Các nhà ngoại giao nữ gặp mặt, trải nghiệm nghề truyền thống dâu tằm tơ lụa

23/03/2023 08:13

Theo dõi trên

Sáng ngày 21/03/2023, tại Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm Trung ương đã diễn ra chương trình Gặp mặt Đoàn Ngoại giao nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 với chủ đề “Theo dấu Tằm tơ”.

6-7-1679533917.jpg
Ông Lê Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương tặng hoa chúc mừng các đại biểu.

Sự kiện do Ban nữ công Bộ ngoại giao phối hợp với Nhóm phụ nữ cộng đồng ASEAN (Nhóm AWCH) nhằm tăng cường giao lưu, gắn kết giữa cán bộ nữ trong nước và quốc tế đồng thời tạo cơ hội quảng bá ngành dâu tằm và dệt lụa của Việt Nam.

Tham dự Chương trình gặp mặt có Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Chủ tịch danh dự Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN, Phu nhân Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Thị Bích Ngọc; Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Elisa Fernandez; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; Trưởng Ban nữ công Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; ông Lê Hồng Vân Giám đốc trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương; cùng các nữ Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt, Phu nhân Đại sứ, Phu nhân Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao.

Giám đốc Vietseri Lê Hồng Vân phát biểu chào mừng chương trình, giới thiệu về lịch sử nghề tằm và tình hình phát triển trong thời gian gần đây. Hiện nay, Việt nam đang nằm trong TOP4 những nước sản xuất tơ tằm lớn nhất thế giới. Trồng dâu nuôi tằm là sinh kế của hơn 100.000 nông dân Việt Nam, trong đó đa phần là phụ nữ.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho hay đây là sự kiện giao lưu, gắn kết hết sức có ý nghĩa, qua đó giúp tăng cường đoàn kết và hợp tác của ASEAN với bạn bè quốc tế. Tất cả chị em chúng ta ở đây, dù cán bộ ngoại giao hay các phu nhân ngoại giao, không chỉ đóng góp triển khai công tác đối ngoại, mà không kém phần quan trọng, chúng ta chính là những cầu nối để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cầu nối về văn hóa, lịch sử, cầu nối để gắn kết các quốc gia, dân tộc, gắn kết giữa người dân với người dân"

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa này bởi bà cho rằng văn hóa có thể thúc đẩy sự phát triển của con người. Văn hóa có thể khiến các xã hội trở nên hòa nhập, kiên cường và bền vững hơn. Văn hóa cũng có thể là một công cụ mạnh mẽ để truyền đạt về sự tồn tại của con người. Bà bày tỏ hy vọng rằng ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam sẽ tiếp tục mở đường cho bình đẳng giới và thịnh vượng cho tất cả.

Đào Thế Anh
Bạn đang đọc bài viết "Các nhà ngoại giao nữ gặp mặt, trải nghiệm nghề truyền thống dâu tằm tơ lụa" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.