Tại Bình Thuận, trong những năm vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, cập nhật bổ sung, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo Luật, theo từng cấp độ rủi ro thiên tai. Tỉnh đã chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ", nhờ đó sau khi thiên tai, sự cố xảy ra, địa phương đã huy động kịp thời từ nhiều nguồn vốn để tái thiết, khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, việc xây dựng tình huống, phương án xử lý và đảm bảo an toàn cho các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn được xây dựng trên lý thuyết. Trong khi đó, thực tế công việc ít xảy ra nên địa phương chưa có kinh nghiệm chuyên sâu xử lý cho từng tình huống cụ thể, đôi khi còn lúng túng. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ các cấp còn kiêm nhiệm, thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm; nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai còn ít, chỉ đáp ứng một phần so với yêu cầu.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong những năm gần đây thường xuyên xảy ra tình hình sạt lở bờ biển. Hiện tượng sóng to, gió mạnh trên biển gây ra nhiều sự cố, tai nạn tàu thuyền trên biển…
Phát biểu trong buổi làm việc tại tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông lưu ý, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh khá đang dạng và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề lớn mà tỉnh đang phải đối mặt. Do đó địa phương cần nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn quán triệt kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương; đặc biệt chú trọng thực hiện tốt phương châm "04 tại chỗ" để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.
Thứ trưởng cũng yêu cầu địa phương cần rà soát các văn bản chỉ đạo, điều hành về phòng, chống thiên tai để kịp thời bổ sung quy định mới phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện soát lại quy định về việc quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền của địa phương. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giữa các vùng, miền có địa hình tương đồng với nhau để học tập những kinh nghiệm hay, cách làm mới trong công tác này. Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, làm thay đổi nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai.
Tại Ninh Thuận, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, thực hiện công tác xây dựng và triển khai kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 và năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; rà soát kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về PCTT, đề ra các phương án ứng phó tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn. Hoạt động truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT được quan tâm, chú trọng. Với phương châm "4 tại chỗ", hằng năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã giao cho các doanh nghiệp chuẩn các bãi lấy cát, 5.000 m3 đá hộc, dự trữ trong kho hơn 1.200 rọ thép để phục vụ công tác ứng phó thiên tai; bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó khi cầu, đường có sự cố hư hỏng. Công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, bố trí chỗ ở phục vụ di dời tái định cư vùng thiên tai được thực hiện đảm bảo.
Qua nghe báo cáo của tỉnh, ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn công tác, Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận và đánh giá cao các phương án, giải pháp PCTT của tỉnh triển khai trong thời gian qua. Thứ trưởng mong muốn tỉnh tiếp tục rà soát, xây dựng các biện pháp ứng phó phù hợp với địa bàn của tỉnh; chú trọng thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thiên tai; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN từ cấp tỉnh đến cơ sở đủ số lượng, có năng lực trong điều hành chỉ huy, tổ chức ứng trực kịp thời để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị chuyên dụng, công cụ hỗ trợ phục vụ ứng phó hiệu quả; đồng thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa, lũ; linh hoạt trong việc lồng ghép, bố trí kinh phí xây dựng công trình hạ tầng ứng phó thiên tai... Về những kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp chuyển đến các bộ, ngành liên quan xem xét, có hướng giải quyết kịp thời.
Ngay sau buổi làm việc, Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực địa tình hình sạt lở bờ biển tại khu phố 1, phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và khu vực sạt lở thuộc khu phố Ninh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải và công trình kè chống sạt lở bờ biển thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải (Ninh Hải), tỉnh Ninh Thuận./.