Trao 54 Huy chương Vàng tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023

02/06/2023 09:06

Theo dõi trên

Tối 1/6, lễ bế mạc Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023 đã diễn ra tại Hà Nam. 54 Huy chương Vàng, 60 Huy chương Bạc đã được trao cho các diễn viên xuất sắc.

van-252356236-1685671463.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS.TS Tạ Quang Đông trao giải thưởng cho các trích đoạn xuất sắc

Tham dự buổi lễ có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS.TS Tạ Quang Đông; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi.

Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Hà Nam tổ chức từ ngày 20/5 – 1/6. Liên hoan thu hút gần 1.000 diễn viên của 33 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước với 106 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch dân ca, Kịch nói, Xiếc.

Đánh giá về chất lượng Liên hoan, Nhà viết kịch.TS Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: Các trích đoạn tuy chưa phải là bức tranh hoàn chỉnh khắc họa diện mạo của nghệ thuật Sân khấu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, nhưng cũng đủ các yếu tố để chúng ta nhìn nhận, đánh giá xem nghệ thuật sân khấu đang đứng ở cung bậc nào trước đòi hỏi của đời sống xã hội và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Sự phong phú đa dạng về đề tài trong các trích đoạn là minh chứng cho ý thức trách nhiệm, quyết tâm tìm tòi, gạn đục khơi trong, phản ánh trực diện hoặc lấy chuyện xưa để nói nay, nhằm đề cập nhiều mặt của xã hội, con người trong tư duy sáng tạo của các nghệ sĩ. Chính điều này đã làm cho Liên hoan có nhiều màu sắc, không nhàm chán, gieo được những cung bậc cảm xúc khác nhau cho khán giả.

va-25634636-1685671508.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam, Lê Thị Thủy và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS.TS Tạ Quang Đông trao giải cho các diễn viên đoạt Huy chương Vàng.

Theo TS Nguyễn Đăng Chương, phần lớn trích đoạn đều có kết cấu hợp lý, người xem hiểu nội dung câu truyện được chuyển tải trong khoảng thời gian ngắn mà không bị hụt hẫng, tẻ nhạt thông qua hình tượng của một hoặc hai nhân vật chính. Những hình tượng ấy gửi gắm tới người xem về khát vọng, của con người luôn vươn tới những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn, thậm chí có thể hy sinh tất cả để đạt được mục đích và lý tưởng cao đẹp. Một số trích đoạn tập trung lên án cái ác, sự xấu xa thấp hèn của con người trong quá khứ và hiện tại. Số lượng trích đoạn này không nhiều nhưng cũng có tác dụng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự tha hoá, xuống cấp về đạo đức, nhân cách của con người.

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan cũng cho biết, trong 106 trích đoạn thì có tới 85 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống. Con số này cho thấy, trong điều kiện còn quá nhiều thách thức khó khăn, các nghệ sĩ kịch hát dân tộc vẫn thắp sáng khát vọng sáng tạo, cố gắng vượt qua chính mình, gạn đục khơi trong để giữ nghề, để lưu truyền và tiếp nối những thành quả mà nhiều thế hệ ông cha đã vắt kiệt cả cuộc đời mới tạo dựng nên.

vaaa-2523456-1685671543.jpg
Ban Tổ chức vinh danh các diễn viên đoạt Huy chương Vàng

Trong Liên hoan có 29 trích đoạn kinh điển của nghệ thuật Tuồng và Chèo truyền thống. Về cơ bản các thành phần sáng tạo đã giữ được các nguyên tắc và đặc trưng cốt lõi của từng loại hình nghệ thuật, giữ được các trò diễn, trò nhời; tiếp nhận và phát huy những thành quả cha ông để lại với tiết tấu mới, phù hợp với sự tiếp nhận của khán giả ngày hôm nay. Nhiều diễn viên đã tỏa sáng, lấp lánh trên các tiêu chí “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” mà người xưa truyền lại, tạo nên cảm xúc ngọt ngào nhưng mãnh liệt. Đã có nhiều trích đoạn, nhiều vai diễn có tác dụng thanh lọc, tẩy rửa tâm hồn của người xem.

Phát biểu bế mạc Liên hoan, NSND Trịnh Thị Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thay mặt Ban Tổ chức ghi nhận những nỗ lực, cố gắng từ các thành phần sáng tạo, các nghệ sĩ của các đơn vị tham gia Liên hoan. “Với sự lao động nghệ thuật miệt mài nghiêm túc, để mang đến cho đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu những cảm nhận sâu sắc sự thấu hiểu hơn những người làm nghề, khám phá và hiểu biết nhiều hơn những giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật truyền thống”, NSND Trịnh Thị Thúy Mùi nói.

Bày tỏ nhất trí hoàn toàn với bản tổng kết nghệ thuật của Hội đồng Giám khảo, NSND Trịnh Thị Thúy Mùi còn cho biết, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức đánh giá cao sự làm việc nghiêm túc, công tâm, trách nhiệm của Hội đồng Giám khảo và mong rằng, từ Liên hoan lần này, các nghệ sĩ có thêm những kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp, tiếp tục không ngừng nâng cao trình độ, cống hiến cho xã hội những tác phẩm ý nghĩa, chất lượng.

va-12352352-1685671576.jpg
Các tiết mục biểu diễn trong lễ bế mạc Liên hoan

Các tỉnh, thành phố sẽ quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ Văn nghệ sĩ trẻ kế cận để nâng cao chất lượng các loại hình nghệ thuật sân khấu để phục vụ đời sống tinh thần ngày càng tốt hơn cho người dân, nhằm thực hiện tốt đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, biết kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và thế giới, đồng thời thiết thực hơn với Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết 33 của Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tại lễ bế mạc Liên hoan, Ban Tổ chức đã vinh danh 54 diễn viên đoạt Huy chương Vàng, 60 diễn viên đoạt Huy chương Bạc.

Ban tổ chức cũng đã vinh danh 7 trích đoạn xuất sắc: “Những vì sao không tắt” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam; “Sóng hận Lục Đầu Giang” của Nhà hát Tuồng Việt Nam; “Oan khuất một thời” của Nhà hát Chèo Hà Nội; “Chôn hề” của Nhà hát Chèo Ninh Bình; “Cúc ơi” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam; “Đêm trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam; “Dòng sông đỏ” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu trang. Ngoài ra còn có 2 dàn nhạc xuất sắc (Dàn nhạc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Dàn nhạc Nhà hát Chèo Thái Bình, 1 nhạc công xuất sắc (NSƯT Vũ Đình Cương thuộc Nhà hát Chèo Thái Bình) và 1 diễn viên nhỏ tuổi nhất (bé Gia Bảo với vai bé Bảo trong trích đoạn "Giấc mơ không có thật" của Đoàn Cải lương Hải Phòng).

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Trao 54 Huy chương Vàng tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.