Cảm động cuộc hội ngộ mẹ con sau 22 năm mất tích trở về từ hai phương trời

16/03/2017 16:15

Theo dõi trên

Sau 22 năm mất tích, bà Phạm Thị Bậu (53 tuổi, ở thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) cùng chồng người Trung Quốc tìm về nhà. Hai người con trai thất lạc từng ấy năm trời ở Canada cũng đã tìm về gặp mẹ của mình. Hiện bà Bậu và người chồng Trung Quốc thuê một căn nhà nhỏ vùng ven thị trấn để trú ngụ....

Một cái vỗ vai, 22 năm biệt tích

Trong căn nhà thuê giá 300 ngàn đồng một tháng, rộng chừng khoảng 30m, hai vợ chồng bà Bậu chung sống. Bà người Việt Nam, người chồng mang quốc tịch Trung Quốc. Hàng ngày, hai người đi làm “thợ đụng”, có người thuê thì hai vợ đi làm kiếm tiền mưu sinh.




Bà Bậu cùng người chồng Trung Quốc

Nói về cuộc đời, bà Bậu than thở, buồn khổ nhiều lắm nhưng hạnh phúc cũng có, bởi bà gặp lại được người thân và hai người con trai gần 23 năm chia lìa. Đấy là niềm vui lớn nhất mà bà ít ngờ tới.

Bà Bậu kể, trước đây, bà lấy chồng ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Hai người sinh được hai người con trai là Phạm Văn Phương (SN 1990) và Phạm Văn Bình (SN 1992). Nhưng hạnh phúc gia đình đổ vỡ, bà đưa con về nhà mẹ ở thị trấn Tân An sinh sống. Để có nguồn thu nhập, bà theo chân người dân địa phương bắt xe liên tỉnh ra TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) buôn bán hoa quả.

Ngày 14/4/1994, trong một lần bắt xe khách từ Huế về huyện Hiệp Đức, khi đến đèo Hải Vân thì xe hỏng lốp. Hành khách xuống xe và chờ sửa chữa. Bà Bậu ngồi quán nước bên đường chờ xe. Lúc này có một phụ nữ đến vỗ vai làm quen. Người này ngồi cùng bàn với bà Bậu. Từ đây, bà bị bán sang Trung Quốc.

“Tôi không biết họ bỏ thuốc mê hay gì mà cứ đi theo người phụ nữ này. Họ nói gì đều làm theo hết, giống như bị thôi miên. Sau khoảng 2 tuần mới tỉnh lại, tôi phát hiện mình bị bán sang Trung Quốc. Họ nhốt tôi vào một căn phòng và thông báo cho nhiều người đàn ông đến mua về làm vợ”, bà Bậu nhớ lại.

Sau mấy ngày, Yang Jianfeng mới 19 tuổi đến mua bà về làm vợ. “Không một người thân, không tiền, không biết đường đi lại, giao tiếp, tôi đành chấp nhận theo Yang về nhà. Hàng ngày khóc cạn nước mắt nhớ nhà, nhớ hai đứa con nhỏ. Nhưng Yang động viên khi nào có điều kiện sẽ cùng tôi về thăm con”, bà Bậu chia sẻ. Vợ chồng ở với nhau sinh được hai người con trai. “Yang hiền lắm, thương tôi nữa. Sau đó có tình cảm và nên duyên vợ chồng. Nhà Yang nghèo, bị môi côi cha mẹ nên không có tiền cưới vợ nên mới mua tôi. Dù chồng ít hơn 4 tuổi nhưng chúng tôi sống hạnh phúc”, bà Bậu tâm sự.

Theo bà Bậu, vùng bà ở cách khá xa trung tâm thành phố và cuộc sống còn rất khó khăn, quanh năm sống bằng nghề làm ruộng, chăn nuôi, trồng rau. Bà may mắn hơn những người phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang đây. Bà Bậu được chồng thương yêu, chiều chuộng và chưa bao giờ bị hành hạ.

“Nhiều lúc đi lên thành phố, tôi cũng gặp một số phụ nữ Việt Nam bị bắt cóc lừa bán qua Trung Quốc làm vợ. Gặp nhiều người tâm sự, rất khổ sở vì bị chồng bạo hành, kinh tế quá khó khăn nhưng không biết đường nào lẩn trốn, đành chấp nhận số phận làm dâu xứ người”, bà Bậu nói.

Khi hai người con của bà Bậu và ông Yang lớn có công ăn việc, vợ chồng lên kế hoạch về Việt Nam gặp lại người thân. Khoảng tháng 4/2016, bà cùng Yang làm thủ tục về Việt Nam. Qua cửa khẩu Móng Cái, họ bắt xe khách về Hà Nội. Từ đây, hai người đi tàu hỏa đến Đà Nẵng. Sau đó đi xe khách tìm về nhà. Khi đặt chân xuống chợ Tân An, sự xuất hiện đột ngột của hai người khiến cả chợ bất ngờ.

Hôm đó, có nhiều người không thèm buôn bán mà chạy đến gặp bà Bậu để hỏi về quãng thời gian mất tích. “Trăm người như một nghĩ tôi chết rồi, không ai ngờ tôi còn sống. Sự hiện diện của tôi khiến mọi người làm lạ và tò mò hỏi chuyện. Tôi kể lại cho mọi người biết quãng thời gian bị mất tích”, bà Bậu bày tỏ.

Ngày đoàn tụ với gia đình ngập tràn cảm xúc, không chỉ nụ cười mà nước mắt đã rơi trên má những con người đầu hai thứ tóc. Hơn ai hết, cụ Lê Thị Ngữ, mẹ bà Bậu vui mừng khôn xiết. Cụ Ngữ cho biết, Bậu là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em.

“Khi Bậu mất tích thì hai con còn nhỏ, tôi nhớ Bậu một thì hai đứa trẻ nhớ mẹ nó mười. Ngày đó tôi cùng nhiều người đi khắp nơi tìm kiếm nhưng không có tung tích gì. Ai cũng cứ nghĩ nó bị người ta giết chết rồi”, cụ Ngữ chia sẻ.

Mẹ con trùng phùng

Về nhà gặp người thân, bà Bậu hỏi về hai người con trai của mình và được mọi người cho biết, sau mấy tháng trời không thấy tung tích của bà, họ đã gửi hai đứa ra Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Đà Nẵng. Chưa trọn niềm vui bên người thân sau 22 năm gặp lại, bà cùng chồng ra Đà Nẵng tìm tung tích hai người con trai của mình.



 Ba mẹ con bà Bậu gặp lại nhau 23 xa cách (Ảnh nhân vật cung cấp)
 
Khi đến trung tâm được nhiều nói rằng, sau một thời gian nuôi dưỡng ở đây, hai đứa được một cặp vợ chồng người Canada nhận nuôi. Muốn biết rõ đến gặp ông Phạm Văn Cừ. Ông Cừ trước làm ở trung tâm và biết rõ tung tích hai người con của bà. Qua tìm hiểu, ông Cừ cho hay, các con của bà được nuôi khôn lớn và đã nhiều lần về thị trấn Tân An hỏi tung tích mẹ mình nhưng bất thành.

“Sau khi tôi trở về quê sau 22 năm mất tích, báo chí đăng tải nhiều bài viết. Từ những thông tin này, Phương và Bình đọc được. Biết mẹ mình con sống, các con xin cha mẹ nuôi về gặp mẹ đẻ”, bà Bậu kể.




 Vợ chồng bà Bậu và hai người con (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đúng ngày 12/2, Phương, Bình cùng cha nuôi xuống sân bay Đà Nẵng liền thuê xe về Hiệp Đức gặp mẹ. “Ba mẹ con ôm chầm lấy nhau và khóc. Mỗi người nói một thứ tiếng, tuy không hiểu gì hết nhưng biết là con mình thì vui sướng khôn nguôi. Hai đứa qua bên Canada (ở vùng nói tiếng Pháp) đã quên tiếng Việt, mọi giao tiếp đều nhờ người thông dịch. Các con ở lại được một tuần bên tôi rồi trở về Canada cùng cha nuôi”, bà Bậu cho hay.

Bà Bậu kể tiếp, Phương giờ là một thủy thủ, còn Bình đang học nghề tạo mẫu tóc. “Khi vợ chồng người Canada đến chỉ nhận nuôi một mình Bình, lúc đó Phương 6 tuổi đã phản ứng ngay. Phương khóc thét và nói rằng, nếu đưa thì đưa hai anh em, không cho đưa Bình đi một mình.

Trước sự dứt khoát của Phương, hai vợ chồng người Canada đã nhận hai đứa. Hiện ba mẹ con thường xuyên liên lạc, tuy nhiên do không chung ngôn ngữ nên thông qua mạng xã hội, mẹ còn nhìn nhau bằng hình ảnh”, bà Bậu tâm sự.

Mong ước tìm gặp lại con đã trở thành hiện thực, vợ chồng bà Bậu có ý định ở lại thị trấn Tân An lập nghiệp nhưng giấy tờ, hộ khẩu không còn lưu giữ. Giấy tờ liên quan đều do Trung Quốc cấp. Do đó cứ 3 tháng một lần, hai người bắt xe ra cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh gia hạn thời gian lưu trú. Bởi khi bà mất tích ở địa phương không có tên trong hộ khẩu. Bà đã đến cơ quan chức năng làm lại và được hướng dẫn nhưng chưa có điều kiện làm.

Hiện bà Bậu và người chồng Trung Quốc thuê một căn nhà nhỏ vùng ven thị trấn để trú ngụ. Hàng ngày, bà cùng chồng đi làm thuê kiếm thu nhập, người ta thuê chặt keo, xới cỏ ngày được vài trăm nghìn đồng.

“Ở bên Trung Quốc hai người con đã lớn, có công ăn việc làm. Mỗi ngày các con gọi điện liên lạc với vợ chồng tôi, các con cũng đồng ý cho cha mẹ ở đây, khi nào có điều kiện sẽ sang thăm. Tôi mong muốn được hỗ trợ đất ở và đất sản xuất để lập nghiệp. Yang cũng đồng ý, vì thấy vùng đất này rất phù hợp”, bà Bậu tha thiết....


Đắc Thành

Nguồn: nongnghiep.vn
Bạn đang đọc bài viết "Cảm động cuộc hội ngộ mẹ con sau 22 năm mất tích trở về từ hai phương trời" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.