Chủ tịch nước: Vĩnh Phúc thành công phát triển công nghiệp, không để hoạt động của các doanh nghiệp bị đứt gãy do dịch bệnh

07/09/2021 20:47

Theo dõi trên

Chiều 7/9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thăm, làm việc tại Vĩnh Phúc.

nguyen-xuan-phuc-tham-vinh-phuc3-1631022348.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt thầy và trò Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh

Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Kim Sơn, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Làm việc với Chủ tịch nước có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Vĩnh Phúc cần dựa vào nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển mới

Trước khi làm việc với tỉnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, động viên, chúc mừng thầy và trò Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc nhân dịp năm học mới 2021-2022.

Sau khi nghe thầy Hoàng Mạnh Du, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Vĩnh Phúc báo cáo tóm tắt thành tích 24 thành lập và phát triển, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc  cho rằng, với những kết quả xuất sắc trong dạy và học của nhà trường nói riêng, của ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, đây là cơ sở để Vĩnh Phúc phát triển dựa vào nhân tài, dựa vào nhân lực chất lượng cao, dựa vào lao động có kỹ năng là mũi nhọn, là động lực mới để phát triển bền vững.

Trung học Phổ thông chuyên Vĩnh Phúc thành lập từ năm 1997, cùng thời điểm tái thành lập tỉnh. Sau 24 năm xây dựng và phát triển, tính đến năm học 2020-2021, Trường có trên 1.300 giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 60 giải nhất, gần 370 giải nhì; có 26 giải quốc tế và khu vực với 4 huy chương vàng, 7 huy chương bạc. Nhân lực từng học tập tại trường trước đây, hiện đều là những nhân lực chất lượng cao làm việc ở cả trong và ngoài nước. Năm học vừa qua, dù trong bối cảnh dịch bệnh, trường vẫn có 82 học sinh giỏi quốc gia.

Nhờ quan tâm đến lĩnh vực giáo dục mà hiện Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có nền giáo dục phát triển đứng nhóm đầu cả nước. 10 năm gần đây, điểm trung bình các bài thi đại học, quốc gia, tốt nghiệp của Vĩnh Phúc luôn đứng nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước, trong đó, Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc có nhiều đóng góp quan trọng.

Phát biểu với thầy và trò nhà trường, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Trường có nhiều thành tích xuất sắc trong dạy và học, là tiền đề tiếp tục năm học mới này. Chủ tịch nước đánh giá cao thầy và trò nhà trường đã nỗ lực vượt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh để đạt thành tích cao.

Chủ tịch nước đánh giá, Vĩnh Phúc là địa phương giàu truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng, quê hương của các khoa bảng, luôn nằm trong nhóm đầu cả nước về thành tích chất lượng giáo dục toàn diện. Chủ tịch nước đánh giá cao Vĩnh Phúc luôn dành nguồn lực đầu tư lớn cho giáo dục, chiếm khoảng 20% ngân sách địa phương, có huyện lên tới trên 30%. Trong thành tích giáo dục đó, Chủ tịch nước đánh giá, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc chính là một điểm sáng. 

Bước vào năm học mới 2021-2020, Chủ tịch nước yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo nói chung, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng cần nỗ lực vượt khó khăn, đặc biệt hệ thống trường chuyên phải trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, trong đó có trưởng Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc.

Theo đó, Chủ tịch nước gợi ý hướng phát triển cho tỉnh Vĩnh Phúc: "Cũng như bất cứ một quốc gia nào hay một địa phương nào, đã đến lúc Vĩnh Phúc phải coi phát triển kinh tế dựa vào nhân tài, dựa vào nhân lực chất lượng cao, dựa vào lao động có kỹ năng là mũi nhọn, là động lực mới để phát triển bền vững. Phải xác định nhân tài, nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần định hình lợi thế phát triển mới của Vĩnh Phúc, đóng góp thực hiện tầm nhìn 2045 là quốc gia phát triển có thu nhập cao và thăng tiến mạnh mẽ chỉ số phát triển nguồn nhân lực. Giáo dục đào tạo phải thực hiện định hướng đó đề đào tạo nguồn nhân lực".

Đối với Trường PTTH chuyên Vĩnh Phúc, Chủ tịch nước yêu cầu cần quan tâm giáo dục đào tạo toàn diện, coi trọng giáo dục đạo đức, kiến thức kỹ năng mềm cho học sinh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Trường cần đi đầu nâng cao chất lượng đào tạo thông qua hình thức khác nhau, đặc biệt và hợp tác quốc tế, cập nhật nội dung chương trình học, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp dạy. Đặc biệt Trường cần đi đầu trong đổi mới các hình thức quản trị dạy và học mới thích ứng với thời đại công nghệ số, nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ và tin học.

nguyen-xuan-phuc-tham-vinh-phuc1-1631022348.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 100 triệu đồng cho quỹ khuyến học Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh

Nhân dịp này, Chủ tịch nước mong muốn các thầy cô giáo các trường chuyên cả nước nói chung, Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc nói riêng tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy để xứng đáng là niềm tự hào ngành giáo dục Vĩnh phúc và cả nước.

Chủ tịch nước mong muốn các em học sinh không ngừng tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức, nuôi dưỡng khát vọng, phấn đấu để tạo dựng hành trang vững chắc bước lên bậc thang cao hơn. Các em học sinh hãy nuôi dưỡng “dòng suối” tuổi trẻ bằng sự đam mê học hỏi, bằng trí óc sáng tạo và đó là con đường đưa đến những thành công lớn trong cuộc đời, đóng góp vào sự phát triển quê hương, đất nước.

Chống dịch hiệu quả để thực hiện mục tiêu kép, hoạt động của các doanh nghiệp không bị đứt gãy

Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế -xã hội và phòng chống dịch Covid-19. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trình bày nêu rõ, bước vào năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của tỉnh, Vĩnh Phúc lại là 1 trong những địa phương đầu tiên chịu tác động của dịch Covid-19 từ ngày 30/4/2021, khởi đầu làn sóng dịch bệnh thứ tư của cả nước.

Trong bối cảnh đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để đạt được mục tiêu kép. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng 2021 của Vĩnh Phúc đạt 14,21% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh kể từ năm 2015 trở lại đây, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước.

Đặc biệt, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp tại tỉnh và các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất, cung ứng và lao động nhưng 8 tháng của năm nay, các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh, không doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh phải ngừng hoạt động. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng 15,23%, cao gần gấp 3 lần bình quân cả nước (cả nước tăng 5,56%), với 14/24 ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao. Thu hút đầu tư FDI tăng 95,9% so với cùng kỳ; DDI tăng 59,3% cùng kỳ. Tổng thu ngân ước đạt 23.220 tỷ đồng, đạt 76% dự toán và tăng 31% cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa – xã hội  của tỉnh tiếp tục được quan tâm và có những tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm.

nguyen-xuan-phuc-tham-vinh-phuc2-1631022348.jpg
Quang cảnh buổi làm việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh

Biểu dương, chúc mừng những thành tích toàn diện mà Vĩnh Phúc đạt được trong những năm qua, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến những thành công của Vĩnh Phúc trong phát triển công nghiệp, duy trì chuỗi sản xuất, không để sản xuất công nghiệp, hoạt động của các doanh nghiệp bị đứt gãy do dịch bệnh.

Đặc biệt, tỉnh luôn duy trì trong top dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 10 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Nhờ đó, tỉnh có nguồn thu lớn, có điều kiện chăm lo hơn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân và là một trong 3 địa phương dẫn đầu về nguồn thu của đồng bằng Bắc Bộ, đây là niềm vui, niềm tự hào của tỉnh và là minh chứng rõ nét cho thấy vai trò quan trọng của Vĩnh Phúc đối với khu vực kinh tế vùng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Vĩnh Phúc cần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, thu hút được những tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia có công nghệ hiện đại, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi, phát triển nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; quan tâm đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo, đẩy mạnh sự nghiệp trồng người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, hiện Vĩnh Phúc có 2 thành phố, dân trí cao nhưng tốc độ đô thị hóa còn chậm. Do đó, tỉnh cần cố gắng phát huy những kinh nghiệm phát triển, trật tự, động lực tăng trưởng, tìm kiếm những động lực mới theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, lấy nông thôn làm tiền đề để điều chỉnh diện mạo đô thị. Vĩnh Phúc cần tăng cường công tác chỉ đạo, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong phát triển kinh tế; xác định rõ tầm nhìn mang tính chiến lược, tính hấp dẫn của tỉnh trong tương lai; có tinh thần đổi mới dài hơi, tính toán, chọn lọc để phát triển.

Vĩnh Phúc cần quan tâm đến hạnh phúc của người dân và phải làm rõ nội hàm hạnh phúc thực sự của người dân là gì, từ đó xây dựng và có cơ chế, chính sách triển khai thực hiện cụ thể. Phát triển kinh tế hài hòa giữa khu vực đô thị với nông thôn theo hướng khoa học, phát triển bền vững. Nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh, giữ vững sự bình yên cho cuộc sống nhân dân. Đồng thời trong bối cảnh hiện nay, Vĩnh Phúc phải quyết liệt phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng.

nguyen-xuan-phuc-tham-vinh-phuc4-1631029258.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Thanh Nga

Chủ tịch nước chúc Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Vĩnh Phúc đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, thực hiện thắng lợi, thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và khẳng định: Nhiệm kỳ mới, tỉnh Vĩnh Phúc luôn kiên định mục tiêu trong phát triển kinh tế, lấy phát triển công nghiệp, trong đó lấy công nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy là nền tảng, công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ là động lực phát triển. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ cũng là mục tiêu để tỉnh hướng tới phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm thiết thực của Chủ tịch nước, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương để kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Tiến Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Chủ tịch nước: Vĩnh Phúc thành công phát triển công nghiệp, không để hoạt động của các doanh nghiệp bị đứt gãy do dịch bệnh" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.