Trần Minh: Mang tình yêu quê hương vào trong âm nhạc

15/12/2015 16:03

Theo dõi trên

Sinh ra ở vùng đất Gò Nổi, Quảng Nam, Trần Minh vào TP HCM lập nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học. Những tháng ngày tha hương, nỗi nhớ quê hương xứ Quảng luôn khiến anh day dứt. Và anh đã tìm đến với âm nhạc, để gửi tình yêu và nỗi nhớ quê vào trong những bài hát do mình sáng tác.



Những bài hát của anh Trần Minh

Mang nỗi nhớ quê vào âm nhạc

Trần Minh tên thật là Trần Văn Minh, sinh năm 1970, quê ở Điện Phong, Gò Nổi, Quảng Nam. Tốt nghiệp ngành Hóa ở trường đại học Tổng hợp Huế, anh vào TP HCM lập nghiệp với việc kinh doanh.

Cuộc sống mưu sinh của một người con xa xứ khiến anh có nhiều tâm trạng, nhiều suy tư và cảm xúc. Nhiều đêm, nỗi nhớ quê hương, cha mẹ khiến anh bồi hồi, day dứt. Có lẽ nhiều tháng ngày dồn tụ cảm xúc, tâm tư như thế đã khiến anh đi đến với âm nhạc. “Thời học sinh, sinh viên tôi cũng có chơi đàn ghi ta, nhưng chỉ chơi cho vui chứ không được học hành đàng hoàng. Nhạc lý cũng biết bập bõm thôi. Nhưng niềm đam mê âm nhạc luôn có sẵn và hoàn cảnh thôi thúc tôi đi học nhạc như là một thú giải trí. Tôi cũng không ngờ sau này đời mình lại gắn bó với âm nhạc, với việc sáng tác ca khúc”, anh Trần Minh nói.


Câu chuyện anh đến với âm nhạc bắt đầu vào năm 2008, tình cờ anh Minh quen biết với cô bạn Tiên Trà vốn là người đồng hương và là giảng viên dạy đàn Piano. Sau một thời gian quen biết, anh quyết định đến học nhạc lý với Tiên Trà. Một năm sau, anh mày mò sáng tác ca khúc. Bài hát đầu tiên anh viết là bài “Thương em” mang âm hưởng dân ca Bắc bộ. Ca từ của tình khúc này trẻ trung, mượt mà và da diết: “Ta thương em thương sớm thương chiều, thương người ở lại bóng cô liêu. Thương bình minh đến em rộn rã, giọt nắng hồng tỏa sáng dáng thủy tinh…”. Khi anh đưa bài hát đó cho Tiên Trà, chị ngạc nhiên và thú vị vì bài hát dù đầu tay và được viết bởi một người không được đào tạo chính quy nhưng rất chuẩn về giai điệu và ca từ trau chuốt, gợi cảm. Sau đó tình khúc “Thương em” được Tiên Trà hát trong nhiều phòng trà ở TP HCM và được khán giả đón nhận nhiệt liệt. Nhận ra năng khiếu của anh, Tiên Trà đã khuyến khích anh sáng tác thêm nhiều ca khúc. 

Như một phong cách riêng, những tình khúc của Trần Minh đều có giai điệu mượt mà, ca từ trau chuốt, gợi cảm, gợi hình, dễ đi vào lòng người. Anh nói mình chọn viết dòng nhạc quê hương để được nói về cái đẹp của đất nước, nói về cảm xúc của mình về cảnh đẹp của quê hương, đất nước. Anh không thích viết dòng nhạc Pop, Rock vì cái tạng của anh không phù hợp và cũng bởi dòng nhạc này khó giúp anh chuyển tải được những suy tư, cảm xúc của anh đến với người nghe. 

Với quê hương Quảng Nam, Trần Minh đã có bài hát “Hồn Mỹ Sơn” khá thành công. Khi nghe bài hát này, những giai điệu, ca từ khá ấn tượng, gợi cảm cùa đã cuốn hút, đưa tôi về với thánh địa Mỹ Sơn, nơi những tháp Chàm huyền thoại rêu phong loang lổ trầm tư: “Chiều đi qua chút nắng tàn sót lại. Kinh đô buồn Trà Kiệu tháp Mỹ Sơn. Hồn vương vấn Bha-dra Var-man thánh địa. Có một ngày hậu thế trầm tư. Từng con dốc ôm đồi và núi, Thánh đại buồn bao triều đại đã đi qua…”. 

Nỗi nhớ niềm thương với quê hương ở trong anh luôn dạt dào, thôi thúc anh viết những bài hát khác. Và anh viết thêm “Thương về phố Hội” cũng với những cảm xúc mãnh liệt, thiết tha: “Bao nhiêu năm xa rời phố Hội, xa chùa Cầu biển Cửa Đại yêu thương, xa hàng dương ru êm bờ cát trắng, sóng vỗ rì rào tuổi thơ đi qua… Ôi quê hương sao mà da diết, người đi rồi hồn gửi lại Hội An”.

Chưa một lần đặt chân đến Mỹ Sơn, hiểu biết của tôi về vùng đất này chỉ qua các tài liệu, nhưng nghe “Hồn Mỹ Sơn” của Trần Minh, lúc đó tôi thấy gai gai người trước một không gian buồn man mác của phế tích liêu trai. Và cảm thấy bị ám ảnh. Một bài hát, gây được ấn tượng như thế cho người nghe, cũng đã là thành công. Nhưng nghe câu kết của bài hát này, tôi thực sự ngỡ ngàng vì sự phát hiện của anh, anh viết một điều giản dị nhưng tựa như chân lý rằng: “Thời gian qua có xóa mờ tất cả, giấc mộng kê vàng thành quách đổ xiêu. Ôi Yoni, ôi Linga triều đại Champa. Dân tộc nào cũng khát vọng tình yêu”. Nét nhạc với những giai điệu ua ẩn giàu càm xúc và những ca từ gợi cảm, đầy ám ảnh đã khiến tôi xúc động.
 


Anh Trần Minh

Dùng âm nhạc khẳng định chủ quyền

Lần lượt sau đó, Trần Minh viết thêm những ca khúc: “Gọi đò”, “Đà Lạt chiều không em”, “Hà Nội trong tôi”, “Này em”… 

Với những vùng đất khác, anh cũng dành những tình cảm tha thiết để sáng tạo nên những tình khúc bay bổng mà “Đà lạt chiều không em” và “Hà Nội trong tôi” là những tình ca như thế. “Thời gian trôi một mình ta ngồi đếm, chiều không em Đà Lạt phủ sương mờ. Thác Cam Ly khóc tình mình tan vỡ, đồi thông rêu vi vút bóng hoàng hôn…”. Và “Ngày ra đi tôi mang trong tim mình nỗi nhớ. Hà Nội vào thu hàng cây lá vàng rơi. Hương Ngọc Lan thơm thơm từng góc phố. Gốc sưa già trầm mặc với thời gian…”. Có lẽ phải yêu, phải nặng lòng với những cảnh vật ở đó mới có thể viết ra những dòng cảm xúc tuôn trào như vậy.

Từng truyền thụ nhạc lý cho anh Trần Minh và từng hát nhiều bài hát của anh, chị Tiên Trà có nhận xét rằng: “Nhạc của anh Trần Minh có nét riêng, giàu cảm xúc và mượt mà. Anh là người chưa qua trường lớp chính quy viết được như thế là rất thành công. Nhưng cũng nhờ không qua đào tạo chính quy nên anh viết hồn nhiên, ít bị lặp lại”.

Là một người đa cảm, nhiều suy tư, Trần Minh không thể thờ ơ khi Biển Đông dậy sóng. “Nhiều lần, tôi xem thời sự, thấy những em bé là người Việt ở nước ngoài được mẹ bồng theo hoặc dắt đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, trong đó có những em còn chưa biết nói tiếng Việt. Dù sống xa Tổ quốc nhưng họ vẫn biểu thị lòng yêu nước mãnh liệt, chân thành. Nhìn những hình ảnh đó, tôi rất xúc động. Tôi nghĩ mình phải viết một cái gì đó về Hoàng Sa, Trường Sa để xứng đáng với những em bé đó. Và bài hát “Hào khí Biển Đông” ra đời”, Trần Minh thổ lộ.

“Hào khí Biển Đông” có những câu bi hùng, chất chứa quá khứ, lịch sử chống ngoại xâm đầy hào khí, tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc: “Sóng gào Hoàng Sa uất hận lòng ta/ Bao nhiêu năm hải chiến sơn hà/ Máu nhuộm đỏ cả biển trời Tổ quốc/ Khi giặc đến triệu người con sẵn sàng. Dâng đời mình - Vì Tổ quốc hy sinh…”.

“Tôi mong muốn bài hát này sẽ được nhiều người đón nhận, được hát vang lên, như một lời khẳng định về chủ quyền của Tổ quốc ta đối với vùng biển, đảo này. Đây cũng là lời kết của bài hát: “Hoàng Sa, Trường Sa là quê hương, là máu thịt Việt Nam”. Không gì có thể bác bỏ, chia cắt được điều đó và lòng yêu nước đó”, Trần Minh nói. 
 
Nguyễn Thịnh

Bạn đang đọc bài viết "Trần Minh: Mang tình yêu quê hương vào trong âm nhạc " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.