Tuổi trẻ làm nông nghiệp xanh (bài 2)

28/03/2018 14:13

Theo dõi trên

Nghĩ xanh và sống xanh là xu hướng của không ít bạn trẻ. Hơn thế nhiều bạn trẻ đã bắt tay vào khởi nghiệp, xây dựng những mô hình trang trại, sản xuất thực phẩm an toàn. Điều đó đang tạo thành một trào lưu tích cực, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, phân phối thực phẩm an toàn.

 
Giàng A Dạy là tấm gương tuổi trẻ ở Sơn La

Lắng nghe tiếng của cọng rơm

Một điều rất nhiều người dễ nhận thấy là các lũy tre bình dị đang gần như vắng bóng ở các vùng quê. Vậy mà chỉ với hơn 20 tuổi, chàng trai trẻ Đoàn Minh Nhân, quê ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) có ước mơ trồng lại tre trên đất Việt Nam. Có thể ước mơ ấy quá sức với Nhân, nhưng không hề hão huyền khi đến nay cậu đa âm thầm tìm được hơn 50 giống tre, đồng thời học được kinh nghiệm chăm sóc, cách nhận biết cũng như thêm các ứng dụng từ tre. Ước mơ ấy sẽ thành hiện thực nếu có sự chung tay.

Khởi nguồn của ước mơ ấy, với Nhân, chính là cậu chẳng thể chịu được không khí ngột ngạt của đô thị. Qua những người bạn cậu biết được rằng tre là loài cây thích ứng với nhiều môi trường khác nhau và sinh nhiều ô-xi, có khả năng chống xói mòn và một ý tưởng hình thành... Có ý tưởng rồi, Nhân bắt tay vào sưu tầm, tìm giống tại các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và nhiều tỉnh trong cả nước. Hành trình của chàng trai đã được Tổ chức Nhà vườn Australia biết đến và đài thọ ba tháng học nông lâm kết hợp. “Hiện tôi đang trong thời gian học và mùa xuân năm 2018 tôi sẽ trồng trước một héc-ta ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), rồi tính cách trồng xen cây gì đó vào để mang lại hiệu quả kinh tế. Phải nghĩ đến tính hiệu quả mới có thể thuyết phục người dân trồng lại tre. Trong mơ, tôi đã thấy những lũy tre hiện ra…”, Nhân chia sẻ.

Không ra nước ngoài học làm nông nghiệp, nhưng chàng trai 24 tuổi Lê Xuân Hà cũng đang sở hữu trang trại nông nghiệp sạch tại Thường Xuân (Thanh Hóa) có tên Hón Mũ. Ngoài ra, Hà còn tự hào mình đã tìm được những người đồng chí hướng. Từ giọng nói đến ánh mắt đều chứng tỏ Hà là một người đầy khát vọng và quyết tâm. Trong những lần chia sẻ, Hà bảo ước mơ của mình về trang trại cung cấp thực phẩm an toàn đã “mọc” ra từ thời học đại học. Khi tốt nghiệp, Hà thấy nạn phá rừng diễn ra ở nhiều nơi, còn các phương tiện truyền thông lúc nào cũng ra rả chuyện mất an toàn vệ sinh thực phẩm, càng thôi thúc cậu thực hiện ước mơ của mình. Trang trại dần hình thành nơi quê nhà, nhưng những dự định của chàng trai trẻ đã bị không ít người cho là gàn dở và có lúc khiến cậu chán nản. Điều đó đã thay đổi đến khi Hà tiếp cận được cuốn sách “Cuộc Cách mạng một cọng rơm”, với nhiều điều được viết ra giống ý nghĩ cậu, giúp Hà thấy rằng ngay cả cọng rơm cũng có tiếng nói, sức mạnh riêng. Và cậu nghiệm ra rằng sự thay đổi trong nông nghiệp hay cách loài người tồn tại không bắt đầu từ những thứ vĩ mô, mà chính từ việc chúng ta nhận ra sức mạnh của một cọng rơm, một cá thể bé nhỏ.

Theo giới thiệu của cán bộ Tỉnh đoàn Sơn La, tôi đã tìm về vùng núi cao xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La) để gặp chàng trai dân tộc Mông Giàng A Dạy. Nơi mà chính chàng trai này cũng không thể ngờ có ngày mình nắm bắt được cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình và không gian nơi đây. Cơ hội đến là khi Dạy là một trong hai sinh viên năm cuối Trường ĐH Tây Bắc được đi tu nghiệp sinh tại Ít-xa-en. “Ở đó, tôi được học cách làm nông nghiệp sạch. Khí hậu Ít-xa-en còn khắc nghiệt gấp nhiều lần vùng núi quê tôi. Mùa hè nhiệt độ có thể lên đến 50oC. Thế mà họ có cả nền công nghiệp nông nghiệp hiện đại với các vườn rau củ quả rộng lớn, được trồng trong lồng kính, mái vòm, các loại cây trồng đều tươi tốt”, Dạy thổ lộ.

Điều khiến chàng trai sinh năm 1993 mừng hơn cả là được học cách làm nông nghiệp hữu cơ, có thể về quê áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt với hệ thống ống tưới chằng chịt nằm sâu trong đất. Năm 2016 trở về quê, Dạy trăn trở nghĩ phải có cách nào đó để giúp người dân trong khu vực thay đổi lối sống phụ thuộc vào thiên nhiên, sản xuất manh mún, thường khai hoang, thậm chí phá cả rừng để làm rẫy. Không chờ đợi, Dạy xắn tay vào việc ngay và vận động một số bà con góp đất làm trang trại, đồng thời tìm cách khôi phục những loại rau tốt cho cộng đồng mọc ở địa phương nhưng có nguy cơ mai một. Niềm vui đã đến với không chỉ gia đình Dạy mà với nhiều bà con địa phương khi ngay trên những ô ruộng bạc màu Mường Bon rau ăn đã trổ xanh, cho thu hoạch. Mô hình của Dạy là điểm Tỉnh đoàn Sơn La lấy làm điển hình để nhân thêm các mô hình phát triển kinh tế khác tại địa phương. Dạy hồ hởi: “Nếu nhiều người dân học được cách sản xuất không phụ thuộc vào rừng thì sẽ tránh được tình trạng phá rừng vô tội vạ. Em càng làm thì càng thấy khoản tiền đi vay để đầu tư một phần phí học ở nước ngoài thật có ích”.

Trăn trở vì sự an toàn của cộng đồng

Đi nhiều nơi, tiếp xúc với các người bạn trẻ làm nông nghiệp sạch, tôi đã nghe được những điều thật thú vị, như “trồng trọt bằng yêu thương”, “tìm nông dân có tâm”, “sửa chữa những điều thế hệ trước đã làm đối với môi trường”… Vâng, xin nhấn mạnh, vì sao phải trồng trọt bằng yêu thương? Phải chăng, nhiều bạn trẻ đã không chỉ làm chọn cách sản xuất thông thường, mà qua đó còn gửi cả tấm lòng của mình vào đó. Việc trồng cây, chăn nuôi, sẽ không chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận, mà còn tạo cho con người một niềm an vui. Như bạn Nguyễn Thùy Linh, từng ba năm làm việc ở Singapore với mức lương khá, đã về Hà Nội làm nông nghiệp sạch vì bố bị ung thư. Cô gái trẻ cho biết rằng, chính các sản phẩm nông nghiệp thiếu an toàn đã khiến cuộc sống nhiều bất trắc hơn, nhiều người mắc bệnh tật, bệnh ung thư ngày càng gia tăng số lượng khi môi trường ô nhiễm, con người sử dụng thực phẩm thiếu an toàn. Nói là làm, cô gái 32 tuổi chia sẻ quyết định này với chồng và được ủng hộ. Nhưng mẹ và người thân của Thùy Linh thì phản đối dữ dội. Ai cũng muốn cô con gái nhỏ tiếp tục trở lại Singapore sống cuộc sống vốn an nhàn và bình yên của mình. Mặc dù vậy, Thùy Linh vẫn không mất thêm một giờ suy nghĩ để quyết định trở về Việt Nam sản xuất thực phẩm sạch. Đầu năm 2016, cửa hàng thực phẩm hữu cơ đầu tiên của Thùy Linh ra đời ở Hà Nội. Hiện tại cô đã lập được thương hiệu rau sạch trên thị trường và cung ứng bằng nhiều kênh khác nhau để đứa rau sạch đến với nhiều người nhất.
 
 
Nguyễn Đông Hải trong trang trại công nghệ cao

Một tấm gương khác là chủ của trang trai hơn 20ha tại Đà Lạt (Lâm Đồng), anh Nguyễn Đông Hải khiến người khác phải nể phục vì sự tháo vát và tấm lòng kiên định thực hiện ước mơ. Tìm hiểu, được biết năm 2005, Hải rời vùng quê nghèo ở Hà Tĩnh vào Đà Lạt theo học tại khoa Môi trường, Trường ĐH Đà Lạt. Sau những lần làm thuê kiếm sống và đóng tiền học phí, chàng sinh viên trẻ này bắt đầu bén duyên với nghề làm nông. Sau những giờ trên giảng đường bạn bè lại thấy Hải đến những vườn sản suất nông nghiệp học hỏi thêm kỹ thuật trồng các loại rau. Không lâu sau, Nguyễn Đông Hải nhờ chị gái (lập gia đình tại Đà Lạt) thuê 3ha đất hoang để anh chàng này thử sức. Có đất nhưng không một đồng vốn, Hải mượn sổ đỏ của gia đình chị gái thế chấp ngân hàng vay được 300 triệu đồng làm vốn. Song mọi chuyện không đơn giản. Mấy năm liên tục, công việc không thuận lợi dù đã cố gắng hết sức. Sản phẩm phụ thuộc tất cả vào thương lái nên đầu ra rất bấp bênh. Chuyện được mùa nhưng thương lái không mua, hoặc bị ép giá xảy ra nhiều lần, có lúc tưởng chừng Hải lâm vào đường cùng.

Không chịu bó tay, Hải đã quyết định nghỉ học giữa chừng để toàn tâm làm trang trại. Anh đã tìm hiểu về cách làm nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn Globoal-Gap, VietGAP… với mục đích để sản phẩm có thể thâm nhập được vào chuỗi các siêu thị, tạo sự ổn định cho đầu ra. Hải tiếp tục vay tiền người thân đầu tư. Lúc bấy giờ, việc sản xuất nông sản đạt được các tiêu chuẩn này tại Đà Lạt vẫn còn rất ít. Vì thế, sản phẩm nông nghiệp của Hải đã nhanh chóng được đối tác lựa chọn, đưa vào kênh phân phối chính thức của siêu thị. Từ đây công việc làm ăn từng bước vượt qua khó khăn. Hải chia sẻ: “Bây giờ thì tôi đã trả hết nợ nần. Phải nói là nếu tập trung sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, chú trọng tới chất lượng sản phẩm thì sẽ được các đối tác chấp nhận. Hiện 10ha trang trai đã chuyển vào sản xuất trong nhà kính, với các loại sản phẩm chủ lực như dưa leo, cà chua các loại, củ cải, cải ngũ sắc, ớt chuông …”

Nói về phong trào làm nông nghiệp sạch của giới trẻ, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nhu cầu sử dụng rau an toàn là vô cùng thiết yếu và đó là quyền của mỗi người. Trong khi đó ngoài thị trường, rau thiếu an toàn, không rõ nguồn gốc, bị phun nhiều thuốc bảo vệ, thuốc kích thích rất khó kiểm soát, len lỏi vào bữa cơm của người dân. Giáo sư Dũng nhấn mạnh: “Cần phải bảo đảm những bữa ăn ngon cho người dân và đó là minh chứng rõ nhất khi đời sống đi lên. Bởi vậy cần có cơ chế khuyến khích phát triển đối với các dự án, mô hình nông nghiệp xanh, sạch”.

Hiện nay, Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cũng đã giúp sức cho nhiều mô hình. Nhiều ý kiến đề nghị cần nhiều chính sách có giá trị như thế, chạm được vào vấn đề trọng tâm của nhu cầu về phát triển nông nghiệp.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhức nhối. Đời sống vật chất, văn hóa của người dân đã phát triển, nhưng yên bình hơn chưa, xanh hơn chưa? Điều đó chưa chắc và cần lắm hành động của mỗi người. Phải biến việc sản xuất nông nghiệp thành văn hóa. Nền văn hóa nông nghiệp ở tầm cao hơn, là bảo đảm cho người dân được hưởng những thành quả của việc sản xuất hài hòa cộng sinh với tự nhiên. Thật đáng mừng là nhiều tấm gương đoàn thanh niên, tuổi trẻ đã có cách nghĩ mới, đầu tư cho nông nghiệp xanh, gây dựng mô hình kinh tế, động viên và khích lệ những thanh niên khác, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

(Còn nữa)
 
Nguyễn Văn Học

Bạn đang đọc bài viết "Tuổi trẻ làm nông nghiệp xanh (bài 2)" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.