Chốt thép Nhơn Hưng

26/08/2015 10:20

Theo dõi trên

Tôi về thăm lại “Chốt thép Nhơn Hưng”, nơi được mệnh danh là “cái nôi cách mạng” của huyện biên giới Anh hùng Tịnh Biên (An Giang).

Đi trên con đường tráng nhựa, dưới bóng mát của những hàng dừa, hàng thốt nốt, nhà cửa hai bên đường khang trang, những em học sinh đang tung tăng đến trường… Tôi cảm nhận được sự yên bình và sức sống mới trên vùng đất anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Nhơn Hưng hôm nay đang đổi thay từng ngày…

Chốt thép anh hùng

Trong những ngày này, tôi về lại Nhơn Hưng để lắng nghe các cô chú cựu chiến binh kể những câu chuyện oai hùng một thời máu lửa trên những tuyến chốt biên giới của quân dân Nhơn Hưng đánh lui bọn diệt chủng Pôn Pốt giữ vững Nhơn Hưng.



Chú Lê Văn Be, nguyên Xã Đội trưởng xã Nhơn Hưng (1980 -1982) kể lại: Sau giải phóng miền Nam, niềm vui xum họp gia đình, hòa bình yên ổn làm ăn chưa lâu thì biên giới Tây Nam lại vang lên tiếng súng, những ngày đầu chỉ là đánh lẻ tẻ, pháo kích nhưng cũng làm cho tình hình biên giới luôn bất ổn. Đến ngày 30/4/1977, bọn diệt chủng Pôn Pốt bất ngờ đồng loạt nổ súng tấn công 14 xã biên giới của tỉnh. Bọn chúng đánh đến đâu là tàn phá, giết sạch, đốt sạch đến đó. Nhơn Hưng nhờ địa thế quân sự đặc biệt, và với sự mưu trí oan cường của các chiến sĩ đã giữ vững trận địa.

Mặc dù giữ được trận địa, nhưng hai bên trong thế giằng co, còn quân dân Nhơn Hưng thì chỉ đánh cầm cự và bị bao vây. Cô Phạm Thị Ánh, Bí thư Chi bộ Nhơn Hưng (1987 - 1980) nhớ lại. Trước tình hình chiến sự ác liệt, Chi bộ đã bàn bạc và cho di tản nhân dân về phía sau an toàn, tăng cường du kích ấp cho Đồn Cây Mít, huy động những ai đủ khả năng chiến đấu ở lại để bảo vệ đất nước vì “nước mất nhà tan”… và quân dân du kích Nhơn Hưng với quyết tâm đã giữ vững được trận địa.

Anh Nguyễn Văn Nê, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự xã Nhơn Hưng dẫn tôi đến căn cứ Đồn Cây Mít năm xưa, hiện giờ là trụ sở của Ban chỉ huy Quân sự xã. Anh Nê vừa chỉ dẫn, vừa giới thiệu hệ thống lô-cốt còn lại đến giờ. Với vị thế một mặt giáp kinh Vĩnh Tế một mặt trông ra ngã ba phía trước như cái hàm ếch, căn cứ trở thành nơi “dễ phòng, khó công”.



Gạo Nhơn Hưng chuyển đi khắp nơi.

Dọc theo tuyến biên giới thuộc địa bàn xã khi đó, dân quân và du kích đã đào nhiều công sự, chiến hào, bố trí nhiều chốt phục kích. Phía ngoài khu vực chốt ta gài mìn, chông, hàng rào kẽm gai, khi địch lọt vào, ta bấm mìn nổ, rồi bắn hỏa lục và xung phong truy địch... Anh Nê nói thêm, bây giờ khấm khá lên thì đường xá mới được mở mang rộng rãi và đông đúc như thế, chứ ngày xưa như mấy chú kể, nơi đây hoang sơ lắm.

Trong những câu chuyện các cô chú kể, có câu chuyện về sự anh dũng chiến đấu và chỉ huy anh em chiến đấu giữ căn cứ đến hơi thở cuối cùng của liệt sĩ - Anh hùng LLVT Xã đội trưởng Huỳnh Vũ Hùng hoặc câu chuyện về sự quả cảm, mưu trí và luôn xung phong của liệt sĩ Xã đội phó Trần Văn Nuôi và tấm gương chiến đấu ngoan cường không lùi bước của liệt sĩ Nguyễn Văn Bình… Rất nhiều tấm gương tiêu biểu để tự hào và trân trọng về quá khứ. Cũng nhờ đó mà Nhơn Hưng là xã biên giới duy nhất của tỉnh An Giang không bị bọn Pôn Pốt chiếm giữ. Vào đầu năm 1979, quân chủ lực Quân khu 9 kết hợp với bộ đội địa phương đồng loạt phản công đẩy lụi bọn diệt chủng Pôn Pốt ra khỏi bờ cõi, kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Với những chiến công vẻ vang như thế, quân và dân xã Nhơn Hưng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân hai lần và khu di tích Đồn Cây Mít ngày trước, bây giờ là BCH Quân sự xã Nhơn Hưng được xem là “Chốt thép Nhơn Hưng” giữ vững sự bình yên cho vùng biên cương của Tổ quốc bên bờ kênh Vĩnh Tế hiền hòa. Đến nay, UBND tỉnh An Giang đã công nhận “Chốt thép Nhơn Hưng” là di tích cách mạng cấp tỉnh.




Nhơn Hưng khởi sắc cơ giới hoá trên đồng ruộng.
Nhơn Hưng hôm nay…

Năm tháng trôi qua, hòa bình trở lại trên quê hương đất nước, nhân dân xã Nhơn Hưng anh hùng đã từng bước thoát khỏi đói nghèo và vươn lên mạnh mẽ, nhà nhà đã được no ấm từ các Chương trình 135, 116 của Chính phủ. Con em ở Nhơn Hưng ngày nay được quan tâm, chăm lo học hành. Cuộc sống yên bình và sung túc đã hiển hiện trong mỗi ngôi nhà, trên mỗi con đường ở các phum, sóc dưới chân ngọn núi Trà Sư. Nơi đây, thời chiến tranh là chiến trường khốc liệt, đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù, ngày nay đã được thay thế bởi những cánh đồng lúa xanh tươi, những hàng cây thốt nốt đang vươn mình giữa một vùng đất khô cằn, mang đến cho đời hương vị ngọt ngào, mát mẻ… Theo đồng chí Cao Quang Minh - Bí thư Đảng uỷ xã Nhơn Hưng, chính quyền địa phương đã xây dựng Nhà bia liệt sĩ, phục dựng lại Căn cứ Huyện ủy, Chốt thép Nhơn Hưng… đồng thời kết hợp xây dựng nhà truyền thống, khai thác hai di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia để giáo dục con em về truyền thống anh hùng của quê hương.

Dòng kênh Vĩnh Tế chảy qua xã Nhơn Hưng hơn 5km được đào từ thời Thoại Ngọc Hầu năm 1819, luôn mang theo những luồng gió mát. Ở đó, chứa đựng biết bao huyền thoại của một thời khai hoang mở cõi và những chiến công giữ nước của ông cha. Vang vọng trong tiếng hò reo của những em nhỏ học sinh của Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc trong giờ tan trường, đang tung tăng trên đường về. Và tôi biết thêm một thế hệ con em Nhơn Hưng sẽ lớn lên trong hòa bình no ấm, sẽ dựng xây vùng đất biên cương ngày thêm trù phú, xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp cha anh đi trước.

Theo Trần Sang (Làng Việt Online)

Bạn đang đọc bài viết "Chốt thép Nhơn Hưng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.