Vài chuyện về thi sĩ Hoàng như tôi biết

07/01/2016 21:11

Theo dõi trên

Ngày vào học K. 15, khoa Ngữ văn, ĐHTH tôi hãi mấy ông Đào Anh San, Phùng Huy Thịnh, Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Tri Nguyên lắm lắm.


Anh Đào Anh San lúc vào học đã diện quần simili cạp liền, lúc nào cũng áo sơ mi trắng bỏ trong quần. Bố anh làm to, vào thăm anh đã đi ô tô hiệu Pobeda. Nghe nói, anh học hết lớp 7, ở nhà đi dạy Bình dân học vụ rồi học xong 1 bằng bổ túc văn hoá Văn Sử Địa, tự học tiếng Nga, đọc được những sách dê dễ, tự học Quốc tế ngữ ( Esperanto), là thành viên của Hội này. Anh Nguyễn Tri Nguyên thì đã in một tuyển tập kịch, lúc nào cũng cầm một tập hoặc của Mác, Ăng ghen hay một ông Triết gia nào đó mà toàn quyển khó, đọc, giảng giải cho chúng tôi cứ như một ông thầy.

Còn với thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm, kịch sĩ Phùng Huy Thịnh thì tôi thán phục tài năng của họ ghê gớm. Hai ông này đọc thơ, diễn những tiểu phẩm thì khỏi chê. Phùng công tử chỉ ngoáy cái mông một tí, nheo đôi mắt khá lẳng và hếch cái mũi rất đặc trưng lên, giơ tay chào với câu nói quen thuộc "Tôi từ Ôdesa tới" là chúng tôi đã cười lăn lộn. Cầm giả vờ vừa chạy, vừa vấp, hai tay ôm một đống cả vở, cả thơ, có khi cả cái chăn sợi (nếu là buổi tối), mồm liến thoắng "ối các bạn ơi, chờ Cầm với, Cầm không theo kịp" là tôi đã thấy lão này rất hề rồi. Cả mấy chục con trai, ở trong 4 phòng, tất cả trải chiếu nằm trên sàn xi măng. Còn ăn thì cơm nhà bếp, chả bao giờ được no nhưng sao vui thế.
 
Hôm nay chỉ kể chuyện Cầm. Mà chuyện cũng chỉ là những trò nghịch ngợm của một năm. Đúng ra chưa được 1 năm vì nhập học từ 17-20/10/1970 thì 6/9/1971 Cầm, Thịnh, anh San và nhiều bạn khác đã nhập ngũ rồi.
 
Cầm là một tài năng thơ ca thì ai cũng đã thấy. Nhưng tôi thấy từ dạo đó, lão đã có năng khiểu bẩm sinh về diễn. Cầm diễn nhuyễn và khéo lắm. Ngay cả khi lão giả vờ hét toáng lên " lũ chúng mày dở hơi à" thì tôi đã nhận thấy lão đang diễn một cái gì đó rồi. Tâm trạng lão không hẳn thế, không ghét cái lũ " dở hơi" xung quanh chút nào nhưng lão hét thế là để dừng lại một cái gì đó mà lão không muốn tiếp tục, muốn che đậy một xúc cảm, một lựa chọn mà lúc đó lão chưa chọn được.
 
Lão như lúc nào cũng sống trong một thế giới thơ ca, sáng tạo. Tâm hồn lão lúc nào cũng vo ve đủ các cung bậc và cái khối âm thanh ấy lúc nào cũng sắp sửa tuôn trào ra thành thơ. Buổi tối, lạnh thế nhưng lão dường như không ngủ. Cứ lang thang từ tầng 2 ( là phòng ngủ) lên cầu thang, lên gác 4( phòng học) và tầng thượng ( trời lạnh, chả có ma nào mò lên đấy) để làm thơ. Cái chăn sợi Nam Định ôm trên tay cùng với đủ thứ sách vở, giấy tờ, mắt chả nhìn ai, mồm lẩm bẩm những câu thơ đang thai nghén.

Một hôm lão hỏi tôi, vẻ bí mật: " Anh có làm thơ không? Đọc cho Cầm nghe đi!". Tôi phát hoảng vì mình có biết thơ phú gì. Nhưng lão cứ nài nỉ như kiểu mình có thơ hay lắm mà giấu lão. Rồi, vỡ lẽ ra, lão tỏ vẻ kinh ngạc là tại sao một sinh viên Văn khoa lại không biết làm thơ nhỉ? Thế thì học văn để làm gì? Rồi lão lấy ra một tờ Tạp chí có in bài thơ về cô giáo đi gặt lúa của Ánh Biếc ( bút danh của lão), trong đó có câu "Mùa gặt về hương lúa bay quanh giáo án/ Cô giáo ra đồng gặp lúa giúp dân". Một gã nông dân như tôi thì chả lạ gì cảnh này, chả lạ gì cái mùi lúa khi mùa về nhưng cái hình ảnh " hương lúa bay quanh giáo án" thì tôi ngại. Trí tưởng tượng của lão hay thật. Lão phân tích cho tôi nghe cách cấu tứ bài thơ, sử dụng hình ảnh thế nào cho hay, cho đẹp. Tai tôi cứ ù lên vì chả hiểu gì cả. Tôi cứ nhìn lão nói mà tròn mắt vì thấy lão nói giỏi quá còn mình thì chả biết lão nói gì. Lão thì tưởng tôi đang " ăn sống nuốt tươi" bài học khai tâm về thơ của lão nên càng nói càng hăng. Mãi, khi nhìn vào mắt tôi, lão đoán ra. Lão bảo: " Cầm nói thế nhưng chắc anh đéo hiểu gì cả. Nhìn mắt là biết. Đéo giấu được. Thôi, chuyện đó hôm sau nói nữa. Giờ, còn tiền không, đi ăn kẹo lạc đi".
 
Cả hai hết tiền nên cũng không đi ăn kẹo lạc. Đến giờ, tôi vẫn còn nợ lão cái kẹo dồi, 2 hào/ chiếc, từ ngày ấy.
 
Cầm sống như Cầm thích. Đó là quan niệm của lão. Mùa Đông lạnh, bọn con trai lười tắm. Một hôm đi học về, chả biết anh nào chơi ác, treo cái quần đông xuân của Cầm lên móc cửa sổ, bên dưới dán mảnh giấy: " đề nghị anh C. đi tắm". Cầm đi học về, nhìn thấy thế, không nói gì, cũng chả buồn bỏ cái quần và mảnh giấy xuống. Ăn xong, mọi người thấy Cầm lẳng lặng xách xô ra bể nước cuối nhà tập thể. Đây là bể nước độ hơn trăm khối, mùa hè thì chỉ lưng lửng nước thôi nhưng mùa Đông thì đầy ăm ắp, xanh nhìn lạnh cả người. Cầm bỏ quần áo trên bờ, nhày ùm xuống bể, vừa bơi vừa hét " Hãy trả thù cho anh Nguyễn Văn Trỗi" rồi bơi lên, thay quần áo trở về nhà. Cả lũ chúng tôi bí mật đi xem Cầm điếng người. Thì ra lão biết chúng tôi đi theo, vờ như không nhìn thấy ai, nhảy xuống bể bơi rồi về, coi như không có chuyện gì xảy ra. Còn lũ chúng tôi phải hì hục múc nước, rửa bể đền cho nhà trường. Vừa làm, vừa càu nhàu với nhau là mình dại. Còn lão, lão cứ tỉnh bơ như không. Có ai tò mò hỏi chuyện này, lão tỉnh khô: " Có chuyện ấy à? Họ bịa đấy chứ".
 
Cầm làm thơ như chơi, như cái nghiệp, như Cầm sống chỉ để làm thơ, viết kịch bản. Khi rủ chúng tôi đi xem "Nhà tiên tri", Cầm bảo: "Thử 50 người vào vai Bác Hồ, loại 48, chỉ còn có Bùi Bài Bình và Cầm". Cả lũ đã cười ngả nghiêng. Cầm nghiêm mặt: " Lẽ ra vai này phải do Cầm đóng mới đúng. Chỉ có Cầm vào vai này mới phù hợp". Lũ chúng tôi cứ tưởng tượng Cầm- bác sĩ Hoa súng, mà vào vai lãnh tụ là đã không nín được cười. Thấy thế, lão lại quát: " Lũ dở hơi này có im đi không. Chúng mày không biết là chỉ có tao mới đủ tầm vóc để vào vai ông Cụ à? Bình ( Bùi Bài) nó giỏi nhưng phải là tao thì mới đúng".
 
Chưa biết nếu Cầm vào vai lãnh tụ thì sẽ thế nào nhưng tôi chắc cũng có sự sáng tạo. Cầm lại doạ: "Tao còn phải viết một vài cái nữa. Cái về thế hệ chúng mình nhưng sẽ khác "Mùi cỏ cháy". Sẽ chuyển hướng sang những chuyện cuộc đời. Sẽ hay cỡ "Tình Châu Giang" trở lên. Tao có đủ tư liệu rồi. Mà nếu cái này làm, tao sẽ mời thằng Hải ( PGS Nguyễn Văn Hải, K.15 Toán, cùng lớp Nguyễn Văn Thạc) làm quay phim chính. Tao thấy nó quay còn nghệ sĩ hơn cả những thằng quay phim tao đã từng biết".
 
Rõ khổ. Hải đã cầm cái máy quay bao giờ đâu. Cầm mới chỉ nhìn thấy cái video clip Hải quay bằng điện thoại lúc Cầm đang lên đồng ở nhóm bạn nhập ngũ 6/9/1971 mà đã phán như thế. Đúng là chỉ có Cầm mới như vậy. Nhưng lão bảo: " Lũ điên, cười gì? Không điên mà sống được à? Không điên thì làm được đ... gì ở cái đời này. Tao điên mới có thơ cho chúng mày đọc, có phim cho chúng mày xem, mới có một Hoàng Nhuận Câm thế chứ". Cả lũ lại nghiêng ngả cười. Hình như lão nói đúng chứ không điên tí nào thật.
 
Phạm Quang Long

Bạn đang đọc bài viết "Vài chuyện về thi sĩ Hoàng như tôi biết" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.