Bán máu lo bệnh cho con
Khi một sân khấu tuyên bố đóng cửa, lo lắng nhiều nhất không phải nhà đầu tư, bầu sô hay nghệ sĩ mà là những nhân viên hậu đài. Họ là những người gắn cuộc sống của bản thân và gia đình vào mỗi đêm sân khấu sáng đèn qua các công việc: dàn dựng cảnh trí, kéo màn, soát vé, phục trang, gác cửa rạp…
Những người làm công việc hậu đài thực hiện cảnh trí cho vở diễn tại rạp Thủ Đô
Từ khi sân khấu cải lương tại TP HCM teo tóp, chỉ còn rạp Thủ Đô sáng đèn mỗi cuối tuần, hơn 30 nhân viên hậu đài ở đây không sống nổi đã đi tứ tán để tìm việc. Người may mắn tìm được việc ở các chương trình truyền hình thực tế hoặc đi quay phim nhựa, làm hậu đài cho các đoàn phim video cải lương. Phần lớn trong số họ đều thất nghiệp. Mỗi sáng, họ tụ họp tại rạp Thủ Đô để mong chờ từng suất hát. Vì có diễn, họ mới có thể dọn cảnh, kéo màn, làm những công việc hậu đài, với thù lao từ 120.000 - 300.000 đồng/suất.
Những ngày gần đây, nhiều người bàng hoàng khi hay tin anh Hường, nhân viên hậu đài Đoàn Sân khấu vàng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, phải đi bán máu để có tiền điều trị căn bệnh tim bẩm sinh cho con trai. Nhà anh nghèo, gánh hát này nhiều năm chỉ diễn chương trình tổng hợp, thu nhập của anh chỉ 300.000 đồng/suất. Có khi 2 tháng anh mới có suất tại rạp Thủ Đô. Để có tiền điều trị bệnh cho con, anh chỉ còn cách đi bán máu. Nghệ sĩ Lệ Thủy vận động bạn bè giúp đỡ cháu bé qua cơn nguy kịch, các nghệ sĩ khác cũng trích tiền cát-sê từ nhiều suất diễn để giúp con anh Hường. “Chưa bao giờ đời sống anh chị em hậu đài vất vả như hôm nay. Họ gắn bó cả đời vào gánh hát, khi buộc phải rời xa nó chỉ vì không còn khán giả, họ gần như không biết phải làm gì” - nghệ sĩ Lệ Thủy xúc động nói.
Nghệ sĩ Kim Cương cho biết: “Những anh chị em thất nghiệp phải đi kiếm sống bằng nhiều công việc khác nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên rất khó khăn. Hỗ trợ vốn là cho họ cần câu nhưng để câu được cá không phải ai cũng làm được ngay nên cái đói vẫn đe dọa gia đình họ từng ngày”.
Chưa kể đến vấn đề sức khỏe, việc mua bảo hiểm y tế với họ là chuyện xa vời, có người không có giấy tờ lận lưng, như trường hợp anh Nhựt, làm hậu đài ở rạp Thủ Đô, bị đột quỵ qua đời cách đây một năm. “Chúng tôi tìm trong bóp thấy một mẩu giấy cầm giấy CMND nên tìm đến tiệm cầm đồ chuộc lại mới làm thủ tục xin nhận xác của anh mang về an táng” - anh Võ Anh Kiệt, chuyên viên âm thanh, ánh sáng của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, kể lại. Để lo bảo hiểm y tế cho tất cả anh em hậu đài, không phải sân khấu nào cũng đủ điều kiện như IDECAF và Kịch Phú Nhuận.
Hậu đài sàn kịch cũng “bi kịch”
Đây là câu nói vui nhưng đầy chua xót của anh Bảo, chuyên viên âm thanh Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. Bi kịch với anh chính là sàn diễn đóng cửa, anh chị em hậu đài sống bấp bênh. Anh Hoàng làm hậu đài của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM giờ chuyển sang làm thợ hồ. Chú Mỹ nghỉ làm ở nhà hát này vừa nhận được công việc bảo vệ trên địa bàn quận 1. Riêng anh Bảo may mắn tìm thêm được công việc làm biên tập cho Đài Truyền hình Vĩnh Long, phụ trách các mảng kịch về câu chuyện pháp đình. “Cũng sống lây lất qua ngày, chờ Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM sửa xong. Mà chắc là lâu lắm, anh chị em hậu đài gặp nhau cứ phải than thở như đang diễn… kịch bi vậy” - anh Bảo nói.
Cùng cảnh ngộ, những người làm hậu đài của sân khấu kịch Thuần Việt vẫn chưa thấy lối ra kể từ khi chuyển về Sân khấu CTM bởi khu vực Chợ Lớn đông khán giả người Hoa, chưa quen với kịch Việt.
Đội ngũ làm hậu đài của Kịch Phú Nhuận có mức thu nhập ổn định hơn, tuy nhiên lịch diễn ngày càng thưa vì lượng vé bán yếu dần. Anh Kiếm, nhân viên hậu đài, cho biết có những suất diễn dù ít khán giả vẫn phải mở màn nhưng tuyệt đối “bầu sô” Hồng Vân không bớt lương anh chị em hậu đài. “Đó là điều khiến chúng tôi cố gắng bám sàn diễn này dù hiện nay nghe tin sân khấu có nguy cơ phải đóng cửa vì không bảo đảm được nguồn thu để tái sản xuất” - anh Kiếm than.
Tuy thu nhập những người làm hậu đài ở các sân khấu kịch không cao nhưng cuộc sống vẫn dễ thở hơn vì còn sống nhờ vào các nghề phụ. Có người làm thêm công việc chạy xe ôm, chạy xe rao quảng cáo, bán hàng rong, bán vé số…
Chính họ tự nuôi sống bản thân và nuôi cả niềm đam mê gắn bó với ánh đèn màu vì hầu hết đều cho rằng đã mang ơn Tổ nghiệp thì cả đời phải sống với thế giới màn nhung dù họ thừa biết trong thế giới đó không phải lúc nào cũng no đủ.
Hầu hết những người làm công việc hậu đài nhiều sân khấu xã hội hóa có mức lương ổn định từ 3-4,5 triệu đồng/tháng. Họ được ưu tiên giao việc khi nhà tổ chức hoặc bầu sô của sân khấu đó nhận thêm lịch quay hình, tổ chức sự kiện. Thế nhưng, việc trả vé khi gặp trời mưa hoặc vé bán không bảo đảm doanh thu một suất diễn, họ đều chịu thiệt bởi phải treo bảng quảng cáo, dọn cảnh từ sớm, mà việc “hủy diễn thường vào giờ chót nên công lao đó không được tính, xem như bỏ vì sàn diễn không sáng đèn” - anh Nam, Kịch Phú Nhuận, nói. Với nghệ sĩ Hoài Linh, nhiều suất diễn gặp cảnh trời mưa, khán phòng vắng, anh đều dành hết cát-sê chia đều cho anh chị em hậu đài.
Nhiều suất diễn của vở “Cướp dâu” thuộc sân khấu số 7 Trần Cao Vân, quận 1 phải trả vé vì phần đông là diễn viên trẻ của sân khấu IDECAF, tuy nhiên với anh Nhân, chỉ huy tổ hậu đài: “Tất cả vì đàn em diễn viên nên có cực cũng không than. Làm hậu đài thời nay cần cái tâm”.
“Có thể đói nghèo nhưng khi màn sân khấu mở ra, vở diễn mang lại hiệu quả nghệ thuật là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc” - anh Lộc, có trên 30 năm gắn bó với hậu đài sàn diễn cải lương, nói.
Theo Thanh Hiệp (Người Lao Động)