
Di tích Hoàng Thành Thăng Long - Nguồn: internet
Hội thảo với chủ đề “Sự tham gia của cộng đồng và cách tiếp cận quyền tại các khu Di sản thế giới” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội phối hợp với Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội, ĐH Lucerne (Thụy Sỹ) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên vấn đề quyền cộng đồng với di sản được đặt ra tại Việt Nam
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề: Quyền về đất, tài nguyên và tài sản; Quyền về sinh kế và quyền phát triển; Bản địa, dân tộc thiểu số và quyền về văn hóa; Quyền tham gia tham vấn tham tán… và đi đến khẳng định: Quyền của những người sinh sống trong các khu di sản thế giới có thể bị ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực phụ thuộc vào việc các cơ quan quản lý nhà nước nhận diện vấn đề này như thế nào.

Ảnh minh họa - Nguồn: internet
“Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hiện chưa có thống kê chính thức về số lượng dân cư sống trong các khu di sản này nhưng chắc chắn con số không hề nhỏ. Tuy vậy, hiện ở Việt Nam, chưa có ai đặt ra câu hỏi: Cuộc sống của người dân trong các khu di sản thế giới như thế nào? Các quyền con người của họ được đảm bảo ra sao? Liệu việc sống trong khu vực trở thành Di sản thế giới có đem lại lợi ích cho họ hay không? Hay có tác động tiêu cực nào? Vấn đề đảm bảo và bảo vệ quyền con người trong hệ thống Di sản thế giới ở Việt Nam còn là vấn đề hết sức mới mẻ”. Đó là nhận định của GS.TS Võ Khánh Vinh- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.
Lấy ví dụ từ Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng, các chuyên gia nêu rõ: Phong Nha- Kẻ Bàng là khu bảo tồn lớn nhất của Việt Nam và là khu di sản thế giới được công nhận rộng rãi, được biết đến trên toàn cầu về cảnh quan ngoạn mục của di sản, giá trị đa dạng sinh học và cấu trúc hang động. Sự tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản này của cộng đồng địa phương là cần thiết. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ và bảo tồn các giá trị của khu di sản thiên nhiên thế giới là bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là một công việc có tính xã hội hóa, là nhiệm vụ của toàn dân, của cộng đồng cư dân. Nếu không có sự tham gia của người dân sống trong các khu di sản thì công tác bảo vệ không đạt kết quả tốt. Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng dân cư vùng có di sản, là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công trong công tác bảo tồn các khu rừng đặc dụng nói chung và Di sản Phong Nha Kẻ Bàng nói riêng.
Một điểm đặc biệt nữa, Phong Nha- Kẻ Bàng không những có giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học mà còn đa dạng văn hóa và dân tộc. Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở đây gồm có 2 dân tộc, dân tộc Chứt, dân tộc Bru- Vân Kiều. Các dân tộc này đã có sự hiện diện lâu dài, lịch sử di chuyển thôn bản, các phong tục canh tác sản xuất, văn hóa tâm linh, địa bàn sinh kế của họ gắn liền với việc sử dụng và quản lý tài nguyên tại Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Những hiểu biết về văn hóa địa phương, tri thức bản địa của cộng đồng các dân tộc này là cần thiết trong công tác bảo tồn di sản, ngược lại việc bảo tồn di sản chỉ mang tính bền vững khi giải quyết hài hòa các mối quan hệ về văn hóa, sinh kế và sử dụng tài nguyên lâu dài trong khu vực. Thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quản lý từ nhiều phía, điều này có nguy cơ dẫn đến sự mai một hoặc biến mất các bản sắc văn hóa có từ lâu đời của cộng đồng các dân tộc sinh sống trong khu vực.
Những năm gần đây, sự quan tâm đến vai trò của cộng đồng trong việc thực thi các Công ước di sản thế giới ngày một tăng lên. Trong các quy định, chương trình, kế hoạch hành động, các cơ quan quản lý luôn đề cao và tôn trọng cộng đồng với vai trò là chủ thể của di sản. Cộng đồng vừa là người sáng tạo, thực hành và hưởng lợi, vừa là đối tượng giám sát hiệu quả của các chương trình, dự án được triển khai trong thực tế. Bởi những hiểu biết về văn hóa địa phương, tri thức bản địa của cộng đồng các dân tộc là cần thiết trong công tác bảo tồn di sản, ngược lại việc bảo tồn di sản chỉ mang tính bền vững khi giải quyết hài hòa các mối quan hệ về văn hóa, sinh kế và sử dụng tài nguyên lâu dài trong khu vực. Mặc dù chúng ta nhận thức rõ tầm quan trọng sự tham gia của cộng đồng nhưng thực tế họ không dễ dàng thực hiện quyền với chính di sản của mình.Hội thảo lần này chính là cơ hội để nhìn nhận và đánh giá về chính sách pháp luật và công tác thực thi của Việt Nam trong các khu di sản thế giới, thành tựu, thách thức của quá trình bảo vệ quyền con người tại đây.
Theo Di Sản Xanh