Theo đó, UBND TPHCM đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP rà soát nhu cầu vay vốn đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định. Trong đó, cần lưu ý quan tâm đến đối tượng là người lao động bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, duy trì và ổn định cuộc sống.
Sở Xây dựng rà soát, cung cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP các thông tin về chủ trương, định hướng xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn; cung cấp danh sách các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội và tiến độ thực hiện các dự án, đề án nhà ở xã hội đang triển khai trên địa bàn của các chủ đầu tư, làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP xác định nguồn cung nhà ở xã hội, rà soát nhu cầu vay vốn của khách hàng để triển khai cho vay.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP trong việc rà soát nhu cầu vay vốn để mua sắm máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19 của học sinh các cấp, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP tham mưu UBND TP bổ sung nguồn vốn vay hỗ trợ giảm nghèo và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm vào dự toán chi ngân sách hàng năm của TP. Cùng với đó, thực hiện chuyển vốn kịp thời khi UBND TP có quyết định bổ sung nguồn vốn từ ngân sách cho Chương trình giảm nghèo bền vững của TP để ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP cho vay theo quy định.
Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP chỉ đạo, hướng dẫn Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TP Thủ Ðức và các quận, huyện triển khai thực hiện cho vay kịp thời, hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi thuộc chương trình, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và đúng đối tượng, triển khai hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn. Rà soát đối tượng thụ hưởng, xác định nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng chính sách từ các địa phương, tổng hợp và báo cáo UBND TP làm cơ sở đăng ký nhu cầu vốn với Trung ương để triển khai thực hiện. Đồng thời tập trung tổ chức thực hiện hỗ trợ lãi suất, cho vay đảm bảo nhanh chóng, kịp thời ngay khi nhận được chỉ tiêu phân bổ vốn của cấp có thẩm quyền giao.