TPHCM: Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đối tượng và chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt

13/06/2024 13:55

Theo dõi trên

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản chỉ đạo về nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đối tượng và chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn TP.

phuong-tien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-1718261723.jpeg
Ảnh minh họa

Theo đó, UBND TP đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh TPHCM báo cáo đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo chung đến các ngân hàng thương mại miễn các loại phí đối với tài khoản ngân hàng nhận trợ cấp an sinh xã hội; chấp thuận mở tài khoản ngân hàng cho đối tượng khuyết tật nhìn (mù 2 mắt) và khuyết tật nghe, nói.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP được giao kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ đưa nội dung chi trả kinh phí chăm lo Tết vào dự thảo văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021, làm cơ sở pháp lý để thực hiện với đơn vị dịch vụ chi trả; Hướng dẫn hình thức nhận thay trợ cấp xã hội hằng tháng đối với đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng (thần kinh tâm thần, trí tuệ và các dạng tật khác có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức).

Sở Tư pháp hướng dẫn triển khai thực hiện ủy quyền nhận thay trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ, đặc biệt đối với đối tượng là người khuyết tật; kịp thời phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận trợ cấp không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, UBND TP giao Công an TP chủ trì, phối hợp UBND TP Thủ Đức, quận, huyện và các đơn vị có liên quan rà soát và bổ sung dữ liệu đối với các trường hợp không có căn cước công dân; đối chiếu và điều chỉnh thông tin đối với các trường hợp lệch thông tin để đảm bảo cơ sở dữ liệu sống, đủ, sạch.

UBND TP Thủ Đức, quận, huyện thống nhất thời gian chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội vào ngày 5 hằng tháng (các trường hợp nhận chi trả không dùng tiền mặt) và từ ngày 5 đến ngày 15 hằng tháng (các trường hợp chi tiền mặt). Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trực tiếp chịu trách nhiệm về việc chậm trễ hoặc chi trả trợ cấp không đúng thời gian quy định dẫn đến phản ánh, khiếu nại của người dân.

Lãnh đạo TP cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương phối hợp với ngành Công an để thực hiện rà soát, đối chiếu và bổ sung/điều chỉnh thông tin đối tượng để đảm bảo cơ sở dữ liệu sống, đủ, sạch; tăng cường công tác vận động người dân mở tài khoản ngân hàng hoặc các hình thức ví điện tử để nhận chi trả trợ cấp an sinh xã hội hằng tháng; thường xuyên rà soát để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng trong chuyển đổi hình thức chi trả.

UBND TP Thủ Đức và các quận phấn đấu đạt tối thiểu 80%; huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn phấn đấu đạt tối thiểu 70%; huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ phấn đấu đạt tối thiểu 50% trên tổng số đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được chi trả không dùng tiền mặt.

Trong trường hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chưa hoàn tất việc rà soát và cập nhật dữ liệu, kết nối/chia sẻ dữ liệu với đơn vị dịch vụ chi trả (đặc biệt là Quận 1 và huyện Nhà Bè), ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chi trả theo chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì phải khẩn trương thực hiện ngay trong quý II năm 2024.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "TPHCM: Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đối tượng và chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.