Tới dự và phát biểu tại lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Liên hoan Xiếc quốc tế - 2022 là sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô quốc tế quan trọng trong bối cảnh nghệ thuật Xiếc cùng các ngành nghệ thuật khác trên thế giới đang trên đà phục hồi và tập trung phát triển sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng khẳng định, thành công của Liên hoan Xiếc quốc tế - 2022 không chỉ thể hiện sự cố gắng của nước chủ nhà Việt Nam còn là sự tham gia nhiệt thành của các đoàn nghệ thuật Xiếc đến từ 05 quốc gia, vùng lãnh thổ: Canada, Belarus, Lào, Campuchia và Ai Cập là nơi hội tụ, tỏa sáng của các nghệ sĩ, lòng yêu nghề, cháy hết mình với nghệ thuật Xiếc.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Điều lớn nhất mà chúng ta có được từ Liên hoan chính là tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật Xiếc tại Việt Nam và thế giới trong giai đoạn hiện nay. Đây là cơ hội tốt để nghệ sĩ các nước trao đổi, học tập kinh nghiệm về phương pháp sáng tạo nhằm xây dựng nghệ thuật Xiếc ngày càng phát triển.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá, bên cạnh những thành công của các tiết mục được đầu tư công phu cả về kịch bản, dàn dựng, kỹ thuật nhuần nhuyễn điêu luyện… thì vẫn còn một số tiết mục chưa được đầu tư, quan tâm một cách nghiêm túc dù là lý do chủ quan hay khách quan.
Để nghệ thuật Xiếc ngày càng phát triển và tiếp thu những cái mới, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng cần quan tâm một số nội dung trọng tâm sau: Cần tiếp tục quan tâm đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các tiết mục. Có chính sách đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các diễn viên trẻ, tài năng về làm việc tại các liên đoàn, các đoàn nghệ thuật Xiếc. Các tiết mục đạt chất lượng tốt tại Liên hoan này cần được tuyên truyền, lan tỏa đến công chúng, đáp ứng sự kỳ vọng của khán giả, công chúng đối nghệ thuật Xiếc.
Đối với Cục nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức tốt các Liên hoan ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau mang tầm quốc tế, khu vực phù hợp với tình hình hiện nay.
Thứ trưởng cũng lưu ý đối với các đơn vị nghệ thuật xiếc cần tăng cường tính kỹ thuật nhằm tiếp cận với trình độ của quốc tế. Khai thác nhiều hơn nữa các những tiết mục kịch tính để tạo ra những điểm nhấn trong tiết mục. Giữa phần kỹ thuật và phần trình diễn của một số tiết mục phải gắn bó chặt chẽ hơn và phải tăng cường các tiết mục mang ý nghĩa giáo dục cao về tư tưởng, thẩm mỹ, gắn với nền văn hóa dân tộc.
Thay mặt Hội đồng Nghệ thuật, NSND Tạ Duy Ánh, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật đã có bài phát biểu tổng kết, đánh giá chất lượng của Liên hoan. NSND Tạ Duy ánh chia sẻ, so với kỳ Liên hoan trước, chất lượng Liên hoan xiếc Quốc tế - 2022 đã được nâng cao một cách rõ rệt. Ban giám khảo khá ngạc nhiên vì nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện với nhiều tiềm năng hứa hẹn. Điều đó không khỏi khiến cho Hội đồng Nghệ thuật cũng khó khăn trong việc phân định các giải thưởng.
Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật đánh giá: Liên hoan đã hội tụ được nhiều thể loại tiết mục đa dạng, phong phú như: Đu quăng 2; Hình tượng nhào lộn 4, Tung bóng (Campuchia); Dây da 2 (CHDCND Lào); Xe chỉ (Ai Cập); Dây lụa (Canada); Đu vòng (Belarut); Thăng bằng trên dây căng cao, Đế trụ, Đu quăng 2 (Liên đoàn xiếc Việt Nam); Nhào lộn trên cầu bật, Đu quăng lưới bật đạp người (Việt Nam). Những sáng tạo trong dàn dựng, thể hiện rõ nhất ở các tiết mục: Dây lụa 4 (Trường trung cấp xiếc và tạp kỹ Việt Nam), Tung hứng 4, Hình tượng 3 nam, Xe đạp tập thể (Nhà hát nghệ thuật Phương Nam);Tung hứng trên chân (Nhà hát xiếc và tạp kỹ Hà Nội), các nghệ sĩ tham gia đã được nâng cao rất nhiều về kỹ thuật, nghệ thuật và phong cách biểu diễn.
Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 03 Huy chương Vàng cho các tiết mục: "Dây căng cao" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, (biểu diễn: Nguyễn Mạnh Thường, Vũ Hà Long, Vũ Tiến Phương, Đào Tùng Dương, Nguyễn Thế Ninh, Đinh Thị Liên, Nguyễn Thị Trang, Tạ Thị Hương Trà); "Lời của biển" của Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ VN (biểu diễn: Hoàng Đăng Chính, Vũ Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thành Long, Chu Tuấn Thành); "Hồi sinh" của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (biểu diễn: Võ Tấn Thành, Nguyễn Kiên Quang, Trịnh Văn Thắng), đồng thời trao 08 Huy chương Bạc và 03 Huy chương Đồng.
Liên hoan Xiếc quốc tế - 2022 cũng đã trao giải thưởng cho các thành phần sáng tạo, gồm: Dàn dựng xuất sắc cho nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Anh của Liên đoàn Xiếc Việt Nam với tiết mục "Dây căng cao"; Huấn luyện xuất sắc cho 02 nghệ sĩ Ngô Lê Thắng và Thái Quyết Trường của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam với tiết mục "Âm vang cổng trời"; Nhóm nghệ sĩ xuất sắc gồm: Bùi Hải Quân, Lê Hoàng Hiệp, Phan Văn Chiến, Nguyễn Thanh Tùng, Trần Hồng Hảo, Lê Cẩm Ly của Liên đoàn Xiếc Việt Nam với tiết mục "Chiến binh không gian". Hội Nghệ sĩ sân khấu cũng tặng bằng khen cho đoàn nghệ thuật Xiếc Canada.
Liên hoan Xiếc quốc tế - 2022 thu hút 09 đoàn nghệ thuật tham gia tranh tài đến từ 06 nước gồm: Canada, Belarus, CHDCND Lào, Vương quốc Campuchia, Ai Cập, riêng nước chủ nhà Việt Nam tham gia với 04 đơn vị nghệ thuật là: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát NT Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam và Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
Liên hoan Xiếc quốc tế - 2022 là hoạt động có ý nghĩa để nghệ sĩ các nước trao đổi, học tập kinh nghiệm về phương pháp sáng tạo nhằm xây dựng nghệ thuật xiếc ngày càng phát triển.
Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc bên lề Liên hoan, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, NSƯT Trần Ly ly khẳng định: "Liên hoan Xiếc Quốc tế tại Việt Nam được tổ chức 3 năm 1 lần, thể hiện sự quan tâm của Bộ VHTTDL nhằm tạo điều kiện để cho diễn viên ngành Xiếc Việt Nam có cơ hội tốt giao lưu học tập kinh nghiệm về phương pháp sáng tạo nhằm xây dựng nghệ thuật xiếc phát triển. Liên hoan thực sự đã trở thành một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị".