
Ngày ấy, làng tôi bình yên và thuần nông, chỉ có nghề làm lúa nên mỗi dịp Tết đến là mọi người dường như cố gắng hơn để lấy tiền sắm sanh vật chất đón xuân mới. Người dân quê tôi chất phác và mộc mạc, chịu thương chịu khó một nắng hai sương ngoài đồng mà vẫn không đủ ăn. Cho nên, ba ngày Tết là cả một sự kiện lớn mà từ người già đến trẻ nhỏ đều háo hức mong chờ. Nhớ những ngày ấy, là những ngày cuối Đông giá rét, cánh đồng làng vẫn tấp nập gồng gánh mạ non chuẩn bị xuống giống. Dù rét nhưng người nông dân vẫn phải lội xuống ruộng đi cấy. Rồi chiều cuối năm, nước sông lên trong vắt, bố sai con cắt lá dong, mang ra bến rửa. Đôi bờ nhộn nhịp tiếng lợn kêu eng éc, tiếng giã giò vang khắp xóm cùng thôn, hương trầm bay thơm ngát, pháo nổ râm ran. Trên bến dưới thuyền người trong làng í ới hỏi nhau xem năm nay đụng mấy đùi lợn, gói bao nhiêu bánh chưng. Rồi đến ngày giáp Tết, pháo nổ đì đùng khắp làng. Người đi chợ tết đông lắm, hàng chen hàng, người chen người, tiếng nói ồn ã, tiếng mặc cả bán mua trộn lẫn với những tiếng cãi vã không phân biệt được gần hay xa. Thỉnh thoảng lại giật mình vì một tiếng pháo của ai đó đốt nổ giòn tan bất chợt. Mấy đứa trẻ trong làng tìm cách len vào chợ, ngó chỗ này một tý, nhìn chỗ kia một tẹo, trong người lâng lâng một tình cảm khó tả, vui vui ngây ngất.
Tết về, chợ quê nhộn nhịp náo nhiệt từ 23 tháng Chạp. Nhà nào cũng phải lo từ Tết ông Công ông Táo đến bữa cơm tất niên, bữa cơm cúng ngày đầu năm và cả những bữa cơm thết khách. Bao giờ cũng thế, không thể thiếu con cá chép, con gà, nải chuối, giấy tiền, vàng mã, mâm ngũ quả, hoa, những bức tranh Tết, và đặc biệt là món thịt lợn.
Chuyện đụng lợn ngày tết cũng vô cùng thú vị. Bởi trước Tết dăm ba tháng, một vài gia đình thân nhau, mua chung một con lợn để Tết đến cùng chia nhau. Trước Tết dăm ba tháng, một vài gia đình trong họ hàng, những người láng giềng, đồng niên, đồng ngũ mua chung con lợn ưng ý nhất, hay chọn một chú lợn béo mập của một gia đình nào đó, nuôi vỗ cho thật lớn để đến Tết cùng mổ lợn chia nhau. Ngày mổ lợn, không khí vô cùng náo nhiệt, các gia đình cùng đụng lợn đều có mặt để chia nhau. Mỗi người một công một việc, người tay thớt tay dao, người thúng mủng rổ rá, người cắt lá chuối, người chuẩn bị nước sôi… trẻ con quanh quẩn chờ xin cái bong bóng lợn để làm bóng đá. Người chọc tiết lợn thường là người khỏe mạnh, có vai vế và cũng phải có tay nghề, để chỉ chọc tiết một lần là được ngay. Bếp được đặt ngay một góc sân và nồi nước lúc nào cũng sôi sùng sục để làm được nhiều công đoạn. Giếng nước hay cầu ao cũng ngay cạnh đó, để có sẵn nước rửa.
Sau khi lấy được tiết, rau thơm và mỡ bạc nhạc cùng các phần thịt khó chia đều được băm nhuyễn để làm dồi lợn. Món này có thể dùng ngay sau khi chia xong các phần cho mỗi nhà. Các phần nội tạng như lòng, dạ dày, tim gan đều được luộc lên để nguội chia đều. Các phần thịt được chia đều từ miếng thịt nhỏ nhất. Tuy nhiên cũng có những ưu tiên nhất định cho nhà nào có người ốm đau, người già, phụ nữ có mang hay đang nuôi con nhỏ được chia những phần ngon hơn, hoặc nhiều hơn chút ít.
Thanh niên khoẻ mạnh được giao nhiệm vụ giã giò. Tần suất giã rất nhanh từ khi "thịt còn nóng" lúc vừa mổ xong. Các cụ già tóc bạc lưng còng, có kinh nghiệm làm giò hàng chục năm kiểm tra, nếu thịt đã nhuyễn mới lấy ra bó giò. Những chiếc lá chuối vườn đã được chọn và rửa lau sạch sẽ, rồi hơ qua lửa cho mềm để khỏi rách khi bó. Những sợi lạt được chẻ đều, mỏng, dài và dẻo. Những chiếc giò cũng được luộc chín chia đều cho mỗi nhà. Nhà nào cũng có lòng lợn, tiết canh, cũng có chân lợn để gói giò hoặc nấu đông; thịt nạc, thịt thủ để gói giò lụa, còn xương để nấu món măng hầm, bì lợn để làm món nem thính. Sau khi đã chia các phần đồng đều, những món có thể làm ngay tại chỗ thì thường được làm luôn cho đỡ mất thời gian vào những lúc giáp năm bận rộn. Nem cũng làm chung, thịt nạc được nướng chín hoặc nhúng tái, thái nhỏ, bì được lạng sạch, mỡ thái mỏng như sợi miến, cùng tỏi, lá sung, lá ổi non, trộn rồi chia đều, dùng rơm sạch bó vào từng quả. Mỗi nhà mang về treo ngoài phiên hay trên dây thép, khi có gió Đông Bắc lạnh lùa ngày đêm, món nem được thiên nhiên bảo quản tốt hơn nhiều so với tủ lạnh bây giờ.
Khách đến, chủ nhà chỉ cần chạy ra vườn hái một ít lá đinh lăng, lá sung, lá ổi non, mấy củ tỏi tươi nguyên lá, mấy quả ớt vườn, thêm quả nem là chủ khách đã có món "mồi" đầu tiên, nhanh và rất thơm ngon. Tết đến thế nào cũng phải có nồi thịt đông. Thường thì từng gia đình tự làm lấy món này theo khẩu vị và những gia vị gia đình có. Món chân giò hoặc gà nấu đông ăn vào những ngày rét buốt chân buốt tay là món ăn thanh dã, uống với chén rượu mới cảm nhận được vị ấm nồng của hương Tết. Chuyện đụng lợn còn góp phần hoà giải những người có mâu thuẫn với nhau trong năm. Qua công việc chung, họ trở lại thân tình với nhau như ngày nào. Đây cũng là dịp để hàng xóm láng giềng gặp mặt sau những ngày vất vả với công việc đồng áng, là dịp để họ quan tâm đến nhau hơn, từ đó tình làng nghĩa xóm được lưu giữ và phát huy.
Ngày xưa, mỗi dịp tết đến xuân về, mọi nhà lại bày ra những cỗ bài Tam Cúc để quây quần bên nhau, trông nồi bánh chưng Tết trong cái lạnh mùa đông. Những lúc ấy, không khí gia đình vô cùng đầm ấm và yên bình. Chẳng sát phạt nhau mà chỉ để chờ đợi khoảnh khắc Giao thừa đến. Ngoài hiên, làn mưa xuân giăng trên thềm nhà, trên mái rạ, chú trâu nằm thảnh thơi nhai rơm mới. Lũ trẻ quây tròn bên nồi bánh đang sôi lục bục hay bên bếp lửa ấm nồng. Người chơi Tam Cúc phần nhiều là phụ nữ, vì đàn ông thích đánh tổ tôm. Nhiều anh chị cũng tìm hiểu nhau từ những ván bài Tam Cúc như thế. Để rồi những đám đưa dâu, người ta vẫn nhắc về những lần hẹn hò trong cuộc chơi Tam Cúc năm xưa.
Chơi Tam Cúc đã là một trò chơi xa lạ, bây giờ khi nghe nói Tam Cúc, cứ ngỡ như nghe lại một chuyện cổ tích xa xôi. Thực ra, chơi tam cúc là một trò chơi phổ biến, dân dã, đặc biệt là trong những ngày Tết. Khi ấy, cả nhà sum họp đầm ấm. Bộ bài gồm những tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã màu đen, đỏ. Một thời, có lẽ không chỉ đối với tôi mà với nhiều người, đã là xa xôi lắm! Bây giờ, còn ai quây quần bên ván bài Tam Cúc để nghe những hơi thở của tình cảm thơ ngây, từ từ nhú mầm yêu thương, để cảm nhận được không khí gia đình đầm ấm, để quệt nhọ nồi lên mũi, lên má nhau. Ngồi bên nhau trong buổi đầu xuân, cùng vui buồn trong ván bài Tam Cúc là điều thú vị. Nhưng bây giờ, những khoảnh khắc ấy chỉ còn trong kỷ niệm, trong trí nhớ của những người có tuổi. Lâu lắm rồi không thấy ai nhắc lại bài Tam Cúc ngày Tết. Ngay ở làng quê bây giờ cũng chẳng còn mấy người chơi bài Tam Cúc. Chắc không nhiều người còn nhớ hay biết đến cách chơi, nói gì tới đám trẻ. Chỉ còn sót lại dăm câu thơ trong "Cỗ bài Tam Cúc" của Hồ Dzếnh: “Từ đó mỗi mùa đào nở/Pháo xe lại rộn cây bài/Có độ anh về, có độ/Vắng anh, em nhớ mong hoài...”. Pháo tết đã không còn, bây giờ Tam Cúc cũng dần biến mất, tự nhiên ta thấy thiếu một điều gì đó rất đỗi thân thương mỗi khi Tết đến…
Những ngày như thế nhà tôi cũng nấu bánh chưng, chị tôi ngồi cắt những tấm lá dong cho vào cái khuôn gỗ và bắt đầu cho nếp, thịt vào. Chúng tôi háo hức với nồi bánh chưng, nấu cả đêm và sáng hôm sau thì dậy thật sớm để nếm mấy cái bánh nhỏ nhỏ, xinh xinh mà chị gói riêng cho tôi cùng với miếng dưa hành mẹ muối, miếng thịt lợn ướp nước mắm để dành ăn Tết... thấy ngon lạ. Hương vị ấy vẫn còn đọng rất sâu trong ký ức như thủa nào.
Tết lúc đó nghèo thật. Trời rét, lũ trẻ trong làng đi chân đất, không có áo lạnh khoác bên ngoài, bộ quần áo nâu đâu có đủ ấm, nhưng hình như cũng không để ý đến điều đó vẫn chỉ thích chơi đáo ăn tiền, chơi khăng, nhặt những quả pháo chưa nổ đem đốt hoặc chạy ra xem các anh chị chơi đu. Cái Tết ở làng hồi ấy, trong một buổi đầu xuân khi mưa phùn rơi nhè nhẹ, mặt đường đất ướt nhèm nhẹp, tiếng pháo nổ đì đùng, mùi pháo Tết hăng hăng, nồng nồng, người đi đường chào nhau: “Bà đi chơi tết về ạ!”, “Cháu chào ông! Mừng tuổi ông ạ!”, “Cụ đi đâu đấy ạ? Đã đi lễ chùa chưa cụ?”... không hiểu sao, tôi cứ nhớ mãi. Tết là như thế. Đơn giản, ấy vậy lại nhớ lâu...
Bây giờ ít người gói bánh chưng, không nghe thấy tiếng lợn kêu, chả còn ký cách tiếng chầy tiếng cối giã giò. “Hiện đại” rồi nên nguời ta cứ ra chợ làm một “thúng” Tết, nhà nào có tiền thì làm hẳn mấy “xe” Tết về bệ lên bàn thờ, thế là xong. Giờ thì không còn pháo nữa rồi, sương đêm giao thừa cũng không còn có hơi ấm của khói pháo. Người ta đổ ra đường đón xuân dưới ánh đèn điện vô hồn, còn đâu ánh lửa bếp ấm áp của tết năm nào. Mỗi năm Tết càng đơn giản và có nhiều người còn sợ Tết. Đã đi quá nửa đời người, ăn tết không biết bao nhiêu lần. Nhưng cũng thật lạ, cứ gần đến Tết, khoảng đầu tháng Chạp (âm lịch), trong lòng vẫn có cảm xúc thật bồi hồi nao nao khó tả. Lại y như trẻ con, nhẩm tính từng ngày để chờ tết đến. Cho dù bây giờ cuộc sống đã no đủ, nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, tôi lại miên man nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu ở ngôi làng nhỏ bé và bình yên ngày xưa ấy. Tết này, tôi về ăn tết với quê…