Ca Huế đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

23/09/2015 08:59

Theo dõi trên

Tối 22-9, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại buổi lễ, Sở VHTT&DL Huế đã tặng hoa cho các nghệ nhân nhà nghiên cứu, sáng tác, những người có thành tích trong việc xây dựng hồ sơ di sản ca Huế, thông tin trên báo Tuổi trẻ.


Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL Huế nhận bằng công nhận Ca Huế là Di sản  văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh TTO

Theo Sở VH TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế, ca nhạc truyền thống Huế là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất cố đô Huế, bao gồm khoảng trên 80 làn điệu, bài bản của dòng âm nhạc dân gian, âm nhạc thính phòng và một phần Nhã Nhạc cung Huế. Một trong những loại hình âm nhạc mang âm hưởng của nghệ thuật truyền thống Văn hóa Huế được hòa điệu giữa con người, âm nhạc với sông nước và cảnh vật của dòng sông Hương thơ mộng đó là Ca Huế. Đây là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được hình thành và phát triển từ dòng ca nhạc dân gian và nhạc cung đình, nhã nhạc cung đình tồn tại qua các thế kỷ, được gắn kết giữa đời sống văn hóa của người dân xứ Huế với các loại nhạc cụ như: tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam, xen với bầu, sáo và bộ gõ trống Huế,...

Sự phát triển, lan tỏa của Ca Huế qua nhiều thời kỳ lịch sử và trở thành kho tàng quý báu của cả dân tộc. Cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử, và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ca Huế vào ngày 8/6/2015, thể hiện sự trân trọng đối với loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa vật thể và phi vật thể.

Ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo cơ hội để tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị, qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, góp phần khẳng định vị thế của Trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước. Đây cùng là cơ sở để hoàn chỉnh các bước xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Trước đó, vào sáng cùng ngày UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học Ca Huế - Giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy nhằm khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của ca Huế, đồng thời thảo luận và đề ra các giải pháp nhằm định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản của nghệ thuật ca Huế, thu hút nhiều nhà khoa học trong nước và các nhà nghiên cứu văn hóa Huế tham gia.

Theo Ths. Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa, việc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho thấy sự đánh giá cao đối với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học của Ca Huế. Đây cũng là điều kiện cần thiết nếu di sản Ca Huế xây dựng hồ sơ đệ trình UNESO ghi danh vào một trong các danh sách: Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Để có thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO, Ca Huế cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sáng tỏ thêm những giá trị nổi bật đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người hiểu biết đầy đủ về di sản và đồng thuận, tự nguyện bảo vệ di sản.

“Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO vinh danh là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Ca Huế vốn là “bầu sữa song sinh” với Nhã nhạc đang chờ đợi được công nhận rộng rãi để cho âm nhạc dân tộc của một vùng đất được thưởng thức đầy đủ, vẹn toàn”, nhà nghiên cứu Bửu Ý tha thiết.


Lê Na (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Ca Huế đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.