Đây là hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022).
Phát biểu tại Chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, tháng 7 về là tháng của văn hóa tri ân, của truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc. Tháng 7 là dịp cao điểm để đồng bào và nhân dân cả nước tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các thân nhân liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho đồng bào.
Sinh thời, Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã chỉ rõ: "Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Người cũng đã chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày thương binh liệt sĩ để nhân dân tỏ rõ hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng biết ơn, thương mến thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước đã tập trung thực hiện chính sách với người có công và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đối với cách mạng.
Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, hôm nay tại nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào huyện Anh Sơn, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của gần 11.000 anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên các mặt trận và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại nước bạn Lào anh em, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã tổ chức Lễ tri ân, thắp lên những ngọn nến lung linh, kính cẩn nghiêng mình dâng nén tâm hương trước anh linh các liệt sĩ; tri ân những con người anh hùng đã hiến dâng tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" do Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức với mong muốn từ nghệ thuật và bằng nghệ thuật để truyền đi thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công lao to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng" và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "Công tác đền ơn đáp nghĩa phải được thực hiện thường xuyên, hiệu quả thiết thực, làm bằng cả tấm lòng, tình cảm chân thành, tránh hình thức".
Bộ VHTTDL đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đã cử các đoàn nghệ thuật của Bộ đi tới các địa phương phục vụ đồng bào, đồng chí và trao tặng các phần quà từ nguồn xã hội hóa, góp phần nhỏ bé của mình trong công tác chính sách đối với người có công.
Điểm nhấn của chương trình nghệ thuật là khắc họa hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Việt Nam có "Một trái tim biết yêu tha thiết đất nước, quê hương; một trái tim biết căm thù quân xâm lược; một trái tim rực lửa anh hùng" để lên đường ra trận - anh người chiến sĩ, em cô gái giao liên, các đơn vị thanh niên xung phong mở đường - họ gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn ta hát: "Trường Sơn, Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình"/ "Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử vàng".
Rồi họ nhẹ nhàng ra đi khi Tổ quốc gọi tên mình, trở thành những cánh hoa bất tử. Sự hy sinh của thế hệ cha anh hôm qua gợi mở trách nhiệm của người đang sống hôm nay, trong tâm khảm của Bài ca không thể nào quên để nỗ lực xây dựng quê hương đất nước ngày càng hùng cường tươi đẹp.
"Bản hùng ca bất diệt" không chỉ đơn thuần là chương trình nghệ thuật mà còn là biểu hiện của văn hóa tri ân, là khúc tráng ca kính dâng các anh hùng liệt sĩ dịp 27/7.
Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần tri ân các Anh hùng, Liệt sỹ đã cống hiến và ngã xuống vì nền độc lập nước nhà, các gia đình người có công với cách mạng. Các nghệ sỹ, diễn viên trong chương trình với tấm lòng thành kính và ngôn ngữ nghệ thuật sẽ tiếp tục thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, anh hùng trong mỗi người dân Việt Nam, tiếp tục lan tỏa đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc.