Tính hiện đại - linh hồn kịch Lưu Quang Vũ

29/08/2015 15:03

Theo dõi trên

Kỷ niệm 27 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, từ 28.8 đến 1.9 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) sẽ diễn ra chuỗi đêm kịch Lưu Quang Vũ “Người trong cõi nhớ” gồm 4 vở: “Lời thề thứ 9”, “Ai là thủ phạm”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Nàng Sita”. Nhân dịp này, TS Nguyễn Thị Minh Thái đã có bài viết về kịch Lưu Quang Vũ.

Người xem vẫn muốn đối thoại

Đây là lần thứ 3, những đêm kịch Lưu Quang Vũ hàng năm được tổ chức thành công, cùng lần thành công thứ nhất là Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ năm 2013 (do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức, gồm 10 kịch bản, do 12 nhà hát, đoàn hát toàn quốc diễn tại Hà Nội. Những sự kiện nổi bật ấy của kịch Lưu Quang Vũ đã chứng minh rằng, người xem của sân khấu Thủ đô hôm nay, và không chỉ Thủ đô, vẫn rất thích được xem, để được đối thoại dân chủ và bình đẳng với kịch Lưu Quang Vũ. Những vấn đề thời sự-xã hội nóng bức được đặt ra trong kịch Lưu Quang Vũ vẫn ám ảnh người xem Việt hiện đại. Và vì thế, tính hiện đại đã thành phẩm chất nghệ thuật quan trọng nhất, đã tạo nên sự hấp dẫn lớn của kịch Lưu Quang Vũ với công chúng đương thời.




Cảnh trong vở “Ai là thủ phạm” của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: T.L

Khởi nguồn đời viết, Lưu Quang Vũ đã là thi sĩ theo đúng nghĩa đầy đặn và lấp lánh tài năng bẩm sinh của một nhà thơ thứ thiệt. Trong những bài thơ hay nhất của anh, người đọc đã được lắng lòng và thấm thía lắng nghe tiếng “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” từ một tâm hồn thơ lãng đãng bay bổng như mây trắng: “Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”.

Nhưng khi bước vào thế giới kịch nghệ, với trách nhiệm cao của một thi sĩ-công dân, khi lựa chọn thái độ rạch ròi quyết liệt trong cách tổ chức mâu thuẫn, xung đột của kịch bản văn học - vốn là bản nguyên mỹ học căn cơ của thể loại kịch, Lưu Quang Vũ đã trở thành một nhà viết kịch hiện đại Việt Nam, với tất cả những ưu thời mẫn thế về cuộc sống của xã hội Việt Nam hiện đại, nhất là những vấn đề thuộc về con người, đang liên tục nảy sinh từ cuộc sống đô thị Việt, trong những năm 80 của thế kỷ XX. Chính khi ấy, văn học Việt Nam đổi mới lên ngôi, đã tạo ra một trường sáng tác mới mẻ cho những nhà văn đổi mới như Lưu Quang Vũ trong viết kịch, Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn, Nguyễn Quang Thiều trong thơ trữ tình...

Dùng phương thức kịch, Lưu Quang Vũ thấy cái viết của mình đầy ưu thế khi viết những kịch bản dàn trận tranh đấu giữa cái mới và cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ và cái tích cực, cái văn minh tiến bộ và cái lạc hậu của người Việt hiện đại đang trăn trở nghĩ suy, đặng tìm cách giải quyết những vấn đề văn hóa xã hội  đang ráo riết đặt ra cho sự phát triển xã hội Việt hiện đại. Các kịch bản của Lưu Quang Vũ, được thiết lập trên một tinh thần hiện đại khỏe khoắn như thế, nên đã mặc nhiên mang nồng đượm hơi thở của đời sống hiện đại với những vấn đề thời sự được phát hiện tươi rói từ con mắt và tấm lòng tràn đầy yêu thương cuộc đời của Lưu Quang Vũ.

Sự thao thức với thời cuộc

Những vấn đề triết học nhân sinh lần đầu được Lưu Quang Vũ đặt ra sâu sắc, thuyết phục trong kịch bản “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, viết từ thập niên 80 của thế kỷ XX, được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành công cho Nhà hát Kịch Việt Nam, được chấm giải vở diễn hay nhất trong Liên hoan sân khấu kịch quốc tế ở thủ đô Mátxcơva của nước Nga Xô-viết năm 1990, được biểu diễn thành công trước sinh viên của hơn 20 trường đại học Mỹ năm 1998.

Với một cách viết kịch nồng nhiệt đầy tính khai phá hiện thực như thế, Lưu Quang Vũ nhanh chóng trở thành một hiện tượng tác giả sân khấu xuất thần của thời kỳ đổi mới, đã có công lớn góp phần vực dậy cả một nền sân khấu đang khủng hoảng người xem, bởi sự thiếu vắng những kịch bản hay, những kịch bản ấm nóng tính thời sự và sâu sắc tính hiện đại.

Sự xuất hiện của Lưu Quang Vũ, với việc ra mắt liên tiếp những kịch bản mới và hay đã làm đầy sự thiếu vắng, hẫng hụt về kịch bản của nền sân khấu Việt hiện đại trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Chỉ trong khoảng mươi năm, trước khi mất vì tai nạn giao thông năm 1988 cùng bạn đời là thi sĩ Xuân Quỳnh, con trai Quỳnh Thơ, Lưu Quang Vũ đã kịp có một gia tài đồ sộ khoảng 50 kịch bản đã được xuất bản và dàn dựng, từ kịch bản đầu tay, viết năm 1979: “Sống mãi tuổi 17”, và liên tiếp sau đó là “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Người tốt nhà số 5”, “Ông vua hóa hổ”, “Tôi và chúng ta”, “Người trong cõi nhớ”, “Nguồn sáng trong đời”, “Nàng Sita”, “Trái tim trong trắng”, “Vụ án 2000 ngày”, “Lời thề thứ 9”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Bệnh sĩ”... Hầu như, khi sinh thời của Lưu Quang Vũ, hơn 100 nhà hát và đơn vị sân khấu toàn quốc, không nơi nào lại không ham muốn dựng kịch của Lưu Quang Vũ…

Năm nay, sự trở lại của chùm kịch Lưu Quang Vũ trên sân khấu Thủ đô đã lần nữa khẳng định: Tính hiện đại trong kịch Lưu Quang Vũ chính là sự thao thức của nhà viết kịch với thời cuộc, sự khao khát muốn đồng hành, trăn trở, nghĩ suy và đối thoại với người xem thế kỷ XXI đã xuyên suốt trong tất cả các kịch bản của Lưu Quang Vũ. Và điều này càng có ý nghĩa, khi người xem Việt vẫn muốn yêu và muốn trở lại với sân khấu Việt hiện đại, khi sân khấu hôm nay vẫn trên đường đi tìm người xem đã mất, từ những năm cuối thế kỷ XX…

Kịch Lưu Quang Vũ luôn luôn dựng dậy những vấn đề thời sự-xã hội nóng bức của đời sống đô thị Việt, khiến người xem hiện đại Việt và cả công chúng nước ngoài, đã được soi mình trong đó, được đối thoại, được gợi mở, lay thức tâm hồn... đến mức có thể thay đổi hành vi, thay đổi cả nhận thức và lối sống hiện đại.

Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái (Dân Việt)

Bạn đang đọc bài viết "Tính hiện đại - linh hồn kịch Lưu Quang Vũ" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.