc “chạy” trong xét tặng danh hiệu nghệ sĩ?

31/07/2015 22:11

Theo dõi trên

Loạt bài dưới đây sẽ tiếp cận sự việc qua ý kiến của nhiều người trong cuộc, qua hồ sơ của một số nghệ sĩ được coi là “có vấn đề” và qua các văn bản quy định hiện hành về việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND.

Đến hẹn lại lên, kỳ xét tặng danh hiệu nghệ sĩ (NSƯT, NSND) nào cũng trở thành chủ đề “nóng” không chỉ đối với những người trong nghề mà cả với dư luận xã hội. Có hay không việc “chạy” danh hiệu, có hay không việc phủ nhận công lao, thành tích đóng góp của một số nghệ sĩ khiến nhiều người đủ huy chương mà vẫn bị “đánh trượt”, còn người chưa đủ huy chương thì lại được xét tặng...
 
Những dư luận như thế đã làm tổn thương chính người trong cuộc là các nghệ sĩ, mà giọt nước tràn ly là thông tin có người được xét danh hiệu “phải cảm ơn mỗi thành viên hội đồng ít thì 10 triệu, nhiều thì 20 triệu và với danh hiệu NSND thì còn hơn thế”.
 
Khi thể hiện loạt bài viết này, những người thực hiện không thể tránh khỏi việc nhắc đến hoặc dẫn ra tên tuổi và thành tích của một số nghệ sĩ cụ thể...
 


Một số bài báo và các trang báo mạng đã lên tiếng xung quanh việc “chạy” danh hiệu càng làm cho các nghệ sĩ và công chúng hoang mang
 
Kỳ 1: "Huy chương Bạc không được xét tặng cũng như quy đổi trong việc phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân"
 
Thời gian qua, sau khi biết mình không nằm trong danh sách được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND năm 2015, NSƯT Chí Trung và một số nghệ sĩ khác đã có những trải lòng trên báo chí. Trên một tờ báo, NSƯT Chí Trung khẳng định từ năm 1997 tới nay, anh đã có 2 HCV và 2 HCB, 21 lần đạt danh hiệu nghệ sĩ thi đua của nhà hát, ba lần cấp Bộ, được Thủ tướng Chính phủ khen tặng. 

Năm 2013, anh đoạt HCV tại Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ và đặt câu hỏi: “Liệu có phải tiêu chí xét tuyển danh hiệu NSND đang khá mù mờ, rắc rối và chưa công tâm? Bởi thực tế có những người không giành HCV nào vẫn đạt danh hiệu này. Có nhiều nghệ sĩ được phong tặng mà công chúng không biết họ là ai”. Bên cạnh đó cũng có nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho nghệ sĩ và một số nghệ sĩ khác thường xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên truyền hình...

Trong “Bản quy đổi thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015” đối với các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ, ở phần NSƯT Phạm Chí Trung ghi: HCB vai Trần Thủ Độ trong vở Rừng trúc (2000), HCB vai Quân trong vở Ngoại phạm (2005), HCB trong Ai sợ ai (2009), HCB vai ông Lê trong Đàn ông cũng khóc (2012), HCV Đạo diễn xuất sắc nhất vở Mùa hạ cuối cùng (2013).

Theo cách quy đổi thành tích tại văn bản này thì mỗi HCB được quy đổi thành 1/2 HCV, giải Đạo diễn xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN bằng 1/2 HCV và như vậy nghệ sĩ có đủ điều kiện để xét tặng NSND (với tổng số là 2,5 HCV).

Để hiểu đúng về vấn đề này, NSND Bùi Đắc Sừ, thành viên của Hội đồng cấp Bộ đã trao đổi với P.V như sau: “Tôi cho rằng báo chí cũng như một số nghệ sĩ đang có sự lầm lẫn về danh hiệu, đó là tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND là phải có 2 HCV quốc gia sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT, Huy chương Bạc sẽ không được xét tặng cũng như quy đổi.
 
Việc quy đổi 2 HCB tương đương 1 HCV chỉ xét tặng ở danh hiệu NSƯT thôi. Trường hợp của NSƯT Chí Trung, anh ấy chỉ đoạt 4 HCB và 1 giải đạo diễn. Giải Đạo diễn xuất sắc do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN trao được tính theo Bảng quy đổi giải thưởng kèm theo Nghị định 89 là 3/4 HCV quốc gia (chứ không phải chỉ bằng 1/2 như quy đổi của NHTT - P.V) và vì thế NSƯT Chí Trung không đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu NSND đợt này.
 
Hay trường hợp nghệ sĩ Thanh Ngoan từ năm được phong danh hiệu NSƯT đến nay mới chỉ có 1 HCB tại LH nghệ thuật Chèo truyền thống toàn quốc 2001, không có HCV thì sao đủ điều kiện để xét danh hiệu? Còn trường hợp NSƯT Tự Long không cần có sự đặc cách nào bởi từ sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT, Tự Long đã có 3 HCV”.

Cách giải thích căn cứ vào Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (điều 8 Nghị định 89/2014/ NĐ-CP) và Phụ lục II Bảng quy đổi giải thưởng kèm theo Nghị định này thì ngay từ hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND đã lý giải vì sao NSƯT Chí Trung, NSƯT Thanh Ngoan và một số NSƯT khác đã không còn tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND ở Hội đồng cấp Bộ và cũng lý giải vì sao NSƯT Tự Long đủ điều kiện để đề nghị xét tặng danh hiệu NSND đợt này.

Tương tự, căn cứ vào quy định này thì Hội đồng cơ sở Nhà hát Kịch VN đề nghị 3 trường hợp xét tặng danh hiệu NSND: NSƯT Anh Tú, NSƯT Tuấn Hải và NSƯT Lệ Ngọc.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch VN, Chủ tịch Hội đồng cơ sở Nhà hát Kịch VN cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc vì việc báo chí đưa ra những ý kiến rất thiếu cơ sở và thông tin hoặc đưa những ý kiến và ghi là “giấu mặt”. Hội đồng Nhà hát Kịch VN đưa ra 3 trường hợp và khi đã đặt bút ký đề nghị chúng tôi đều phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình…
 
Dư luận đề cập nhiều tới trường hợp NSƯT Tuấn Hải và NSƯT Lệ Ngọc và có ý kiến so sánh những đóng góp, công lao của họ không bằng các NSƯT Chí Trung, NSƯT Minh Hằng là hoàn toàn cảm tính. Hai nghệ sĩ Tuấn Hải và Lệ Ngọc không xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình, thế nhưng không phải vì thế mà phủ nhận những đóng góp của họ đối với đơn vị mà họ đang làm việc đã mấy chục năm qua.
 
Đặc biệt, trong hai năm gần đây, hai nghệ sĩ này đã cùng với Ban giám đốc của Nhà hát Kịch VN cũng như tập thể các nghệ sĩ khôi phục lại thương hiệu của đơn vị. NSƯT Lệ Ngọc còn được bầu chọn là cá nhân tiêu biểu xuất sắc của ngành VHTTDL năm 2014. Về thành tích cả hai nghệ sĩ này đều đủ số lượng HCV để xét tặng danh hiệu, đây là lý do mà Hội đồng cấp Bộ đưa họ vào danh sách đề nghị”. 
 
Trong hồ sơ xét tặng danh hiệu của NSƯT Tuấn Hải và NSƯT Lệ Ngọc còn có Giấy xác nhận của Cục Nghệ thuật biểu diễn chứng nhận kết quả giải thưởng của hai nghệ sĩ tại LH Diễn đàn Sân khấu Trung Quốc ASEAN lần thứ I năm 2013 và năm 2014 là tương đương với HCV tại LH Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Giám đốc Nguyễn Thế Vinh cũng cho biết là việc xét giải thưởng quốc tế này cũng đã được chấp thuận với nhiều nghệ sĩ khác của Nhà hát Múa rối VN, Nhà hát Chèo VN (hai đơn vị này cũng đã tham gia các cuộc LH quốc tế nói trên).
 
Trong đợt xét tặng lần này, cũng có trường hợp NSƯT vẫn được đề nghị xét tặng NSND mà không cần có đủ số lượng huy chương như NSƯT Thanh Trầm vì bà đã hết tuổi lên sân khấu biểu diễn nhưng uy tín nghề nghiệp và cả sự nghiệp đào tạo nghệ thuật cũng như thâm niên gắn bó cống hiến cả đời của bà đã đủ để xét tặng. Nói như vậy để thấy việc xét tặng không chỉ căn cứ vào số lượng đủ hay không đủ huy chương mà còn dựa trên các tiêu chuẩn khác.

Thể hiện sự khác biệt giữa NSND với NSƯT

Trong “Bản quy đổi thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015” của NSƯT Phạm Chí Trung ghi rõ: HCB vai Trần Thủ Độ trong vở Rừng trúc (2000), HCB vai Quân trong vở Ngoại phạm (2005), HCB trong Ai sợ ai (2009), HCB vai ông Lê trong Đàn ông cũng khóc (2012), HCV Đạo diễn xuất sắc nhất vở Mùa hạ cuối cùng (2013). Tuy nhiên, căn cứ khoản 4 Điều 8 của Nghị định 89/2014/NĐ-CP ngày 29.9.2014 Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và Bảng Quy đổi giải thưởng được ban hành kèm theo Nghị định thì NSƯT Phạm Chí Trung không đủ tiêu chuẩn xét tặng NSND vì anh đã không có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi đã có danh hiệu NSƯT.
 
Nghiên cứu các quy định của Nghị định 89/2014/NĐ-CP và Bảng Quy đổi giải thưởng kèm theo Nghị định này thì sẽ nhận thấy rằng khi xét tặng danh hiệu NSND, ở phần giải thưởng Hội đồng các cấp, đặc biệt là Hội đồng cấp Bộ trở lên sẽ chỉ xét HCV quốc gia, giải Nhất, giải A đối với các nghệ sĩ đã có danh hiệu NSƯT (trừ những trường hợp được đề nghị xét đặc cách). HCB sẽ không được xét tặng cũng như không được quy đổi làm điều kiện xét tặng NSND.
 
“Việc được lấy HCB cũng như cho quy đổi HCB chỉ để xét với danh hiệu NSƯT, còn với danh hiệu NSND thì chỉ căn cứ vào HCV, giải Nhất, giải A để xét hoặc quy đổi rõ ràng là cần thiết vì nó thể hiện sự khác biệt, thể hiện đẳng cấp khác nhau của hai danh hiệu này”, một nghệ sĩ trao đổi với phóng viên Văn Hóa.

Giám đốc Nhà hát kịch VN Nguyễn Thế Vinh: Xin “vạch mặt, chỉ tên” để bảo vệ nghệ sĩ

Tôi rất buồn và rất không đồng tình với việc dư luận so sánh công lao đóng góp giữa nghệ sĩ này với nghệ sĩ khác, vô hình trung sự so sánh ấy đã làm tổn thương đến người bị so sánh vì mỗi người có những cách thức đóng góp khác nhau. Và việc cho rằng các thành viên Hội đồng xét tặng bị “mua” là thông tin thiếu căn cứ, không thể hồ đồ nhận định như vậy nếu chưa có căn cứ pháp lý cụ thể. Những lùm xùm đáng tiếc mỗi đợt phong tặng danh hiệu, các nghệ sĩ thi nhau có tiếng nói cho mình và hạ thấp người khác là điều rất không nên. Làm như vậy sẽ làm xấu đi hình ảnh người nghệ sĩ không chỉ trong mắt đồng nghiệp mà còn với công chúng, với dư luận. Với tư cách là một thành viên hội đồng cấp cơ sở, tôi nghĩ rằng các thành viên của bất cứ hội đồng nào cũng khó có thể bán rẻ tư cách của mình vì đồng tiền. Còn nếu có thì xin hãy vạch mặt, chỉ tên rõ ràng để pháp luật xử lý và để bảo vệ danh dự cho các nghệ sĩ chân chính được phong tặng.


NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Đề nghị cơ quan chức năng làm rõ

Có tờ báo đưa ra thông tin cho rằng việc cảm ơn mỗi thành viên trong hội đồng ít thì 10 triệu và nhiều thì 20 triệu đối với danh hiệu NSƯT và nếu NSND còn hơn thế. Nếu nói như thế thì mỗi một đợt xét ở 1 cấp hội đồng thì cá nhân đó phải trả tới gần 600 đến 700 triệu đồng tiền cảm ơn. Việc xét tặng danh hiệu phải qua 4 cấp, cấp cơ sở từ 5 đến 7 thành viên, cấp Bộ là 14 thành viên và trên nữa là cấp quốc gia còn nhiều hơn… Liệu cá nhân đó có đủ sức “chạy” giải qua 4 cấp Hội đồng xét duyệt kĩ lưỡng, tiếp cận được tất cả các thành viên trong hội đồng hay không? Với quy định phải được 90% ý kiến đồng ý mới đạt, vậy không lẽ tất cả các thành viên trong các hội đồng đều “ăn tiền đút lót” hay sao? Mỗi thành viên trong Hội đồng xét tặng đều có nhận xét trong từng bản đánh giá cá nhân từng nghệ sĩ để thể hiện trách nhiệm của họ. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ thông tin "về việc có tiêu cực trong xét tặng" là thông tin đúng hay sai để bảo đảm uy tín và danh dự cho các thành viên hội đồng.
 
Theo Nhóm P.V (Báo Văn Hóa)

Bạn đang đọc bài viết "Có hay không việc “chạy” trong xét tặng danh hiệu nghệ sĩ?" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.