Bài 1: Chuyển động từ cơ quan “đầu não”
Để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc do những thách thức chưa có tiền lệ về phòng chống đại dịch COVID 19, trước hết là phải chuyển động từ cơ quan đầu não. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo bám sát thực tiễn, mở rộng dân chủ, tăng cường thảo luận đi đến thống nhất quyết định chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện thích ứng an toàn linh hoạt với diễn biến phức tạp, khó lường.
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trách nhiệm nêu gương người đứng đầu, chỉ đạo khắc phục nghiêm túc Kết luận 42 của UBKT Trung ương Đảng về công tác cán bộ và các Kết luận của các đoàn kiểm tra, kiểm toán. Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi để ban hành các quy định về công tác tổ chức cán bộ; xây dựng các Nghị quyết về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2021 - 2025; các đề án về công tác đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; quy định thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng kết quả cụ thể. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhất là những đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt, đồng thời phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc vì những tác động, ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID 19. Cụ thể đã phê duyệt 31 đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của 22 sở, ngành và 9 huyện, thành phố; ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Nhờ đó, Vĩnh Phúc đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch có hiệu quả, từng bước thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, vừa phát triển kinh tế xã hội. Điều dễ nhận thấy Vĩnh Phúc là một trong những địa phương khống chế, kiểm soát dịch COVID 19 khá hiệu quả. Là tỉnh xuất hiện ổ dịch COVID 19 đầu tiên trong cả nước tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) vào đầu năm 2020 nhưng chỉ với 12 ca dương tính, Vĩnh Phúc đã khoanh vùng cách ly, dập dịch không để lây lan, đồng thời đều chữa trị khỏi cho các ca mắc COVID 19 đầu tiên, không có trường hợp nào tử vong. Phòng chống dịch ở xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) đã trở thành điểm sáng để các địa phương trong nước tham khảo khoanh vùng cách ly, tầm soát, truy vết nhanh, dập dịch COVID 19 không để lây lan.
Đáng chú ý, hai năm qua, trong khi cả nước trải qua 4 đợt dịch COVID 19 thì Vĩnh Phúc chỉ trải qua 2 đợt dịch. Đợt dịch thứ 2 tái xuất hiện từ 30/4/2021 đến nay (chiều ngày 15/12/2021) Vĩnh Phúc chỉ có 1.801 ca dương tính với COVID 19 (1.789 ca trong tỉnh, 12 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi 995 ca, chỉ có 3 ca tử vong đều là những trường hợp có bệnh nền, già yếu; trong đó trường hợp F1 đang cách ly 2.152 người, đi về từ vùng có dịch 32.624 người, đang cách ly tại nhà 1.696 người. Công tác tiêm Vắc xin phòng ngừa COVID 19 tại Vĩnh Phúc đến hôm nay (15/12) cho gần 800 nghìn người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong đó mũi 1 đạt hơn 95 %, mũi hai trên 83 %; trong độ tuổi từ 12 - 17 đã tiêm hơn 52 nghìn người, đạt hơn 42 %, chưa xảy ra sự cố nào trong quá trình tiêm chủng và đang triển khai tiêm phòng tiếp để bao phủ toàn dân là biện pháp quan trọng nhất để khống chế dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp các ngành ở Vĩnh Phúc đã khẩn trương vào cuộc ngay khi có thông tin về ca nhiễm COVID-19 tại một số địa điểm trên địa bàn tỉnh với tinh thần cảnh giác chống dịch ở mức cao nhất, không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống dịch bệnh, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch để đảm bảo tính mạng người dân… Các cấp, các ngành trong tỉnh kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương cơ sở xã, phường và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng. Nâng cấp chiến lược trong phòng chống dịch từ “điều tra, truy vết, xét nghiệm” sang “thần tốc bao vây, phong tỏa, đón đầu và đánh chặn”; kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch từ tỉnh đến cơ sở. Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện kịch bản ở cấp độ 3 phương án tổng thể theo từng mức độ chi tiết; xây dựng phương án đảm bảo an ninh lương thực trong các tình huống dịch bệnh... Chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó với tình hình dịch bệnh; đồng thời thần tốc triển khai sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, vật lực đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19.... Công tác phòng, chống dịch đạt được hiệu quả, đợt dịch tái bùng phát cuối tháng 4/2021, chỉ sau hơn 20 ngày Vĩnh Phúc đã kiểm soát, khống chế được dịch, bảo đảm đời sống nhân dân, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh không bị đình trệ, đứt gãy.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Vĩnh Phúc đã chủ động ban hành Kế hoạch, các quy định, phương án cụ thể để tổ chức, thực hiện, triển khai, đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tỉnh đã nhanh chóng chuyển hướng chiến lược từ việc “chốt chặt bên ngoài, kiểm soát tyệt đối bên trong”; tăng cường hoạt động tổ an toàn COVID 19, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động tổ COVID-19 cộng đồng, tổ liên gia, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; tổ chức diễn tập phòng, chống dịch trong Khu công nghiệp; diễn tập cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà... đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động triển khai thực hiện.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh các tỉnh lân cận, giáp ranh đang rất phức tạp, nhất là tại thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc đang quyết liệt chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời áp dụng các biện pháp đảm bảo thích ứng linh hoạt, an toàn kiểm soát dịch...
Bài 2: Lan tỏa truyền thống đoàn kết, nhân ái