Tuy nhiên, cho đến nay, thay vì thực hiện nghiêm túc chính sách của Nhà nước, ông Cao Hiếu - Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh vẫn cố tình lừa trên, dối dưới, làm cho vụ việc vẫn trong vòng luẩn quẩn...
Lừa cả... trưởng thôn
Sau khi bài báo nói trên đến với bạn đọc, trong các cuộc họp với cán bộ, nhân dân xã Diễn Thịnh cũng như gặp lãnh đạo huyện, ông Cao Hiếu - Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh luôn nói rằng: “Nhà báo viết sai sự thật, bịa đặt, vu khống! UBND xã không hề chỉ đạo Bí thư, Xóm trưởng xóm 15 họp lấy ý kiến dân cư mà do họ tổ chức và mời lãnh đạo xã tham gia. UBND xã sẽ có công văn mời nhà báo về đối chất”, một cán bộ xã xin dấu tên, cho biết.
Nhận được thông tin nêu trên, phóng viên đã trở lại xã Diễn Thịnh, gặp lại các thành viên đại diện cho những người dân ở xóm 15 tham dự cuộc họp ngày 13/6/2014 như đã phản ánh ở bài viết trước. Qua tiếp xúc, ông Hoàng Văn Phong - Bí thư Chi bộ, ông Cao Xuân Hoàn - Xóm trưởng xóm 15, ông Phan Huy Thế - Thư ký cuộc họp, ông Đậu Quang Quyền... đều khẳng định rằng: “Cuộc họp ngày 13/6/2014 đã thống nhất: các hộ bà Thới, ông Năm, ông Đường đều ở đây từ trước năm 1980 theo như sơ đồ 299 được vẽ năm 1982”. Để chứng minh, ông Hoàn cho phóng viên xem và chụp lại biên bản cuộc họp được ghi vào cuốn sổ của ông, do ông Thế làm thư ký (xem ảnh trên).
Có trong tay biên bản cuộc họp, phóng viên phát hiện thấy, ngay tên gọi của cuộc họp là: “Họp Hội đồng xác nhận đất ở của khu dân cư xóm 15 - xã Diễn Thịnh” đã không đúng với chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu và không đúng với hướng dẫn nêu tại Thông tư 06/2007/TT - BTNMT này 2/7/2007 của bộ Tài Nguyên và Môi trường. Từ nội dung biên bản ghi chép cho thấy, 10 người dân xóm 15 là thành phần được “mời thêm”, còn chủ trì vẫn là 10 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã. Ngạc nhiên hơn, biên bản không có dòng nào ghi ý kiến về phần đất của gia đình ông Năm, ông Đường đang có tranh chấp như trong “Phiếu lấy ý kiến của khu dân cư” do UBND xã phát hành và được niêm yết công khai tại UBND xã và Nhà văn hoá xóm 15 ngay sau cuộc họp. Vậy những chữ ký có trong “Phiếu lấy ý kiến của khu dân cư” là chữ ký thật hay bị giả mạo? Tại sao, giữa Biên bản cuộc họp và “Phiếu lấy ý kiến của khu dân cư” có nội dung không giống nhau? Ai là người chỉ đạo làm sai lệch nội dung thông tin trong “Phiếu lấy ý kiến của khu dân cư” này?
Được biết, sau khi UBND xã niêm yết công khai “Phiếu lấy ý kiến của khu dân cư”, đã có 15 người dân ở xóm 15 cùng ký đơn phản bác lại thông tin nêu trong văn bản nêu trên, trong đó có 2 người từng được mời tham gia cuộc họp.
UBND huyện có lúng túng?
Về phía UBND huyện, sau khi nhận được những phản ánh về cuộc họp ngày 13/6/2014 từ Báo Dân tộc và Phát triển và phuongnam.net.vn cùng lá đơn đề nghị của 15 người dân xóm 15 (trong đó có ông Cao Xuân Hoàn và ông Cao Thanh Tri - những người đã tham gia cuộc họp) nêu trên, bà Hoàng Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu đã chỉ đạo kiểm tra lại. Và, chiều ngày 14/7/2014, bà Hoàng Thị Hương đã đích thân chủ trì cuộc họp tại UBND xã Diễn Thịnh với sự tham gia của Trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện và toàn bộ Ban Thường vụ, lãnh đạo chủ chốt và cán bộ địa chính xã Diễn Thịnh. Cuộc họp có mời thêm Chủ nhiệm HTX Nam Thịnh các thời kỳ từ năm 2002 đến nay.
Tại cuộc họp, ông Cao Hiếu - Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh vẫn “kêu oan” về những thông tin mà báo chí cho rằng ông chỉ đạo xóm 15 họp theo “kịch bản” và đề nghị huyện có ý kiến can thiệp. Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Hương đã bác bỏ ý kiến của ông Hiếu và đề nghị cuộc họp tập trung làm rõ số diện tích đất của các hộ dân ở cống Ao Môn có cơ sở pháp lý để xem xét, bồi thường hay không?
Tại cuộc họp, ông Cao Hiếu lại tìm cớ cho rằng, bản đồ 364 được vẽ năm 1993 thể hiện phần diện tích đất dự án thu hồi không liền thổ với thửa đất gia đình ông Năm, ông Đường, bà Thới, do vậy họ không được đền bù. Tuy nhiên, so sánh những thông tin về số thửa được thể hiện và ký hiệu trong bản đồ 364 với hiện trạng sử dụng đất thì bản đồ này không đúng với thực tế.
Do chưa hình dung được phần diện tích đất của gia đình ông Năm, ông Đường, bà Thới trước khi bàn giao cho dự án nên bà Hoàng Thị Hương vẫn chưa dám tin những nội dung khiếu nại của dân. Sau khi có trong tay các tài liệu liên quan đến vụ việc, đối chiếu giữa bản đồ 299 (vẽ năm 1982 ghi nhận hiện trạng sử dụng đất) và bản đồ 364, kết hợp với thông tin có trong “Biên bản làm việc” giữa đại diện 2 hộ dân (ông Năm và ông Đường) với Ban quản lý dự án, nhà thầu, UBND xã Diễn Thịnh trước khi thi công dự án ngày 16/8/2012 cùng với bản vẽ “Hồ sơ kỹ thuật thuật đất” của hộ ông Năm, kết hợp với hiện trạng khu đất qua mô tả của các “khổ chủ” và những người dân xung quanh cho thấy: Sơ đồ 299 là tài liệu thể hiện trung thực, chính xác về hiện trạng thửa đất mà các gia đình ông Năm, ông Đường sử dụng từ trước đến nay. Bởi vậy, khi xem xét để giải quyết quyền lợi cho dân, không thể căn cứ vào tài liệu sai để bác bỏ quyền lợi họ được.
Thay lời kết
Thông tư 06/2007/TT - BTNMT ngày 02/7/2007 chỉ quy định “lấy ý kiến khu dân cư” trong trường hợp thửa đất bị thu hồi không có các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 84/2007/NĐ - CP. Trong trường hợp khiếu nại của gia đình ông Năm, ông Đường, qua các tài liệu có trong hồ sơ của Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện Diễn Châu đã đủ cơ sở để xem xét quyền lợi cho họ.
Chẳng lẽ, chỉ vì những mâu thuẫn cá nhân giữa gia đình ông Năm, ông Đường với Chủ tịch xã Diễn Thịnh trong quá trình giải quyết khiếu nại của công dân mà sự việc bị đẩy vào tình thế phức tạp?
Để giải quyết dứt điểm vụ việc, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu thành lập Đoàn Thanh tra để kiểm tra do Phòng Tài nguyên và Môi trường làm chủ trì, để xác minh nội dung đơn khiếu nại và trả lời bằng quyết định hành chính đối với vụ việc theo quy định hiện hành.