“Bố ơi! Mình đi đâu thế?”: Bất lợi vì không kịch bản?

15/12/2014 09:37

Theo dõi trên

Chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” đã phát sóng được 7 tập. Bên cạnh sự thu hút, mến mộ của khán giả dành cho chương trình này, cũng đã có không ít xung đột bắt đầu xuất hiện.

Khác biệt về cách dạy con, cách ứng xử

Qua 7 tập của chương trình lên sóng thì tập 6 nhận được nhiều phản ứng nhất từ khán giả trước cách nhạc sĩ Minh Khang dạy con khi bán những quả dâu do mình tự hái để kiếm tiền mua quà cho người thân. “Con không nói, người ta đâu có biết con là ai. Nhớ là ba Minh Khang, mẹ Thúy Hạnh nha”. Trước lúc con đi, nhạc sĩ Minh Khang còn cẩn thận kiểm trả lại: “Con là con của ai?”.

Ngay lập tức, tình huống trên đã nhận “gạch đá” của dư luận. Phần nhiều ý kiến cho rằng cách nhạc sĩ bày cho con sẽ hình thành thói quen xấu ở trẻ, đó là dựa dẫm vào bố mẹ. Chưa kể, theo khuyến cáo của một số chuyên gia tâm lý, việc công khai thông tin, sự nổi tiếng của gia đình có thể gây mất an toàn với trẻ. So sánh tình huống này, nhạc sĩ Minh Khang trở nên “lép vế” trước những ông bố khác khi ca sĩ Hoàng Bách dạy con phải giới thiệu mặt hàng, giới thiệu về mình, về giá cả và mục đích bán hàng, còn đạo diễn Trần Lực dạy con theo tầm “vĩ mô” bằng “chiến lược” bán từng quả một.

Ngoài cách dạy con, ở “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” cũng đã xảy ra mâu thuẫn trong cách ứng xử giữa các ông bố trước nhiệm vụ “tự sáng tạo cách kiếm tiền để mua vé tàu hỏa du lịch cho các bé”. Sau khi bàn bạc, phân công rõ ràng, ca sĩ  Hoàng Bách vừa đàn, vừa hát, nhạc sĩ Minh Khang và MC Phan Anh sẽ trực tiếp xin tiền khách du lịch để mua vé thì kế hoạch lại không như ý muốn. Nhạc sĩ Minh Khang tự ý nói với khách du lịch rằng sẽ dùng số tiền xin ủng hộ sẽ giành cho việc từ thiện. Ngay khi đó, ca sĩ Hoàng Bách đã có những phản ứng khá dữ dội. Và không chỉ Hoàng Bách, cả MC Phan Anh cũng cho rằng dù tôn trọng nhạc sĩ Minh Khang nhưng không đồng tình về cách làm này. Nhiều khán giả xem truyền hình cũng quay lưng với nhạc sĩ ca khúc “Đứa bé” vì việc làm từ thiện đã bị đưa vào không đúng văn cảnh và nếu trẻ con chứng kiến sẽ tạo nên suy nghĩ lệch lạc về hoạt động ý nghĩa này.

“Nội quy chỉ nói các ông bố làm sao có tiền, nên nếu các ông bố đồng ý thì số tiền được mọi người ủng hộ sẽ để mua vé tàu còn đợt từ thiện tiếp theo, tôi sẽ bù số tiền này vào quỹ quyên góp. Tôi chỉ nghĩ thế thôi”, nhạc sĩ Minh Khang nói. Có thể Minh Khang không sai khi muốn “ứng” trước tiền làm từ thiện để xoay xở làm nhiệm vụ trong chương trình nhưng cách xử lý tình huống có phần xuề xòa, vụng về ấy lại không được lòng số đông. Câu chuyện khép lại với bầu không khí căng thẳng với những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ trong lòng người chơi và khán giả.

Sự khác biệt gây phản ứng?

“Bố ơi! Mình đi đâu thế?” không đơn thuần là chương trình giải trí mà còn chứa đựng nhiều yếu tố giáo dục về tư duy của trẻ nhỏ. Do vậy, nhiều khán giả cho rằng trước khi phát sóng, chương trình cần xem xét nội dung nếu cần thiết phải biên tập chuẩn mực hơn.

Ở những tập đầu tiên, chương trình thu hút khán giả bởi tính hồn nhiên của trẻ nhỏ cùng sự quan tâm, yêu thương con của các ông bố. Tuy nhiên, qua những mâu thuẫn trong cách ứng xử, dạy dỗ con cái gần đây thì khán giả bắt đầu nghi ngờ chương trình này sẽ đi theo lối mòn câu khách bằng tình huống giật gân đang “bội thực” ở các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.

“Rõ ràng người xem cảm thấy khó chịu khi những tình huống này được đưa lên truyền hình. Tại sao ở nước ngoài, chương trình rất thành công và được khán giả đón chờ? Đó là vì họ làm rất tốt, gần gũi, thông điệp giáo dục được truyền tải nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Họ hết mình vì chương trình. Đơn giản là họ tư duy được rằng khán giả sẽ nhìn thấy và học hỏi những điều tốt mà họ đang làm”, anh Phạm Văn Tám, chuyên viên ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết.

Xét ở một khía cạnh nào đó, đối với một chương trình truyền hình thực tế, sự khác biệt có thể gây phản ứng cho người chơi và khán giả nhưng đó lại là yếu tố góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng, bất ngờ về diễn biến chương trình. Chẳng hạn trong tình huống nhạc sĩ Minh Khang dạy con, người xem tinh ý sẽ nhận ra rằng, ngay khi người lớn hướng dẫn sai thì trẻ con chưa hẳn đã hành động sai. Bằng sự hồn nhiên, đáng yêu vốn có, con gái của nhạc sĩ Minh Khang đã trở thành đứa trẻ bán được nhiều tiền nhất mà không cần phải giới thiệu mình là con ai.

Vậy có nên kiểm soát một chương trình truyền hình thực tế theo hướng kịch bản không? Điều đó sẽ là cần thiết nếu nhân vật có những hành động, lời nói bộc phát vượt quá giới hạn thông thường khiến công chúng không thể chấp nhận được. Nhưng nếu xung đột chỉ ở mức bình thường như cách dạy con, cách ứng xử ở các tập vừa qua thì chương trình cần đưa lên một cách công bằng. Thông qua phản ứng của người chơi, khán giả… tự thân mỗi người sẽ có nhận thức riêng trước những đúng sai, mâu thuẫn.

Trở về chương trình “Bố ơi! mình đi đâu thế?”, thiết nghĩ, nếu ông bố nào cũng hành động giống nhau, đứa trẻ nào cũng phản ứng giống nhau theo một kịch bản định sẵn thì chắc hẳn khán giả sẽ vô cùng thất vọng.

Theo giadinh.net.vn
Bạn đang đọc bài viết "“Bố ơi! Mình đi đâu thế?”: Bất lợi vì không kịch bản?" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.